Đằng sau lệnh phong tỏa kinh tế của Mỹ nhằm vào Venezuela

Sắc lệnh hành pháp nhằm phong tỏa toàn bộ tài sản của Venezuela trên lãnh thổ Mỹ có thể là tiền đề cho một lệnh bao vây cấm vận toàn diện, với mức độ trừng phạt cao nhất.
Đằng sau lệnh phong tỏa kinh tế của Mỹ nhằm vào Venezuela ảnh 1Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin Infobae, với việc ký sắc lệnh hành pháp nhằm phong tỏa toàn bộ tài sản của Venezuela trên lãnh thổ Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã nâng mức độ trừng phạt kinh tế đối với quốc gia Nam Mỹ này lên một bậc mới, nhằm “bóp nghẹt” các hoạt động tài chính của Chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro, buộc nhà lãnh đạo cánh tả này phải rời bỏ quyền lực.

Sắc lệnh trừng phạt Venezuela được đưa ra ngay sau sự kiện đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh, gây tác động lớn tới thị trường chứng khoán Phố Wall, cũng như tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu.

Cùng với đó, ngay tại nước Mỹ cũng xảy ra hai vụ xả súng khiến hơn 30 người thiệt mạng tại Texas và Ohio. Những thông tin này đã gây áp lực mạnh mẽ đối với Tổng thống Trump.

Theo nhận định của chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế Andres Serbin, Chủ tịch cơ quan điều phối khu vực về nghiên cứu kinh tế và xã hội, ngoài những cam kết đối với vấn đề Venezuela, nhiều khả năng động thái của Tổng thống Trump cũng có thể là câu trả lời cho hai sự kiện hết sức quan trọng có ảnh hưởng tới kinh tế và xã hội Mỹ.

Đó là tín hiệu mà ông Trump muốn gửi tới các cử tri với ý định chứng tỏ rằng tình hình ở Tây Bán Cầu vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ.

Trong khi đó, nhà chính trị học Luis Salamanca thuộc trường Đại học Trung tâm Venezuela cho rằng đây là biện pháp trừng phạt mạnh nhất mà Chính phủ Mỹ áp dụng đối với một quốc gia ở Mỹ Latinh trong hơn 30 năm qua.

Động thái này có thể là tiền đề cho một lệnh bao vây cấm vận toàn diện, với mức độ trừng phạt cao nhất.

Tuy nhiên, dù sao thì quyết định này cũng sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động tài chính của Chính phủ Venezuela, đặc biệt là đối với nền kinh tế kiệt quệ của nước này.

Những tác động của biện pháp trừng phạt mới có thể liên quan tới tất cả chứ không thể nói rằng nó nhằm vào chính phủ mà không có ảnh hưởng tới người dân.

[Tổng thống Mỹ Trump ký lệnh phong tỏa mọi tài sản Venezuela tại Mỹ]

Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất là liệu hành động trừng phạt leo thang này có đủ để buộc Tổng thống Maduro và giới chức theo đường lối Chavez phải rời bỏ quyền lực hay không?

Những đòn trừng phạt hồi đầu năm nhằm vào tập đoàn dầu khí nhà nước PDVSA tưởng như đã trở thành một “vũ khí chết chóc” và thực tế cũng đã phần nào làm suy yếu Chính quyền Venezuela, nhưng vẫn chưa đủ.

Giờ đây, một cuộc chuyển giao quyền lực như Mỹ mong muốn dường như còn xa vời hơn trước thời điểm mà thủ lĩnh đối lập Juan Guaido định triển khai kế hoạch đảo chính hôm 30/4.

Theo ông Salamanca, Chính phủ Venezuela vẫn tiếp tục kháng cự một cách kiên cường trước những biện pháp trừng phạt ngặt nghèo của Mỹ, nhưng liệu họ có thể vượt qua được những tác động của lệnh phong tỏa lần này hay không thì hãy còn quá sớm để có câu trả lời.

Có ý kiến cho rằng hậu quả của bước đi mới này sẽ không quá nặng nề bởi từ lâu nay Venezuela đã thường xuyên phải chịu tác động của các biện pháp trừng phạt.

Dù sao đi nữa, đây sẽ là một bước đi có nhằm vào toàn bộ nền kinh tế chứ không chỉ là một vài lĩnh vực cụ thể như trước đây và từ đó có thể gây ra những tác động về chính trị.

Về vấn đề này, Giáo sư Domingo Alberto Sifontes thuộc trường Đại học kinh tế Carabobo cho rằng luôn có những cơ chế để lách các lệnh trừng phạt.

Đến nay, Chính phủ Venezuela cũng đã chứng minh rằng họ vẫn có thể thúc đẩy giao thương với nhiều đối tác trên thế giới bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Còn nhớ khi Washington đưa ra biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu khí khiến cho Venezuela mất đi những thị trường quan trọng thì ngay lập tức xuất hiện Ấn Độ như là một khách hàng thay thế Mỹ, cho dù sau đó nước này buộc phải dừng làm ăn với PDVSA trước những đe dọa trả đũa của Mỹ.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều đối tác sẵn sàng tiếp tục làm ăn với Caracas như Nga, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Sifontes khẳng định kinh nghiệm lịch sử cho thấy không hẳn các biện pháp trừng phạt sẽ là cách tốt nhất để loại bỏ được một chính quyền mà không phù hợp với lợi ích của Mỹ. Dường như Washington đang muốn “bóp nghẹt” Chính quyền Tổng thống Maduro càng sớm càng tốt nhưng vấn đề là những biện pháp trừng phạt sẽ gây ảnh hưởng lớn tới người dân Venezuela.

Đã có nhiều tiền lệ tương tự chứng minh rằng những người phải trả giá thường là người dân chứ không phải là đối tượng mà các các biện pháp trừng phạt muốn nhắm đến.

Ngoài ra, biện pháp trừng phạt này có thể sẽ là một “ngòi nổ” đối với tiến trình đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập Venezuela đang diễn ra ở Caracas.

Cho dù Chính phủ Venezuela muốn sử dụng bàn đối thoại để dập tắt khủng hoảng trong nước song việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn có thể khiến mọi việc đổ vỡ với lý do Mỹ không mặn mà gì với cuộc đàm phán này mà chỉ mong thiết lập một liên minh phù hợp với lợi ích của họ nhằm buộc Tổng thống Maduro phải ra đi.

Ông Sifontes kết luận: “Rõ ràng vấn đề Venezuela đang ngày càng trở nên phức tạp hơn và có thể sẽ tạo ra những tác động nhất định đối với Chính quyền Tổng thống Trump trong chiến dịch bầu cử sắp tới nếu họ không thể dứt điểm được.

Có lẽ điều quan trọng nhất lúc này là phải ủng hộ những nỗ lực đối thoại tại Barbados, cho dù đây có thể sẽ là một tiến trình kéo dài, phức tạp và cần tới nỗ lực nhiều hơn nữa của các bên”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục