Dân số thanh niên Việt Nam đang có xu hướng giảm dần từng năm

Đây là vấn đề đáng quan tâm trong việc tận dụng thời kỳ "dân số vàng "khi dân số thanh niên, chiếm đông đảo trong lực lượng lao động, giảm đi và dân số phụ thuộc thuộc sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Dân số thanh niên Việt Nam đang có xu hướng giảm dần từng năm ảnh 1 (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 27/12, Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) đã tổ chức Hội thảo góp ý kiến vào dự thảo sơ bộ Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam.

Báo cáo nhằm đánh giá tổng quan về thực trạng phát triển của thanh niên Việt Nam độ tuổi từ 16-30 trong giai đoạn 2010-2018. Qua đó, cung cấp thông tin và số liệu về tình hình dân số thanh niên, thực trạng về giáo dục và đào tạo giáo dục nghề và việc làm, tình trạng sức khỏe, sự tham gia của thanh niên trong xây dựng, thực hiện chính sách và phát triển cộng đồng.

Báo cáo cũng nêu thực trạng về tiếp cận thông tin, dịch vụ và các hoạt động văn hóa của thanh niên; đề xuất công tác nghiên cứu và quản lý nhà nước, các chương trình đầu tư cho thanh niên, các chính sách về thanh niên.

Dự thảo báo cáo cho thấy, thanh niên nước ta ước tính năm 2018 là 23,3 triệu người, chiếm 24,6% dân số cả nước, giảm 0,6% so với năm 2017.

Dân số thanh niên đang có xu hướng giảm dần qua từng năm. Đây là vấn đề đáng quan tâm trong việc tận dụng thời kỳ “dân số vàng” ở Việt Nam khi dân số thanh niên (chiếm đông đảo trong lực lượng lao động) giảm đi, dần đưa đến sự tăng lên của dân số phụ thuộc trong thời gian tới.

[Chuyển trọng tâm kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển]

Cũng theo dự thảo báo cáo, trình độ học vấn của thanh niên có xu hướng ngày càng tăng cao và các loại hình đào tạo dành cho thanh niên cũng ngày càng đa dạng.

Thanh niên có trình độ trung học phổ thông tăng từ 39,7% năm 2012 lên 46,2% vào năm 2018. Tỷ lệ mù chữ trong thanh niên thấp và đang giảm nhanh chóng. Cơ cấu lực lượng lao động thanh niên bắt đầu có xu hướng giảm…

Góp ý vào dự thảo báo cáo, các đại biểu có chung nhận định, báo cáo đã được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, kết quả tổng quan đã đưa ra được bức tranh tổng thể về thực trạng phát triển của thanh niên Việt Nam giai đoạn 2012-2018 với những điểm mạnh, hạn chế và những xu hướng phát triển, phân tích được bối cảnh tình hình thế giới và trong nước giai đoạn 2012-2018 có ảnh hưởng lớn đến tình hình thanh niên trên mọi mặt từ học tập, nghề nghiệp, việc làm, sức khỏe cho đến sự tham gia, mong muốn, nguyện vọng của thanh niên...

Việc phân tích bối cảnh này đã cho thấy những thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức mà thanh niên phải đối mặt.

Bối cảnh này cũng đặt ra cho chính thanh niên và công tác thanh niên những nhiệm vụ, yêu cầu quan trọng, đòi hỏi các tổ chức thanh niên, mỗi thanh niên nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tích cực, chủ động và sáng tạo tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay.

Theo tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Điểm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, báo cáo thu thập được các số liệu, tư liệu phong phú, đa dạng và đảm bảo độ tin cậy về tình hình phát triển thanh niên trên các lĩnh vực, có giá trị khoa học rất lớn.

Trong phần dân số thanh niên, báo cáo đã phân tích, so sánh qua các năm về số liệu thanh niên trong cơ cấu dân số của cả nước, quy mô dân số thanh niên theo nhóm tuổi, dân số thanh niên theo giới tính, khu vực, vấn đề tận dụng “dân số vàng’’ và một số vấn đề đặt ra về chính sách trong thời gian tới cần tập trung để phát huy thanh niên trong giai đoạn dân số vàng.

Các phân tích, so sánh về dân số thanh niên cho thấy tỷ lệ thanh niên trong cơ cấu dân số tiếp tục có xu hướng giảm. Tỷ lệ nam thanh niên cao hơn nữ thanh niên tăng dần qua từng năm, đã đặt ra những vấn đề xã hội rất đáng quan tâm.

Báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn, lo lắng trong học tập của thanh niên hiện nay như ra trường khó xin việc, chưa được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng một cách toàn diện; chịu nhiều áp lực thi cử…

Thanh niên cũng mong muốn việc học tập của mình gắn liền với yêu cầu của thực tiễn; được học trong môi trường phát huy tối đa được tính chủ động, tích cực của bản thân và mong có nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho thanh niên trong học tập, đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực thanh niên chất lượng cần được quan tâm hơn.

Trong lĩnh vực tham gia của thanh niên, kết quả tổng quan của báo cáo cho thấy những mặt tích cực, hạn chế và những khó khăn của thanh niên khi tham gia vào các hoạt động xã hội, trong xây dựng, thực thi những chính sách liên quan đến thanh niên.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Điểm đưa ra khuyến nghị bổ sung thêm khái niệm phát triển thanh niên, làm rõ hơn phương pháp tổng quan từ các tư liệu thứ cấp và phân tích thêm một số đối tượng thanh niên, nhất là đối tượng thanh niên đặc thù như thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên học tập ở nước ngoài, gợi ý các chính sách tập trung ưu tiên cho thanh niên…

Ở góc độ của ngành công an, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) Nguyễn Văn Hạ đặt vấn đề về tỷ lệ phạm tội trong thanh niên và những chính sách cần có.

Báo cáo cũng cần đánh giá tác động của việc xâm nhập văn hóa nước ngoài đối với giới trẻ, các vấn đề tích cực và tiêu cực đối với thanh niên, nêu nguyên nhân và giải pháp; đồng thời, cần có những khuyến nghị lớn như hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thanh niên; bổ sung, sửa đổi Luật Thanh niên, vai trò của tổ chức chính trị-xã hội với thanh niên; công tác tuyên truyền định hướng giáo dục cho thanh niên, bộ máy thanh niên.

“Đánh giá không đúng sẽ khó định hình về cơ chế chính sách với thanh niên”, ông Nguyễn Văn Hạ nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Quân, Vụ Pháp luật hành chính (Bộ Tư pháp), báo cáo cần bám sát 7 chính sách của Luật Thanh niên, cần quan tâm đến chính sách pháp luật cho thanh niên, việc tham gia góp ý pháp luật đối với thanh niên…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục