Vinh dự là đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các đại biểu đến từ tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum đã bày tỏ tâm tư, tình cảm và kỳ vọng Đại hội tiếp tục có những quyết sách đúng đắn phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên trong những năm tới.
Xóa đói, giảm nghèo bền vững
Từ vùng núi Tây Nguyên, ông K’păh Thuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, đại biểu chính thức dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII rất kỳ vọng sự đổi mới về sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước nhằm thúc đẩy nền kinh tế-xã hội của đất nước phát triển mạnh, ổn định về an ninh chính trị.
Đồng thời, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là công cuộc “xóa đói-giảm nghèo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhanh và bền vững, tạo niềm vui, niềm tin cho đồng bào các dân tộc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Ông K’păh Thuyên nêu ý kiến, từ nhiều năm nay, Đảng và Chính phủ đã quan tâm chăm lo đến công tác xóa đói, giảm nghèo trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Đời sống của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện.
Điển hình như ở Gia Lai, tỉnh có khoảng 1,3 triệu dân, trong đó có hơn 45% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là 2 dân tộc J’rai và Bahnar. Đến cuối năm 2015, tổng số hộ nghèo của tỉnh chiếm tỷ lệ 11,67%; số hộ cận nghèo còn 7,78%.
Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu thuộc chương trình giảm nghèo còn hạn chế, việc huy động nguồn lực xã hội hoá đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa tương xứng với tiềm năng của một số địa phương trong cả nước. Trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho dự án, mô hình giảm nghèo còn thấp; đa số các hộ nghèo tham gia dự án là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí hạn chế do vậy việc chuyển giao kỹ thuật cho người nghèo mang lại hiệu quả chưa cao và khó khăn trong việc huy động vốn đối ứng để thực hiện mô hình giảm nghèo.
Từ thực tế trên, ông K’păh Thuyên có những kiến nghị với Trung ương về các vấn đề mang tính căn cơ đảm bảo cho công tác xóa đói, giảm nghèo mang nhiều yếu tố bền vững trong những năm tới.
Theo ông, Trung ương xem xét, ban hành các chính sách tập trung hơn trong giai đoạn 2016-2020 như chương trình tín dụng đối với người nghèo cần tích hợp các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hiện hành thành một chính sách cho vay tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và lấy đối tượng hộ gia đình làm trung tâm; đồng thời xây dựng hạn mức tín dụng, quy định mục đích và nội dung vay để hộ gia đình lựa chọn các nhu cầu ưu tiên để vay vốn và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay.
Trong quá trình xây dựng, ban hành các chính sách, ngoài các quy định chung cho cả nước, đề nghị Trung ương có những chính sách riêng cho từng khu vực, vùng miền và đặc biệt có những chính sách ưu tiên giảm nghèo cho người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa nói chung và Tây Nguyên nói riêng.
Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số
Đại biểu H’Vi Êban, sinh năm 1981, Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Nông bộc bạch, là một thủ lĩnh Đoàn, chị rất vinh dự và tự hào khi được đại diện cho tuổi trẻ Đắk Nông tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
"Nhân dân cả nước cũng như nhân dân và tuổi trẻ Đắk Nông trong những ngày này đang hướng về Đại hội với tâm thế phấn khởi, tự hào trước những thành tựu to lớn mà đất nước ta đã đạt được trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đại hội lần thứ XII của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống chính trị của nước ta. Đại hội là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh," đại biểu Êban chia sẻ.
Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Nông cho biết với sự chuẩn bị chu đáo và thành công của Đại hội Đảng các cấp, sự đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, chị tin tưởng rằng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sẽ thành công tốt đẹp. Các đại biểu sẽ sáng suốt lựa chọn được những vị lãnh đạo ưu tú để đưa đất nước phát triển bền vững, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Chị cũng bày tỏ mong muốn Đại hội sẽ có những quyết sách đặc biệt quan trọng quan tâm đến đào tạo nghề, việc làm cho đoàn viên, thanh niên nói chung và đoàn viên, thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho thanh niên nông thôn, thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Đại hội cần đề ra những quyết sách chiến lược thu hút nhân tài, thu hút lực lượng trẻ để giới trẻ cùng chung tay góp sức xây dựng đất nước. Đồng thời, Đại hội có những quyết sách quan trọng để phát huy nguồn nhân lực trẻ, đặc biệt là trong công tác đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ Đoàn và cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Đại hội sẽ có những chính sách đầu tư cho công tác giáo dục, chăm sóc bồi dưỡng thiếu niên nhi đồng - thế hệ mầm non tương lai của đất nước...
Phát huy hơn nữa thế mạnh vùng Tây Nguyên
Bí thư Huyện ủy Sa Thầy, tỉnh Kon Tum Rơ Chăm Giáo, người con của dân tộc Gia Rai, trong đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chia sẻ những mong muốn để phát triển vùng Tây Nguyên ngày một tươi đẹp hơn.
Theo đồng chí Rơ Chăm Giáo, trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã chú trọng đầu tư có trọng điểm để hoàn thiện hệ thống giao thông có tính chất liên kết vùng cho Tây Nguyên, đặc biệt là đường Hồ Chí Minh.
Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa các thế mạnh của vùng, Chính phủ cần tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ cho vùng Tây Nguyên; sớm hoàn thiện các Quốc lộ 14C, 24, 40, đầu tư đường Hồ Chí Minh đoạn tránh qua các thành phố, thị xã, thị trấn; nâng cấp một số tỉnh lộ, đầu tư đường ra biên giới, đến cửa khẩu, trung tâm xã, cụm xã…
Ngoài ra, để giúp đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên có cuộc sống ấm no, Trung ương cần chú trọng đầu tư các công trình, cụm công trình thủy lợi có quy mô lớn; nâng cấp, sửa chữa các công trình thuỷ lợi...
Đặc biệt, Trung ương cần tiếp tục phát triển toàn diện nền nông nghiệp đi vào chiều sâu, theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; theo đó, nên xây dựng một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao như cao su, càphê hay trồng thử nghiệm cây mắcca ở những nơi phù hợp.
Hiện tại, Tây Nguyên là một trong những vùng trọng điểm của cả nước trồng cao su, là trung tâm của vùng Tam giác phát triển, trong đó cây cao su đóng vai trò quan trọng, đây cũng là vùng chuyên canh cao su lớn của thế giới. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta chủ yếu là xuất thô cao su nên cần đầu tư một nhà máy chế biến thành phẩm từ cao su để giúp ổn định thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm, tránh phụ thuộc một thị trường nhất định. Gỡ được “nút thắt” này sẽ giúp người dân trong vùng gắn bó với cây cao su.
Bên cạnh đó, với điều kiện thổ nhưỡng đất đai, khí hậu thuận lợi, chúng ta cần phát triển chăn nuôi đại gia súc như bò, dê lấy thịt, sữa ở Kon Tum, Gia Lai…
Thời gian qua, tình hình khí hậu diễn biến phức tạp, chúng ta cần chủ động ứng phó bằng cách nâng độ che phủ rừng cho Tây Nguyên; triển khai các biện pháp chống xói mòn, sạt lở đất, biến đổi dòng chảy, thay đổi hệ sinh thái theo hướng tác động tiêu cực đến môi trường… Cần đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, thực hiện đồng bộ và hiệu quả hơn các chương trình, dự án phục vụ trực tiếp cho công tác giảm nghèo...; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách dân tộc, nhất là hỗ trợ định canh, định cư, đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt đối với người dân tộc thiểu số và hộ nghèo...
Cần chính sách đặc thù
Đại biểu Điểu Xuân Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đắk Nông tâm sự: Là đại biểu chính thức đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tôi cảm thấy vinh dự, tự hào nhưng cũng mang trọng trách to lớn, bởi đại diện cho cán bộ, đảng viên và hơn 500 nghìn đồng bào các dân tộc anh em đang cùng chung sống trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Điểu Xuân Hùng, dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung và phát triển chủ trương, đường lối của Đảng đối với các vùng đồng bào, dân tộc miền núi; trong đó xác định và nhấn mạnh cần quan tâm đến các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung. Ông rất tán thành và ủng hộ nội dung này. Các kỳ Đại hội trước, Đảng ta đã rất quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng nêu trên. Nội dung dự thảo Văn kiện lần này được đánh giá là ngắn gọn, có tầm bao quát, cụ thể và sâu sắc hơn.
Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc; an ninh chính trị được bảo đảm, chủ quyền được giữ vững. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung cả nước, các vùng trên vẫn còn chậm phát triển, có khoảng cách xa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, Đại hội lần này, Đảng ta tiếp tục quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.
Riêng Đắk Nông vẫn là tỉnh nghèo so với cả nước; đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đại biểu mong muốn Đảng và Nhà nước cần có chính sách đặc thù để phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng, nhất là việc phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút nhân tài, đào tạo bồi dưỡng cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giải quyết vấn đề dân di cư ngoài kế hoạch.
Đại biểu Điểu Xuân Hùng kỳ vọng Đại hội lần này sẽ bầu được nhiều đại biểu trẻ, đại biểu người dân tộc thiểu số vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Trung ương Đảng sẽ là một tập thể trí tuệ, ưu tú, khối đoàn kết thống nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, đưa ra những quyết sách đúng đắn để tập trung được nguồn lực thúc đẩy kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc./.