Đại hội BIDV: "Nóng" chuyện đàm phán với cổ đông chiến lược

Với việc điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch ban đầu, BIDV cho biết là do sẽ tăng trích dự phòng rủi ro thêm 200 tỷ đồng, theo đó, lợi nhuận trước thuế giảm so với dự kiến.
Đại hội BIDV: "Nóng" chuyện đàm phán với cổ đông chiến lược ảnh 1Các cổ đông tham dự đại hội tại BIDV. (Ảnh: CTV)

Ngày 26/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. Tham dự Đại hội có 285 đại biểu, đại diện cho hơn 3,277 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 95,87% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết, năm 2019, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng bền vững với mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,8%, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Chính vì vậy, Đại hội nhất trí với một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2019 của BIDV.

[BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 10.500 tỷ đồng]

Cụ thể: Nguồn vốn huy động tăng trưởng 11%; dư nợ tín dụng tăng 12%, đảm bảo tuân thủ kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao trong từng thời kỳ; lợi nhuận trước thuế 10.300 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu: <2%; tỷ lệ chi trả cổ tức không thấp hơn mức thực hiện năm 2018...

Đại hội cũng thống nhất ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2019 và tỷ lệ chi trả cổ tức thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền và/hoặc khi cần thiết, chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh doanh 2019 đã được Đại hội thông qua.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc đàm phán với đối tác KEB Hana Bank, ông Tú chia sẻ, đây là câu chuyện khá dài, trải qua nhiều giai đoạn từ khi Đại hội đồng cổ đông năm 2017 đã đặt vấn đề tìm cổ đông chiến lược. Năm 2018, ngân hàng xác định danh tính nhà đầu tư tiềm năng là tập đoàn tài chính Hana của Hàn Quốc. Trong quá trình đàm phán và bán vốn, lãnh đạo hai bên đã trải qua rất nhiều thủ tục và những thủ tục đấy đến nay về cơ bản đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan tháo gỡ. Tuy nhiên, hiện một số thủ tục vẫn còn chưa hoàn tất. Giá kỳ vọng của đối tác và ngân hàng chưa gặp nhau.

“Hội đồng quản trị BIDV sẽ làm tối đa để có thể hoàn tất thương vụ này sớm nhất vì đây là thương vụ rất quan trọng với ngân hàng,” ông Tú nhấn mạnh.

Với việc điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận trước thuế so với tài liệu ban đầu ngân hàng đưa ra là 10.500 tỷ đồng nhưng sau điều chỉnh xuống còn 10.300 tỷ đồng, ông Tú cho biết, ban lãnh đạo ngân hàng đã cân nhắc rất nhiều và đưa ra kế hoạch 10.500 tỷ đồng. Sau khi  rà soát đánh giá lại khả năng thấy rằng hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu đó. Tuy nhiên, BIDV sẽ tăng trích dự phòng rủi ro thêm 200 tỷ đồng, theo đó, lợi nhuận trước thuế giảm so với dự kiến.

Năm 2018 là một năm khá thành công của BIDV với tổng tài sản đạt 1,313 triệu tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị thế là ngân hàng có quy mô lớn nhất trên thị trường; nguồn vốn huy động đạt 1,226 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,237 triệu tỷ đồng... Các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động tăng khá so với năm trước và hoàn thành kế hoạch mục tiêu (thu dịch vụ ròng tăng 20%, chênh lệch thu chi tăng 21%, lợi nhuận trước thuế tăng 9% đạt 9.473 tỷ đồng, vượt kế hoạch được giao); ROA đạt 0,6%, ROE đạt 14,6%; quyết liệt xử lý nợ xấu, đến 31/12/2018, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,8%.

Năm 2018 BIDV đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về chủ trương đối với phương án chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với số lượng hơn 600 triệu cổ phần tương đương tỷ lệ phát hành 17,65%. BIDV cũng đã phát hành thành công 2 đợt trái phiếu: hơn 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ và 4.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng đủ điều kiện tính vào vốn tự có cấp 2./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục