Đại dịch hoành hành, doanh nghiệp dệt may tìm hướng đi mới

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang chuyển hướng đi mới trong việc triển khai thêm mảng kinh doanh bất động sản, với các dự án đang được bàn giao hoặc trong giai đoạn xin cấp phép.
Đại dịch hoành hành, doanh nghiệp dệt may tìm hướng đi mới ảnh 1Khu đô thị Phú Xuân Damsan. (Nguồn: damsanjsc.vn)

Nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp dệt may đang chuyển hướng đi mới trong việc triển khai thêm mảng kinh doanh bất động sản… với các dự án bất động sản khu công nghiệp, bất động sản nhà ở đang được bàn giao hoặc trong giai đoạn xin cấp phép.

Các doanh nghiệp đi đầu xu hướng này phải kể tới Công ty cổ phần Damsan (mã chứng khoán: ADS), Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán: TNG) hay Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã chứng khoán: GIL)…

Theo quan sát của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), Damsan đang đầu tư gần 2.000 tỷ đồng vào các dự án Khu đô thị Phú Xuân, Nhà liền kề Quang Trung, Khu dân cư Bồ Xuyên, Khu công nghiệp An ninh…

[Ngành dệt may, da giày khó có thể khôi phục trong ngắn hạn]

TNG đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng vào các dự án bất động sản khu công nghiệp và bất động sản nhà ở; trong đó, dự án Khu đô thị Núi Cốc Escape chiếm tỷ trọng đầu tư lớn với gần 9.000 tỷ đồng.

Riêng Gilimex tập trung đầu tư vào Khu công nghiệp Gilimex Thừa Thiên-Huế với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia phân tích trong bối cảnh kinh doanh bất động sản nhiều tháng liên tục bám trụ ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng nhóm các lĩnh vực, ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bất động sản sẽ duy trì “điểm sáng” trong thời gian tới.

Tính đến cuối tháng Tám, với tổng số vốn đăng ký đạt gần 1,6 tỷ USD, kinh doanh bất động sản nhiều tháng liên tục bám trụ ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng nhóm các lĩnh vực, ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Đáng chú ý, bất động sản khu công nghiệp đang là phân khúc có sức đề kháng tốt đối với dịch bệnh.

Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đến tháng 7/2021 cho thấy cả nước có 335 khu công nghiệp khu công nghiệp được thành lập; trong đó, có 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy gần 76% và 75 khu đang xây dựng.

Nhóm chuyên gia của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Savills Việt Nam bổ sung, Việt Nam tiếp tục thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao nên nhu cầu đối với nhà xưởng, nhà kho xây sẵn đang giữ ở mức lạc quan.

Mặc dù quý 3 vẫn có những trầm lắng so với thời điểm quý 2 những sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản công nghiệp rất lớn.

Thực tế, lĩnh vực bất động sản đã góp phần vào doanh thu của một số doanh nghiệp dệt may trong nửa đầu năm. Nổi bật là Damsan với doanh thu mảng bất động sản tăng trưởng mạnh. Riêng nửa đầu năm, doanh thu từ mảng bất động sản đạt hơn 39 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6% doanh thu thuần, tăng gần 10 lần cùng kỳ năm ngoái.

Việc bàn giao các dự án bất động sản Khu đô thị Phú Xuân Damsan và Khu dân cư phường Bồ Xuyên đóng góp phần lớn doanh thu.

Doanh nghiệp này đang mở rộng đầu tư dự án Cụm công nghiệp An ninh - Tiền Hải có quy mô tổng diện tích lên đến 73ha, với tổng mức 1.000 tỷ đồng đầu tư.

Tương tự với TNG, tại Đai hội đồng cổ năm 2021, Hội đồng quản trị TNG đang đã thông qua chủ trương mở rộng sang mảng bất động sản công nghiệp bên cạnh lĩnh vực sản xuất kinh doanh truyền thống.

Hiện TNG đang tập trung hoàn thiện dự án Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 có diện tích đất 70 ha; trong đó, diện tích thương mại hơn 52 ha và đã có cấp phép đánh giá tác động môi trường (DTM) cho ngành dệt nhuộm.

Lợi thế của cụm công nghiệp là nguồn nước từ sông Cầu và thời hạn cho thuê đất tới năm 2068.

Hiện đã có các nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề thuê 100ha để thiết lập chuỗi sản xuất khép kín từ dệt nhuộm may tại đây.

“Đối với yêu cầu dưới 30ha, TNG có thể cung ứng ngay. Chúng tôi đặt mục tiêu trong năm nay 2021 sẽ đền bù và san lấp hết, cung ứng ra thị trường 70ha,” ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho biết.

Về phía Gilimex đã góp vốn vào Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long với số tiền 180 tỷ đồng, tương ứng 30% vốn điều lệ của công ty này.

Đầu năm nay, công ty được chấp thuận để xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài 4 tại phường Phú Bài và xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế, với quy mô 460,85ha, vốn đầu tư lên tới 2.164 tỷ đồng.

Ông Lê Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Gilimex, cho biết chuỗi khu công nghiệp là một trong những chiến lược của công ty. Nếu làm 1-2 khu công nghiệp không có tính cạnh tranh và không đảm bảo yêu cầu khách hàng, dự kiến công ty sẽ làm ít nhất 5 khu công nghiệp.

Trước ảnh hưởng của dịch COVID tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giới phân tích cho rằng, việc các doanh nghiệp dệt may chủ động tìm hướng đi mới giúp giảm thiểu rủi ro, tạo động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp, nhất là khi dịch bệnh kéo dài có thể làm giảm thị phần trong thời gian tới.

Báo cáo mới đây từ Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng Bảy và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt và may mặc giảm 9,2%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục