Ngày 11/9, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết gồm nhiều nội dung nhằm khuyến khích sự hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Nghị quyết được thông qua với sự ủng hộ của 169/193 nước thành viên. Mỹ và Israel bỏ phiếu chống, trong khi Ukraine và Hungary bỏ phiếu trắng.
Nghị quyết xác định hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương và tinh thần đoàn kết là cách thức duy nhất để thế giới ứng phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch COVID-19 hiện nay.
Văn kiện này thừa nhận vai trò lãnh đạo then chốt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng như vai trò nền tảng của hệ thống Liên hợp quốc như "chất xúc tác" và giúp điều phối phản ứng toàn cầu đối với dịch COVID-19, cũng như các nỗ lực trọng tâm của các quốc gia thành viên.
Nghị quyết ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về việc thực thi một lệnh ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức, lưu ý quan ngại về tác động của đại dịch đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng do xung đột và những quốc gia có nguy cơ xung đột, đồng thời ủng hộ các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
[AMM 53 tái khẳng định cam kết hợp tác ứng phó COVID-19]
Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên và tất cả các bên liên quan thúc đẩy sự đoàn kết và thống nhất trong việc ứng phó đại dịch COVID-19, cũng như ngăn chặn, lên tiếng và hành động mạnh mẽ chống tình trạng phân biệt chủng tộc, bài ngoại, phát ngôn thù hận, bạo lực và phân biệt đối xử.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng kêu gọi các nước đảm bảo rằng tất cả các quyền con người được tôn trọng, bảo vệ và được đáp ứng đầy đủ, nhấn mạnh các biện pháp phòng chống dịch phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ và cam kết về quyền con người.
Văn kiện hối thúc các quốc gia thành viên thực triển khai biện pháp ứng phó ở cấp toàn chính phủ và toàn xã hội nhằm tăng cường hệ thống y tế cũng như hệ thống hỗ trợ và chăm sóc xã hội, cùng năng lực sẵn sàng và ứng phó.
Nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia đảm bảo quyền phụ nữ và trẻ em gái được hưởng tiêu chuẩn y tế cao nhất có thể, bao gồm sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, quyền sinh sản.
Văn kiện kêu gọi các nước thành viên tạo điều kiện để tất cả các quốc gia được tiếp cận kịp thời và dễ dàng với các phương pháp chẩn đoán, điều trị, thuốc và vaccine chất lượng, an toàn, hiệu quả và giả cả phải chăng, cũng như các công nghệ y tế thiết yếu để đối phó với COVID-19.
Nghị quyết công nhận vai trò của chương trình tiêm chủng mở rộng để chống lại dịch COVID-19 như một lợi ích cộng đồng toàn cầu một khi có các loại vaccine an toàn, hiệu quả, dễ tiếp cận với giá cả phải chăng.
Văn kiện cũng khuyến khích các nước thành viên hợp tác với tất cả các bên liên quan nhằm tăng cường tài trợ nghiên cứu và phát triển vaccine và thuốc điều trị, hướng tới điều chế và phân phối nhanh chóng các các biện pháp chẩn đoán, điều trị cũng như vắcxin và thuốc.
Nghị quyết cũng tái khẳng định sự cần thiết phải đảm bảo sự tiếp cận an toàn, kịp thời và không bị cản trở của các nhân viên y tế và nhân đạo ứng phó với đại dịch COVID-19.
Văn kiện kêu gọi các quốc gia không ban hành và áp dụng bất kỳ biện pháp kinh tế, tài chính hoặc thương mại đơn phương nào không phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, gây cản trở việc đạt được sự phát triển kinh tế và xã hội, đặc biệt tại các nước đang phát triển.
Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên đảm bảo bảo vệ những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, phụ nữ, trẻ em, giới trẻ, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, người cao tuổi, người bản địa, người tị nạn và người phải đi di tản trong nước, người di cư và người nghèo, người dễ bị tổn thương..., cũng như ngăn chặn mọi hình thức phân biệt đối xử.
Văn kiện cũng kêu gọi các nước thành viên chống lại sự gia tăng vấn nạn bạo lực tình dục và giới./.