Đại hội VIII Đảng Lao động Triều Tiên: Chỉ dấu về thay đổi chính sách

Việc ông Kim Jong-un đã thừa nhận những thất bại trong quá trình triển khai chính sách kinh tế được cho là chỉ dấu cho những suy tính và đánh giá lại về chính sách phát triển kinh tế của Triều Tiên.
Đại hội VIII Đảng Lao động Triều Tiên: Chỉ dấu về thay đổi chính sách ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại lễ bế mạc đại hội Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) lần thứ VIII ở Bình Nhưỡng, ngày 13/1/2021. (Nguồn: KCNA/TTXVN)

The diplomat/asiatimes.com/Reuters đưa tin Đại hội lần thứ VIII Đảng Lao động Triều Tiên đã khai mạc ngày 5/1 tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Tại lễ khai mạc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thừa nhận những thất bại trong quá trình triển khai chính sách kinh tế, đồng thời tái khẳng định tinh thần tự lực và đề ra phương hướng chính sách đối ngoại tiếp theo.

Trang mạng tạp chí Asia Times cho rằng đằng sau sự tự phê này của nhà lãnh đạo họ Kim là chỉ dấu cho những suy tính và đánh giá lại về chính sách phát triển kinh tế tương lai của Triều Tiên.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) trích dẫn bài phát biểu khai mạc đại hội của ông Kim Jong-un, trong đó ông thừa nhận rằng “trong giai đoạn triển khai chiến lược 5 năm về phát triển kinh tế quốc gia kết thúc vào năm 2020, phần lớn các lĩnh vực đều không đạt được mục tiêu đã đề ra."

Khi gọi 5 năm nói trên là giai đoạn “của những trải nghiệm chưa có tiền lệ, tồi tệ nhất từ trước đến nay,” nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh rằng chìa khóa để tháo gỡ những thách thức hiện hữu là củng cố sức mạnh nội lực trong mọi lĩnh vực.

Cũng trong bài phát biểu này, ông trình bày cụ thể những thách thức mà Triều Tiên phải đối mặt.

Về mặt kinh tế, các hoạt động phát triển kinh tế bị đình trệ do Triều Tiên vẫn hứng chịu các lệnh trừng phạt, áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh (COVID-19) và thảm họa thiên tai.

Về mặt chiến lược, các cuộc đàm phán cấp cao của ông Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không đạt được bất kỳ kết quả khả quan nào.

Tinh thần tự phê của nhà lãnh đạo họ Kim là chỉ dấu cho thấy Bình Nhưỡng sẽ có những thay đổi về chính sách kinh tế trong thời gian tới.

Do đó, giới chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên kỳ vọng ông Kim Jong-un sẽ giải đáp 2 câu hỏi lớn tại kỳ đại hội này.

Thứ nhất là câu hỏi về chính sách nhằm ngăn chặn tình trạng “chảy máu nền kinh tế” do hệ quả của các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19, các đòn trừng phạt cũng như do thiên tai.

Thứ hai là chính sách của Bình Nhưỡng đối với Washington dưới thời chính quyền Joe Biden sẽ như thế nào.

Tuy nhiên, hai vấn đề này hiện vẫn chưa được giải đáp. Giới chuyên gia cho rằng những kỳ đại hội đảng của Triều Tiên thường hé lộ những vấn đề kinh tế, đặc biệt là những kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế quốc gia và thường “kín tiếng” về những vấn đề mang tính chiến lược và ngoại giao.

Nhìn một cách tổng thể hơn, việc Đảng Lao động Triều Tiên tổ chức đại hội lần này cho thấy sự ổn định của các cấu trúc quyền lực của Triều Tiên dưới sự cai trị của thế hệ thứ ba của dòng họ Kim, đồng thời cho thấy nước này vẫn đang đi theo mô hình quản lý nhà nước của Trung Quốc.

Thừa nhận thất bại?

 Đây không phải là lần đầu tiên ông Kim Jong-un thừa nhận những thất bại chính sách, đặc biệt là về kinh tế.

Tháng 8/2020, tại cuộc họp của Bộ chính trị Đảng Lao động Triều Tiên, ông cũng thừa nhận các kế hoạch phát triển kinh tế đã bị “đình trệ nghiêm trọng” do “những tình hình nghiêm trọng ở bên trong và bên ngoài.”

Trong những năm gần đây, ông Kim Jong-un đã nỗ lực thể hiện vai trò “nhà lãnh đạo của nhân dân” mang tính ôn hòa hơn so với cha mình là cố lãnh đạo Kim Jong-il.

Ông Lim Eul-chul - làm việc tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông, trường Đại học Kyungnam ở Seoul - cũng đặt câu hỏi về việc liệu ông Kim Jong-un có thực sự thừa nhận lỗi lầm hay không?

Ông Lim cho rằng việc thừa nhận này là điều bất thường trong bối cảnh các nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên vẫn được tôn sùng ở cấp độ cao nhất.

Asia Times dẫn lời Go Myong-hyun, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện nghiên cứu Asan, đưa ra 2 diễn giải về sự tự nhận lỗi của Kim Jong-un.

Sự nhận lỗi này cho thấy vị thế của “một nhà lãnh đạo của nhân dân,” như cách Kim Jong-un đã thể hiện trong cuộc diễu binh quy mô lớn hồi tháng 10/2020, trong đó ông đã rớm nước mắt khi thừa nhận những thất bại về kinh tế.

Chuyên gia Go giải thích thêm: “Nếu một nhà lãnh đạo Triều Tiên tự nhận lỗi thì điều đó có nghĩa là tất cả quan chức khác cũng phải tự nhận lỗi. Lãnh đạo không thể chịu trách nhiệm vì thất bại nên đó chính là cách để thắt chặt kỷ cương đối với toàn thể giới chức chính quyền.”

Theo chuyên gia Go, một bất ngờ khác là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Pak Pong-ju lâu nay là người chịu trách nhiệm về hoạt động kinh tế nói chung và các chính sách cải cách kinh tế nói riêng vốn cho phép các chợ đen mở rộng quy mô hoạt động.

Vì vậy, có sự mâu thuẫn giữa những thừa nhận thất bại trong bài phát biểu của ông Kim Jong-un và sự tồn tại vai trò của ông Pak.

Các thị trường chợ đen này trao cho nền kinh tế Triều Tiên cơ chế phân phối sản phẩm và định giá hiệu quả hơn, giúp người dân tiếp cận tốt hơn với các nhu yếu phẩm.

Các thị trường này cũng tạo ra một tầng lớp doanh nhân mới ở Triều Tiên và hoạt động kinh doanh của họ phụ thuộc phần lớn vào giao thương với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều dấu hiệu cho thấy tầng lớp doanh nhân này đang chuyển hướng đầu tư vào sản xuất các sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa, thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, trong bài phát biểu, Kim Jong-un cũng đề cập “những thất bại của chủ nghĩa xã hội” trước tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài.

Ông Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin của Hàn Quốc chia sẻ với Asia Times: “Bài phát biểu của ông Kim Jong-un khá thẳng thắn, và việc các văn kiện của đại hội này được phát cho các đại biểu tham dự cũng cho thấy sự nghiêm túc hơn.”

Nhấn mạnh tinh thần tự lực tự cường

Một điều gây bất ngờ nữa là nhà lãnh đạo Kim Jong-un không hề chỉ trích đại dịch COVID-19 gây ra những thất bại về kinh tế như hiện nay, cho dù nước này đã áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cứng rắn và nghiêm nghặt kèm theo đó là hệ thống y tế thiếu thốn.

Đại hội VIII Đảng Lao động Triều Tiên: Chỉ dấu về thay đổi chính sách ảnh 2Toàn cảnh ngày họp thứ ba của Đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần thứ VIII tại Bình Nhưỡng ngày 7/1/2021. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Theo nhận định của chuyên gia Go, bài phát biểu của ông Kim Jong-un là chỉ dấu cho sự thu hẹp mô hình kinh tế thị trường và mở rộng vai trò của nhà nước trong hoạt động kinh tế để trở thành một nền kinh tế tập trung hơn.

Ông Moon Chung-in, cố vấn kỳ cựu cho ba đời tổng thống Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên, nhận định trên Asia Times rằng trước khi diễn ra kỳ đại hội này, ông đã tiên liệu rằng Bình Nhưỡng sẽ thúc đẩy chính sách tự lực tự cường hơn nữa.

Ông Moon nói: “Không rõ chính sách tự lực tự cường có thể giúp nền kinh tế Triều Tiên vượt qua khó khăn ở mức độ nào, song nếu bạn theo dõi báo chí Triều Tiên thì thấy rất rõ quan điểm của chính quyền về vấn đề này khi nói rằng ‘Không ai giúp chúng ta, chúng ta phải tìm cách để tồn tại và phát triển.”

Mặc dù Triều Tiên hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, song chuyên gia Go nói: “Triều Tiên đang nỗ lực giảm thiểu mức độ phụ thuộc này. Và ngay cả thời kỳ hậu đại dịch, Kim Jong-un sẽ tận dụng mọi cơ hội để giảm thiểu giao dịch với nền kinh tế bên ngoài (ám chỉ Trung Quốc).”

Tuy nhiên, một vấn đề nổi lên là Bình Nhưỡng không chỉ phụ thuộc Trung Quốc về mặt kinh tế mà còn cả về chính trị. Việc phá vỡ sự phụ thuộc này làm gia tăng rủi ro đối với Bình Nhưỡng liên quan vị thế mặc cả của họ đối với Mỹ. Vì vậy, chuyên gia Go cho rằng đây là tình huống tiễn thoái lưỡng nan đối với Bình Nhưỡng.

Ông Go nói: “Cách gây hấn duy nhất đối với Mỹ là thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, song đó lại là một ván cờ đầy rủi ro. Để giảm thiểu rủi ro đó, Triều Tiên cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh và tôi cho rằng Triều Tiên vẫn băn khoăn về vấn đề này.”

Ổn định chính trị

Theo Asia Times, các kỳ đại hội đảng Lao động Triều Tiên đã được hồi sinh dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba của dòng họ Kim. Các đại hội đảng đã bị đình trệ kể từ thời cầm quyền của ông nội Kim Nhật Thành, với kỳ đại hội lần cuối cùng và là lần thứ 6 diễn ra hồi năm 1980.

Triều Tiên không tổ chức một kỳ đại hội nào dưới thời ông Kim Jong-il, người cầm quyền từ năm 1994-2011.

Đại hội lần thứ VII Đảng Lao động Triều Tiên đã được hồi sinh dưới thời ông Kim Jong-un năm 2016 và tiếp đến là kỳ đại hội lần này. Điều này cho thấy sự trở lại tình hình bình thường hóa các cấu trúc quyền lực vốn đã bị bỏ qua dưới thời lãnh đạo tiền nhiệm.

Chuyên gia Moon bình luận: “Đã xuất hiện một dạng thức nào đó của chủ nghĩa gộp chung trong các cấu trúc quyền lực chịu trách nhiệm ra quyết sách nhà nước. Trước đây, các cấu trúc quyền lực có sự cạnh tranh gay gắt, ví dụ giữa nhà nước và đảng và đôi khi là giữa đảng và quân đội. Đây chính là cách mà ông Kim Jong-il điều hành bộ máy nhà nước. Song ông Kim Jong-un đã đưa các cấu trúc quyền lực này hoạt động bình thường trở lại.”

Chắc chắn, nhà lãnh đạo Kim thế hệ thứ ba đã đưa các cuộc thảo luận về quyết sách ra khỏi các phòng họp kín để công khai trước toàn thể đại biểu tham dự đại hội. Đó là sự thay đổi (mang tính bao hàm trong quá trình ra quyết sách).

Chuyên gia Lankov bình luận: “Sau khi lên nắm quyền, ông Kim Jong-un đã chuyển đổi quá trình hoạch định chính sách chính trị từ quân đội sang đảng. Điều này không nhất thiết phản ánh sự thay đổi trong cấu trúc quyền lực mà thể hiện sự tồn tại của cấu trúc quyền lực.”

Về mô hình hoạt động các kỳ đại hội đảng ở Triều Tiên, giới phân tích cho rằng có nhiều đặc điểm giống với mô hình hoạt động của Trung Quốc.

Tuy nhiên, họ lưu ý rằng Trung Quốc đã tiến được một bước xa hơn rất nhiều trong việc áp dụng các hệ thống tư bản chủ nghĩa và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu hơn so với một Triều Tiên cô lập.

Bình Nhưỡng cũng chưa phân bổ vốn và lao động vào hoạt động kinh tế thị trường như Trung Quốc đã làm. Rủi ro đối với ông Kim là nếu ông tiếp tục đi theo kinh tế thị trường thì khó có thể đáp ứng những yêu cầu mà loại hình thị trường này đặt ra. Nếu thu hẹp mô hình này, ông sẽ khó lấy lòng giới tinh hoa cốt cán của Triều Tiên.

Chuyên gia Go cho rằng việc mở rộng trao đổi thương mại và mô hình kinh tế thị trường “giúp Triều Tiên có thêm nguồn thu để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, song rủi ro là ông Kim Jong-un sẽ làm gia tăng kỳ vọng của người dân trong nước, đặc biệt là giới tinh hoa.”

Để duy trì uy tín của mình, chuyên gia này cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un cần tiếp tục mở rộng hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, nếu ông tiến hành nền kinh tế thị trường đầy đủ thì ông sẽ gặp phải không ít rủi ro chính trị.

Đường hướng chính sách đối ngoại

Đại hội đảng Lao động Triều Tiên diễn ra 2 tuần trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử ở Mỹ Joe Biden. Vì vậy, sự kiện này thu hút sự chú ý quốc tế đối với những chỉ dấu về chính sách đối ngoại của Triều Tiên đối với Mỹ.

Ông Biden từng tuyên bố ông sẽ không loại trừ khả năng sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, song cho rằng viễn cảnh này chỉ là một phần của các cuộc đàm phán cấp chuyên viên ở quy mô rộng lớn hơn.

Triều Tiên thường tiến hành các vụ thử tên lửa quy mô lớn, bao gồm các tên lửa đạn đạo hoặc vũ khí hạt nhân, vào thời điểm chuyển giao quyền lực tại Mỹ, nhằm phô diễn những năng lực quân sự của mình cũng như lợi thế mặc cả trong các cuộc đàm phán tương lai với Mỹ.

Một số ý kiến cho rằng Bình Nhưỡng có thể thử tên lửa hoặc hệ thống vũ khí nào đó trong vài tháng tới.

Tại ngày họp thứ hai của đại hội này, hãng tin Reuters cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẽ mở rộng các năng lực quân sự để bảo vệ đất nước tốt hơn.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông cho biết để bảo vệ một “môi trường hòa bình” cho người dân và đất nước, cần đẩy mạnh hơn nữa các năng lực phòng thủ quốc gia và đề ra các mục tiêu để thực hiện điều này.”

Ngoài ra, nhiều nhà quan sát Hàn Quốc cũng chờ đợi những ẩn ý mà Kim Jong-un đưa ra tại đại hội này về sự hợp tác liên Triều trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục