Đằng sau lời kêu gọi “tam giác phi hạt nhân” của Tổng thống Trump

Phải chăng Nhà Trắng đang phát đi tín hiệu kêu gọi 2 cường quốc hạt nhân lớn của thế giới - là Trung Quốc và Nga - cùng với Mỹ bắt đầu xây dựng các biện pháp phi hạt nhân.
Đằng sau lời kêu gọi “tam giác phi hạt nhân” của Tổng thống Trump ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, mới đây, trên một chương trình truyền hình của hãng Fox News, khi đề cập đến cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố: "Chúng tôi muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tất cả chúng ta đều nên làm việc đó. Cả Nga và Trung Quốc."

Ngay lập tức, báo chí đưa tin văn phòng của ông Trump dường như đang chuẩn bị một dự thảo thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân với sự tham gia của 2 nước nói trên.

Nga đã lên tiếng hoan nghênh đề nghị của Trump, song nhắc lại rằng chính Mỹ mới là nước phá vỡ thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân.

[Nga cáo buộc Mỹ cố tình hủy hoại các hiệp ước kiểm soát vũ khí]

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra hiện nay là: Động cơ của Trump là gì? Liệu siêu thỏa thuận hạt nhân này có triển vọng thành công hay không?

Một số chuyên gia cho rằng có lẽ ông Trump thực sự mong muốn các cường quốc hạt nhân hàng đầu - trong đó có Mỹ - từ bỏ vũ khí hạt nhân, và Washington sẵn sàng đảm nhận vai trò khởi xướng sáng kiến vì một thế giới phi hạt nhân.

Cũng có ý kiến cho rằng Nhà Trắng đã phát đi tín hiệu kêu gọi 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới - là Trung Quốc và Nga - cùng với Mỹ bắt đầu xây dựng các biện pháp giải quyết nhiệm vụ không đơn giản này.

Tuy nhiên, tuyên bố gây chấn động đó của ông Trump lại cho thấy một thực tế là vấn đề mà ông nêu ra chưa hề được các cố vấn quân sự-chính trị của ông xây dựng đầy đủ cả về hình thức lẫn nội dung, bởi nó mới chỉ được đề cập trên báo chí chứ không phải thông qua kênh ngoại giao.

Một câu hỏi khác được đặt ra là vì sao ông Trump chỉ nhắc đến 3 cường quốc hạt nhân (Mỹ, Trung Quốc, Nga) và Triều Tiên mà không phải là tất cả các nước có tiềm lực hạt nhân?

Phải chăng điều đó có nghĩa là vũ khí hạt nhân sẽ bị tiêu hủy tại Trung Quốc, Triều Tiên, Nga và Mỹ, trong khi sẽ vẫn tồn tại ở Anh, Ấn Độ, Israel, Pakistan và Pháp? Washington không đưa ra câu trả lời cho vấn đề này.

Hơn nữa, sáng kiến mới của ông Trump mâu thuẫn với chính chiến lược hạt nhân của Mỹ, trong đó cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong 14 trường hợp, một số điều khoản còn cho phép lực lượng hạt nhân chiến lược sử dụng vũ khí hạt nhân trong đòn tấn công đầu tiên.

Phía Mỹ đồng thời cũng không thể hiện bất kỳ sự sẵn sàng nào trong việc rút vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình ra khỏi 4 quốc gia châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ không hề có kế hoạch ngừng hoạt động của các máy bay chiến lược hạng nặng có khả năng mang vũ khí hạt nhân trên bầu trời châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Mỹ vốn không có thái độ tích cực với 13 thỏa thuận song phương và đa phương trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.

Liệu Washington có tuân thủ các thỏa thuận này theo “công thức phi hạt nhân” của Trump hay không khi mà từ đầu tháng 8/2018, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)?

Các quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ cũng đã xác nhận họ không “quan tâm” đến việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START-3) sau năm 2021.

Phía Mỹ từ lâu đã khởi động việc xây dựng bộ ba vũ khí hạt nhân mới với kinh phí từ 1.200-1.700 tỷ USD. Bộ ba vũ khí đó sẽ tồn tại ít nhất đến năm 2095.

Vậy nên tuyên bố nói trên của ông Trump nhằm mục đích gì và vì sao bây giờ lại đột ngột nổi lên “công thức phi hạt nhân”?

Phải chẳng ông đang muốn quảng cáo để bảo đảm chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo, có nghĩa là lặp lại lời cam kết sáo rỗng của người tiền nhiệm Barack Obama trong việc xây dựng một thế giới phi hạt nhân hồi tháng 4/2009 tại Prague?

Có các giả thuyết khác để lý giải cho động thái này, chẳng hạn như đánh lạc hướng cộng đồng quốc tế khỏi việc gia tăng quy mô vũ khí tên lửa-hạt nhân, chống tên lửa và vũ khí thông thường của Mỹ và NATO trong những năm tới, hoặc lôi kéo không chỉ Nga mà cả Trung Quốc vào một cuộc tranh cãi viển vông “về giải giáp hạt nhân," hoặc cũng có thể là đang tạo vỏ bọc thông tin cho những hậu quả tiêu cực đối với Washington từ việc rút khỏi INF, sau đó là START-3. Cũng có thể tất cả những giả thuyết nói trên là điều mà ông Trump đang nghĩ tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục