Đài Icom cộng đồng góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Máy liên lạc Icom - đài canh cộng đồng, ngoài việc hỗ trợ ngư dân tìm kiếm cứu nạn còn tham gia đắc lực vào công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đài Icom cộng đồng góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo ảnh 1Biển Lý Sơn, Quảng Ngãi. (Ảnh: Thanh Long/TTXVN)

Những năm gần đây máy liên lạc Icom (còn gọi là đài canh cộng đồng) được tỉnh Quảng Ngãi quan tâm đầu tư lắp đặt và đã trở thành mạng lưới thông tin liên lạc đối với các tàu cá.

Ngoài việc hỗ trợ ngư dân trong công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, thông tin về thời tiết, các đài canh cộng đồng còn tham gia đắc lực vào công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Xuân Phú, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi gắn bó với chiếc máy Icom và trở thành đường dây liên lạc giữa Bộ đội Biên phòng với ngư dân.

Ngày hai phiên liên lạc theo quy định, ông đều đặn mở máy nghe ngư dân thông báo về hoạt động đánh bắt cũng như tàu thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải… Qua thông tin này, ông liên lạc với Bộ đội Biên phòng báo cáo lại tình hình.

Cứ như vậy, hàng năm ông cung cấp cho Bộ đội Biên phòng nhiều nguồn tin có giá trị, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển đảo.

Ông Phú cho biết: "Đài canh có từ năm 1994 và tôi gắn bó với đài từ đó đến nay. Tôi thường xuyên làm việc với Bộ đội Biên phòng, thông tin về thời tiết, tai nạn trên biển, qua đó kết hợp với Bộ đội Biên phòng hỗ trợ ngư dân."

Ông Bùi Tấn Đức, Đài trưởng đài canh Gành Cả, xã Bình Châu là người có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Ông thường xuyên liên lạc với Bộ đội Biên phòng cập nhật chủ trương, chính sách về biển đảo của Đảng, Nhà nước, tham gia các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt hải sản rồi truyền đạt lại cho bà con.

“Ngư dân đi biển đánh bắt xa bờ thường từ nửa tháng đến ba tháng mới về. Vì vậy có những lớp học, những buổi tuyên truyền pháp luật, về chủ quyền biển, đảo, phương pháp khai thác hải sản,…họ không thể tham dự. Tôi ở nhà nên thường tham dự được, từ đó thông báo lại cho ngư dân, giúp ngư dân nắm vững pháp luật, mọi quy định để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc,” ông Đức chia sẻ.

Những người trực đài canh cũng tham gia tích cực vào công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển; phát hiện, phản ánh cho Bộ đội Biên phòng hoạt động của các loại tội phạm.

Từ nguồn tin của ngư dân, các đài canh đã báo cho Bộ đội Biên phòng nhiều trường hợp tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển, neo đậu trái phép, giúp Bộ đội Biên phòng tổ chức bắt giữ, xua đuổi, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo.

Đại úy Ngô Doãn Tú, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Hải, huyện Bình Sơn cho hay khi ngư dân khai thác hải sản biết được có tàu lạ của nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển đã kịp thời thông báo ngay về tần số của đài canh, từ đó các đài canh thông tin cho các đồn Biên phòng để kịp thời có phương hướng giải quyết.

Với những đóng góp quan trọng, đài canh cộng đồng đã tích cực cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo góp phần xây dựng thế trận biên phòng ngày càng vững chắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục