Đàm phán hạt nhân Iran thêm "hiệp phụ" với nhiều khó khăn, trở ngại

Các nhà đàm phán Iran và nhóm P5+1 sẽ tiếp tục gặp nhau trong bảy tháng tới, song sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và trở ngại mới.
Đàm phán hạt nhân Iran thêm "hiệp phụ" với nhiều khó khăn, trở ngại ảnh 1Đại diện các bên tại vòng đàm phán ở Vienna, Áo ngày 24/11. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Khép lại một tuần thảo luận nước rút tại Vienna (Áo), Iran và sáu cường quốc thế giới đã không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran vào thời hạn chót 24/11.

Các nhà đàm phán sẽ tiếp tục gặp nhau trong bảy tháng tới, song sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và trở ngại mới.

Theo kế hoạch, Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) sẽ tái khởi động các cuộc đàm phán trong tháng 12 nhằm tìm kiếm một thỏa thuận chính trị vào ngày 1/3/2015, tiến tới đạt được thỏa thuận toàn diện vào thời hạn chót là ngày 1/7/2015.

Trong suốt thời gian đó, các bên sẽ tiếp tục thực hiện các điều khoản của thỏa thuận tạm thời đạt được cách đây một năm tại Geneva (Thụy Sĩ).

Các nước phương Tây sẽ không áp đặt thêm các lệnh trừng phạt trong khi Iran cam kết giữ nguyên chương trình hạt nhân của mình ở quy mô hiện tại. Ngoài ra, Tehran sẽ được nhận 700 triệu USD mỗi tháng trong tài khoản của nước này bị đóng băng ở các ngân hàng nước ngoài.

Tuần đàm phán từ ngày 18-24/11 vừa qua được xem là cơ hội tốt nhất đã bị bỏ lỡ để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.

Sau 10 năm nỗ lực không thành công, các bên đều đặt kỳ vọng rất lớn vào vòng đàm phán lần này nhằm mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ với Iran.

Mặc dù vẫn tồn tại bất đồng sâu sắc giữa Iran và các nước phương Tây, nhưng chưa bao giờ các cuộc thảo luận lại có bước tiến triển đến vậy.

Đây là lần đầu tiên cả Mỹ và Iran có chung nguyện vọng đạt được thỏa thuận và đều ý thức được rằng thời gian không còn nhiều để hai bên đi tới thỏa thuận toàn diện cuối cùng.

Trong suốt tuần đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tiến hành hàng loạt cuộc gặp tay đôi và tay ba với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif cũng như đại diện Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton nhằm nỗ lực tháo gỡ bế tắc.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani đều muốn biến kỳ tích ngoại giao này thành chiến thắng chính trị.

Một thỏa thuận hạt nhân lịch sử không chỉ giúp khép lại 35 năm quan hệ thù địch giữa hai nước mà còn mở ra hàng loạt lĩnh vực hợp tác tiềm năng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực.

Ngược lại, khó khăn trong nước cũng như những nguy cơ từ việc đàm phán bị đổ vỡ khiến hai nhà lãnh đạo này trở nên sốt sắng. Tuy nhiên, các nỗ lực và ý chí chính trị nói trên vẫn chưa đủ để Mỹ và Iran vượt qua những trở ngại trên bàn đàm phán.

Ngoài sức ép từ trong nước, sự bất đồng giữa hai bên còn quá lớn để có thể khỏa lấp chỉ trong vòng một tuần lễ ngắn ngủi.

Sau vòng đàm phán tại Vienna, hai bên gần như không tìm thấy tiếng nói chung về ba điểm chính liên quan đến quy mô làm giàu urani của Iran, tiến độ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và thời gian kéo dài thỏa thuận. Thậm chí, các nhà ngoại giao gần như không đạt được thỏa thuận đáng kể nào để biện minh cho việc phải phá vỡ thời hạn chót từng cam kết.

Việc kéo dài các cuộc thảo luận tới đầu tháng 7/2015 cũng cho thấy các bên chưa tiến được xa sau một năm đàm phán cấp tập.

Theo các nhà phân tích, thất bại trong việc tìm kiếm thỏa thuận toàn diện sẽ ảnh hưởng tới uy tín của cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, đồng thời củng cố thêm cho phe cứng rắn tại hai nước.

Ngay trong ngày 24/11, một số nhà lập pháp của đảng Cộng hòa ở Mỹ đã lên tiếng kêu gọi siết chặt thêm các biện pháp bao vây phong tỏa Iran nhằm gia tăng áp lực buộc nước này phải nhượng bộ. Điều này có thể sẽ tạo thêm căng thẳng giữa hai bên và khiến cơ hội đạt được thỏa thuận trở nên xa vời hơn.

Ngay cả khi đạt được thỏa thuận, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt - một trong những yêu cầu cơ bản của Iran - cũng không dễ dàng do phe Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát toàn bộ Quốc hội lưỡng viện của Mỹ từ đầu năm tới.

Ngoài ra, việc kéo dài thời gian đàm phán có thể sẽ kéo theo những nguy cơ nghiêm trọng. Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tại Trung Đông có thể tăng tốc trong thời gian tới.

Hiện Saudi Arabia, đối thủ truyền thống của Iran, đã đặt các nền móng cho chương trình hạt nhân dân sự. Cuộc đua này có thể còn thu hút cả Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước vùng Vịnh giàu dầu mỏ khác.

Điều đó không chỉ đe dọa đến an ninh khu vực mà có thể còn gây khó khăn cho cuộc vận động chống phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Bất chấp thất bại vừa qua, một thực tế không thể phủ nhận là các cuộc đàm phán trong một năm qua đã giúp cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Iran sau 35 năm đối đầu và nghi kỵ lẫn nhau.

Các cuộc đàm phán cũng giúp giải tỏa phần nào quan ngại của phương Tây về chương trình hạt nhân của Iran cũng như giảm bớt bầu không khí "miệng hố chiến tranh" chỉ cách đây hơn một năm trong khu vực.

Hiện vẫn có những tín hiệu để dư luận quốc tế nuôi hy vọng rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran sẽ sớm được "tháo ngòi."

Kết thúc vòng đàm phán không có kết quả rõ ràng tại Vienna, giới chức Mỹ và Iran vẫn bày tỏ thái độ lạc quan và tránh công kích lẫn nhau.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Iran và Nhóm P5+1 đã đạt được những "tiến bộ đáng kể."

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc sẽ được hoàn tất bất chấp việc các bên bỏ lỡ thời hạn chót. Điều này cho thấy Washington và Tehran vẫn mong muốn có được thỏa thuận hạt nhân cuối cùng, tạo không khí thuận lợi để bắt tay hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục