Đại đoàn kết toàn dân tộc: Tiền đề và động lực phát triển đất nước

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn chú trọng công tác vận động, tập hợp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đại đoàn kết toàn dân tộc: Tiền đề và động lực phát triển đất nước ảnh 1Bà con dân bản Chà Lấu, xã Nậm Giải (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) vui nhảy sạp tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc . (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống, là bài học quý báu của dân tộc Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!"  Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn xác định "đoàn kết" là giá trị cốt lõi và "đại đoàn kết toàn dân tộc" là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng, là động lực to lớn tạo nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta.

Với vai trò là trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn chú trọng công tác vận động, tập hợp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam

Đại hội lần thứ XI của Đảng đã khẳng định quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.

[Đại đoàn kết toàn dân tộc - Cội nguồn sức mạnh của Cách mạng Việt Nam]

Đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta xác định là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện đường lối chiến lược đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, một lần nữa Đảng ta khẳng định “Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.”

Đại đoàn kết toàn dân tộc: Tiền đề và động lực phát triển đất nước ảnh 2Đại hội Đại biểu Toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 từ ngày 18 đến ngày 20/9/2019 tại Thủ đô Hà Nội, với chủ đề Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. (Nguồn: TTXVN)

Vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ được khẳng định trong ý thức của nhân dân, trong đường lối, chủ trương của Đảng, mà còn được ghi nhận trong Cương lĩnh Xây dựng Đất nước Thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), thể chế hóa trong Điều 9 Hiến pháp năm 2013 và trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.

Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Nhằm thể chế hóa Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 75/2015/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 9/6/2015 khẳng định tại Điều 12 (Nguyên tắc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc): Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát triển đa dạng các hình thức tổ chức, hoạt động để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, không phân biệt thành phần giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, quá khứ nhằm động viên mọi nguồn lực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với vai trò, trách nhiệm của mình, trong suốt những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa ban hành, như các nội dung về đại đoàn kết được thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng từ khóa VI đến khóa XIII, các nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trọng tâm là: Nghị quyết 8b, ngày 27/3/1990 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân; Nghị quyết số 07/NQ/TW, ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị khóa VII về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Đặc biệt, phải kể đến Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nghị quyết số 23-NQ/TW đã xác định đại đoàn kết toàn dân tộc “là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,” liên quan đến sự tồn vong và phát triển của dân tộc.

Đến nay, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và các chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, như báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy. Ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, vận động đông đảo nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước,” để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Củng cố và tăng cường đồng thuận xã hội

Theo Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, nhằm phát huy vị trí, vai trò trong tham gia củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, những năm qua, Mặt trận đã tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài nắm được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa quân với dân, thực hiện "Quân với dân một ý chí."

Cùng với đó, Mặt trận các cấp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nhân dân hiểu đúng, hiểu đầy đủ, tạo sự đồng thuận cao trong phát triển kinh tế-xã hội; tạo điều kiện để mọi người dân bày tỏ chính kiến, đóng góp xây dựng Đảng, Nhà nước và đất nước trên tinh thần dân chủ; tôn trọng những ý kiến khác nhau nhưng không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.

Đại đoàn kết toàn dân tộc: Tiền đề và động lực phát triển đất nước ảnh 3Bộ đội Biên phòng Đồn biên phòng A Xan giúp nhân dân huyện biên giới miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thu hoạch lúa. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Hằng năm, vào ngày 18/11, Ngày hội Đại đoàn kết Toàn Dân tộc được tổ chức ở tất cả các khu dân cư trên cả nước, vừa góp phần tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa bảo tồn, phát huy các nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp dân cư; đặc biệt là củng cố tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn trong các tầng lớp nhân dân ngay từ cơ sở.

Bên cạnh đó, Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... cũng được Mặt trận các cấp vận động nhân dân tham gia, qua đó tăng cường tình đoàn kết, gắn bó quân- dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc ngay từ cơ sở.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tập hợp, phát huy nguồn lực của các tổ chức tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn chú trọng gặp gỡ, xây dựng và đề cao vai trò người uy tín tiêu biểu, già làng, trưởng bản trong các dân tộc, các chức sắc, đồng bào tôn giáo.

Thông qua đó, tạo sự thống nhất nhận thức, ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong nhân dân; tích cực vận động nhân dân học tập, sản xuất, lao động sáng tạo, vươn lên làm giàu chính đáng; tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cũng như các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Phát triển Kinh tế-Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, trong cuộc chiến chống “giặc COVID-19”, thêm một lần nữa, truyền thống đoàn kết tương thân, tương ái được nhân lên. Mặt trận các cấp đã chung tay cùng Đảng, Nhà nước, toàn dân, toàn quân thực hiện lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, huy động được sự quyên góp, ủng hộ của đông đảo cán bộ, chiến sỹ, các tầng lớp nhân dân; tích cực tham gia phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân ngay từ cơ sở..., góp phần đưa đất nước từng bước vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế.

Ông Đỗ Văn Chiến cho biết phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Mặt trận các cấp đã tăng cường giám sát và phản biện xã hội; tạo điều kiện để nhân dân tham gia phản biện trong quá trình xây dựng dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Với phương châm "chủ động, sáng tạo, hiệu quả," Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân; vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng cộng đồng vững mạnh, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, chấp hành pháp luật nước sở tại, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Với vai trò là tổ chức đại diện của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên đã và đang nỗ lực làm tốt hơn nữa vai trò là nòng cốt chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trong giai đoạn mới.

"Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" - đây chính là "ba chân kiềng" vững chắc của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục