Đảm bảo tính đồng bộ của dự án Luật Hộ tịch với các luật khác

Chiều 19/6, đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Hộ tịch.
Đảm bảo tính đồng bộ của dự án Luật Hộ tịch với các luật khác ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều 19/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Hộ tịch.

Thông qua Luật Hôn nhân và gia đình

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Theo đó, Luật Hôn nhân và gia đình trình Quốc hội thông qua gồm 10 Chương, 133 Điều, quy định chế độ hôn nhân và gia đình; chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình.

Về điều kiện kết hôn, Luật quy định, nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện: Nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên, không bị mất năng lực hành vi dân sự; việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Xung quanh quy định giải quyết hậu quả của việc nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, Luật quy định nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.

Liên quan đến điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, Luật quy định, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện, là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với các quy định trong pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản...

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Thống nhất các quy định của dự án Luật Hộ tịch và các luật khác

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hộ tịch, các ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật Hộ tịch nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp về quyền công dân, quyền con người, phù hợp với lộ trình đã được đặt ra để triển khai thi hành Hiến pháp.

Về phạm vi điều chỉnh và quan hệ giữa hộ tịch - hộ khẩu và căn cước công dân, qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, giữa hộ tịch, hộ khẩu và căn cước công dân tuy có mối liên hệ mật thiết với nhau, nhưng có phạm vi, mục đích và cách thức thực hiện khác nhau. Hộ tịch liên quan đến quyền cơ bản của công dân. Còn hộ khẩu và căn cước công dân chủ yếu để phục vụ công tác quản lý trên lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Một số ý kiến cho rằng các thông tin cơ bản về hộ tịch của công dân như về khai sinh, kết hôn, khai tử... có nhiều thông tin được nêu lại trong các dữ liệu về hộ khẩu, căn cước công dân. Đây đều là vấn đề về quản lý dân cư, nếu để hai bộ quản lý sẽ tạo ra chồng chéo, trùng lắp, gây lãng phí, tốn kém cho Nhà nước và nhất là gây phiền hà cho công dân trong việc kê khai, đăng ký và thực hiện quyền của mình.

Góp ý về vấn đề này đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) băn khoăn về vấn đề chưa thống nhất giữa hai dự án Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân. Theo đại biểu, dự án Luật Hộ tịch quy định giao công chức tư pháp cấp giấy khai sinh và cấp sổ định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh từ cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ Công an quản lý. Trong khi đó, Luật Căn cước công dân cũng quy định trẻ em sinh ra được cơ quan công an cấp thẻ căn cước công dân và số định danh cá nhân.

Hai dự án này đều do Chính phủ trình nhưng mỗi bộ soạn thảo một dự án luật, Bộ Công an soạn thảo dự án Luật Căn cước công dân, Bộ Tư pháp soạn thảo dự án Luật Hộ tịch. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát các quy định của dự án Luật Hộ tịch với các quy định của dự án Luật Căn cước công dân để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Hộ tịch có liên quan chặt chẽ đến các luật khác, đề nghị ban soạn thảo nên rà soát để đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ, thông suốt giữa dự án Luật Hộ tịch và các luật khác, tránh vướng mắc khi Luật được triển khai trong thực tiễn. Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cho rằng, dự án Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân cần phân định rõ hơn nữa để đảm bảo tính khả thi, tránh chồng chéo, trùng lắp khi thực hiện.

Phân cấp thẩm quyền đăng ký hộ tịch hợp lý

Về phân cấp thẩm quyền đăng ký hộ tịch, dự án Luật quy định, Ủủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện đăng ký việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài; đăng ký, xác định lại dân tộc, thay đổi, cải chính hộ tịch cho người trên 14 tuổi...; ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện đăng ký các sự kiện hộ tịch còn lại.

Đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) cho rằng, quy định như trong dự án Luật là không phù hợp với thực tiễn. Đại biểu cho biết, theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp tại hội nghị tổng kết công tác hộ tịch năm 2012, số cán bộ tư pháp hộ tịch trên toàn quốc có trình độ đại học luật chiếm tỷ lệ 27%, còn lại 50% là trung cấp luật và 23% chưa có bằng về luật mà chỉ mới qua đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.

Mặt khác đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài hồ sơ rất phức tạp, giấy tờ do cơ quan thẩm quyền cấp bằng tiếng nước ngoài. Việc này đòi hỏi cán bộ hộ tịch phải có trình độ ngoại ngữ, tin học mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Qua đó, quy định giao cán bộ tư pháp cấp huyện thực hiện đăng ký hộ tịch sẽ khó đáp ứng được yêu cầu công việc.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội), Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cho rằng việc giao cho ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện đăng ký việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài như trong dự thảo Luật chưa phù hợp với trình độ, năng lực của đội ngũ công chức cấp huyện, gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Đại biểu đề nghị nên giữ nguyên quy định hiện hành là giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện đăng ký việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư

Liên quan đến quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, khoản 1 điều 59 của dự án Luật quy định:“Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng nhằm lưu giữ, quản lý, tra cứu thông tin hộ tịch của cá nhân, được kết nối để trao đổi thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phục vụ giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến.”

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng đây là những nội dung mới, là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục xem xét, có giải pháp tập trung đầu tư nguồn lực để thực hiện lộ trình của Đề án 896 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.

Đồng tình với quy định tại khoản 1 điều 59 dự án Luật, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng, trong suốt một thời gian dài, ở Việt Nam việc quản lý hộ tịch chủ yếu bằng phương pháp thủ công, qua sổ sách, giấy tờ, gây nhiều bất cập trong công tác quản lý.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là cần thiết, tạo thuận lợi cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; tra cứu, thống kê hộ tịch nhanh chóng, phục vụ đắc lực trong việc xây dựng, hoạch định chính sách cũng như các yêu cầu của công dân.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc xây dựng quá nhiều cơ sở dữ liệu liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau sẽ làm nguồn lực bị phân tán, không kết nối được thông tin, khó đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ. Đại biểu đề nghị các cơ quan soạn thảo nghiên cứu để tập trung nguồn lực xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu thống nhất để các bộ, ngành khai thác, đáp ứng yêu cầu quản lý và quyền lợi của người dân.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục