Đại học Bang Arizona hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn

Đại học Arizona sẽ cung cấp cho các trường đại học, trung tâm đào tạo và doanh nghiệp Việt Nam công nghệ và chương trình đào tạo cần thiết để thiết kế và phát triển sản phẩm cho hệ sinh thái bán dẫn.
Ông Jeffrey Goss, Phó Hiệu trưởng Đại học Bang Arizona, đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, ngày 19/9. (Ảnh: Vietnam+)
Ông Jeffrey Goss, Phó Hiệu trưởng Đại học Bang Arizona, đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, ngày 19/9. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 20/9, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) thông tin công bố Lễ ký kết với Đại học Bang Arizona (ASU) để thiết lập cơ chế hợp tác. Mục tiêu nhằm xác định các cơ hội phối hợp giữa hai bên trong lĩnh vực bán dẫn, vi điện tử và các chuyên ngành liên quan khác, phù hợp với chuỗi cung ứng công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

ASU hiện là trường đại học nghiên cứu công lập toàn diện lớn nhất ở Hoa Kỳ với hơn 140.000 sinh viên và chi tiêu nghiên cứu hàng năm là 671 triệu USD. ASU cũng là trường kỹ thuật lớn nhất ở quốc gia này với khả năng và chương trình nghiên cứu mở rộng về vi điện tử và bán dẫn ATP, sản xuất và vi mạch thiết kế.

[Đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ VN xây chuỗi cung ứng liên quan đến chip bán dẫn]

Theo đó, ông Jeffrey Goss, Phó Hiệu trưởng Đại học Bang Arizona đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, ngày 19/9.

Lễ ký kết được chứng kiến bởi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và một số lãnh đạo Bộ, ban ngành, doanh nghiệp lớn Việt Nam trong phái đoàn thăm Hoa Kỳ và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper, ông John Neuffer, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) cùng các đại diện khác của Hoa Kỳ tham dự buổi lễ.

NIC đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, Việt Nam. rong khuôn khổ hợp tác, ASU sẽ giới thiệu cơ hội việc làm cho các kỹ sư Việt Nam được đào tạo tại trung tâm thiết kế vi mạch NIC để ươm tạo với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong ngành bán dẫn, bao gồm các mối liên kết với hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu rộng lớn của Arizona.

Bên cạnh đó, ASU và NIC sẽ hợp tác với các viện nghiên cứu của Việt Nam và các tổ chức giáo dục khác để phát triển các chương trình đào tạo, trao đổi nghiên cứu liên quan đến chất bán dẫn và các lĩnh vực liên quan.

Đại học Bang Arizona hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn ảnh 1ASU cam kết sẽ tìm kiếm và khai thác các nguồn tài trợ thích hợp nhằm phát triển năng lực của lực lượng lao động trong lĩnh vực bán dẫn. (Ảnh: Vietnam+)

Ngoài ra, ASU sẽ tạo điều kiện hỗ trợ NIC kết nối, hợp tác với các Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và tập đoàn trong ngành bán dẫn tại Hoa Kỳ và trên thế giới, hướng tới phát triển hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Mặt khác, ASU cam kết sẽ tìm kiếm và khai thác các nguồn tài trợ thích hợp nhằm phát triển năng lực của lực lượng lao động trong lĩnh vực bán dẫn.

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, cả hai bên cùng nhau kết nối các cơ hội liên kết song phương các Khu đổi mới ASU trên khắp Phoenix, bang Arizona và NIC tại Hà Nội, để thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn đổi mới và khởi nghiệp của Hoa Kỳ và Việt Nam.

Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC chia sẻ Hoa Kỳ công nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn linh hoạt. Biên bản ghi nhớ hợp tác mới được ký kết giữa NIC và ASU sẽ phát triển hơn nữa hệ sinh thái đổi mới và bán dẫn hiện tại của Việt Nam, lực lượng lao động và các ngành liên quan khác.

“Hai bên mong muốn tận dụng lợi thế của nhau để phát huy tối đa tiềm năng của ngành bán dẫn Việt Nam trong bối cảnh đất nước đã và đang tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển kinh tế số, công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp bán dẫn, khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới và trung tâm tài chính,” ông Hoài nói.

Cùng ngày, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Cadence Design Systems (Nasdaq: CDNS) nhằm đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, thiết kế vi mạch tại Việt Nam.

Thông qua sự hợp tác này, NIC sẽ cung cấp cho các trường đại học, trung tâm đào tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam công nghệ và chương trình đào tạo cần thiết để thiết kế và phát triển sản phẩm cho hệ sinh thái bán dẫn và điện tử đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Cadence sẽ cung cấp quyền truy cập vào các công cụ cho các viện nghiên cứu do NIC lựa chọn, mang đến cho sinh viên cơ hội có được trải nghiệm thực tế trong việc tạo ra các thiết kế IC sáng tạo.

Đại học Bang Arizona hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn ảnh 2Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Cadence Design Systems, ngày 19/9. (Ảnh: Vietnam+)

Cadence là công ty đi đầu trong lĩnh vực thiết kế hệ thống điện tử tại Hoa Kỳ, có bề dày kinh nghiệm hơn 30 năm về phần mềm tính toán. Cadence áp dụng chiến lược Thiết kế Hệ thống Thông minh cơ bản của mình để cung cấp phần mềm, phần cứng và IP giúp biến các ý tưởng thiết kế thành hiện thực.

Hiện, khách hàng của Cadence là những công ty sáng tạo nhất thế giới, cung cấp các sản phẩm điện tử đặc biệt từ chip, bo mạch đến hệ thống hoàn chỉnh cho các ứng dụng thị trường năng động, bao gồm điện toán siêu quy mô, truyền thông 5G, ô tô, di động, hàng không vũ trụ, tiêu dùng, công nghiệp và chăm sóc sức khỏe. Trong chín năm liên tiếp, Tạp chí Fortune đã vinh danh Cadence là một trong 100 công ty tốt nhất để làm việc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục