Đằng sau việc EU tìm kiếm nguồn cung thay thế cho khí đốt Nga

Nếu Nga thật sự cắt giảm giao hàng, hậu quả sẽ rất lớn và dễ làm tăng vọt giá khí đốt vốn ở mức cao chưa từng có tại châu Âu. Câu hỏi đặt ra là đến khi nào EU không còn quan tâm đến nguồn cung từ Nga?
Đằng sau việc EU tìm kiếm nguồn cung thay thế cho khí đốt Nga ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) tại Lubmin, Đức ngày 7/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt từ Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang cố gắng tìm kiếm nguồn cung thay thế trên toàn thế giới để bù đắp sự thiếu hụt nhập khẩu của Nga, trong trường hợp Gazprom đột ngột khóa van cung cấp.

Theo báo Pháp Le Figaro, nhập khẩu khí đốt từ Nga chiếm 20% toàn bộ lượng tiêu thụ năng lượng của EU. Các cuộc khủng hoảng liên tiếp nổ ra giữa Nga và Ukraine - từ các năm 2006, 2009 và 2014 - đã khiến EU và các nước thành viên chủ chốt như Pháp, Đức, Italy lo ngại về sức mạnh của vũ khí khí đốt từ Nga. Tuy nhiên cho đến nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Thị trường khí đốt châu Âu đã ổn định và vững vàng hơn?

Nếu căng thẳng giữa Nga và phương Tây tăng nhiệt, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể quyết định hạn chế cung cấp khí đốt cho châu Âu. Tuần trước, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck đã thừa nhận tình hình địa chính trị bắt buộc EU phải tính toán những khả năng khác để bảo đảm nhập khẩu đủ khí đốt, đang dạng hóa nguồn cung.

Thị trường khí đốt châu Âu hiện nay đã ổn định và vững vàng hơn so với hồi năm 2009, thời điểm mà nguồn cung từ Nga sang châu Âu đã bị đình trệ trong 13 ngày do khủng hoảng Ukraine, khiến cho khí đốt từ Nga sang châu Âu trung chuyển qua Ukraine đột ngột giảm 70%.

[Liệu Đức có tháo được ngòi nổ căng thẳng giữa Nga và phương Tây?]

Giờ đây, một số điều khoản trong hợp đồng cấm bán lại khí đốt đã bị bãi bỏ, hệ thống đường ống kết nối với nhau tốt hơn. Châu Âu cũng có điều kiện nhập khẩu thêm khí đốt từ Algeria, Na Uy, Azerbaijan, còn Hà Lan thì có thể khai thác thêm từ mỏ Groningen, hiện nay đang tạm thời đóng cửa.

Dự trữ khí đốt chiến lược của EU cho phép họ cầm cự thêm vài tháng. Tuy nhiên, nếu nguồn cung bị cắt giảm đột ngột thì hậu quả sẽ rất lớn, nhất là với những quốc gia như Áo, Slovakia và một số khu vực của Italy.

Đức cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì nước này phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt Nga và đã đóng cửa hết các nhà máy điện hạt nhân. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Nga chiếm 46,8% tổng nhập khẩu khí đốt châu Âu, còn Mỹ chỉ chiếm 11,6%, Algeria (6,3%), Na Uy (4,3%) và 10,5% từ các nước khác.

EU không có nhiều giải pháp và nếu có thì cũng không thể huy động trong một sớm một chiều. Các nhà cung cấp truyền thống có thể tăng giao hàng, chẳng hạn như Na Uy, vì từ nhiều năm nay, nước này vẫn duy trì năng lực sản xuất dự trữ để đề phòng trường hợp khẩn cấp. Tương tự, Algeria, Azerbaijan và Qatar cũng có thể tăng công suất nếu họ muốn để xuất thêm sang châu Âu.

Qatar, nước xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai thế giới, mới đây đã được Mỹ yêu cầu hỗ trợ. LNG, được vận chuyển bằng tàu chở chuyên dụng, hiện nay chiếm một nửa nhu cầu khí đốt của thế giới, là giải pháp linh hoạt hơn nhiều vận chuyển bằng hệ thống đường ống cố định.

Nhiều đội tàu lớn không bị ràng buộc bởi những hợp đồng dài hạn nên rất dễ chuyển hướng giữa hành trình, nếu như có khách hàng đề nghị mức giá hấp dẫn hơn.

Vai trò của Mỹ

Thomas Pellerin-Carlin, Giám đốc Trung tâm năng lượng thuộc Viện nghiên cứu châu Âu Jacques Delors, cho biết trong mấy tuần nay, Mỹ đã huy động toàn bộ các nguồn lực ngoại giao để tìm cách tăng nguồn cung LNG cho châu Âu.

Cuối tháng 1/2022, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để bảo đảm EU có thêm nguồn cung khí đốt đa dạng, tránh được cú sốc lớn, kể cả trong trường hợp Nga tấn công Ukraine.

Nhờ cuộc cách mạng dầu đá phiến, Mỹ đã vươn lên thành nước xuất khẩu khí hoá lỏng lớn, hy vọng sẽ tranh thủ được tình thế khó khăn của EU. Từ lâu, Mỹ luôn phản đối việc Nga tăng cường xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, nhất là thông qua hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Tổng thống Mỹ đã tái khẳng định sự phản đối dự án sau chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa qua.

Lượng xuất khẩu LNG của Mỹ đã tăng nhanh gần đây. Trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal, chuyên gia Daniel Yergin của trung tâm nghiên cứu thị trường IHS Markit cho biết xuất khẩu LNG của Mỹ cho châu Âu đã vượt khối lượng khí đốt của Nga chuyển sang thị trường quan trọng này qua đường ống.

Xuất khẩu của Mỹ gia tăng, trong bối cảnh giá khí đốt tăng gấp 4 lần tại châu Âu trong giai đoạn từ mùa Hè cho đến Giáng sinh năm ngoái, giá LNG của Mỹ đã trở nên cạnh tranh hơn.

Châu Âu hiện có nhiều trung tâm tái chế LNG thành khí đốt thông thường, đủ để đáp ứng nhu cầu. Tuy vậy một số nước chẳng hạn như Tây Ban Nha có hệ thống cảng biển tiếp nhận khí hóa lỏng lớn, nhưng lại nằm ở vị trí tương đối xa các nước thực sự cần bổ sung để bù đắp nhu cầu của thị trường như Đức, Hungary và Slovakia nếu lượng giao hàng của Nga giảm đột ngột.

Mặt khác, vẫn có nhiều ý kiến nghi ngờ khả năng Mỹ đáp ứng được nhu cầu của châu Âu. Những chính sách môi trường khắt khe hơn của chính quyền Tổng thống Biden có thể gây khó khăn cho việc tài trợ cho những dự án khai thác khí đốt mới.

Một số nước khác có thể có hỗ trợ nhất định cho EU. Theo đề nghị của Brussels và Washington, Nhật Bản mới đây đã bắt đầu chuyển hướng cung cấp LNG sang cho châu Âu từ nguồn giao hàng dành riêng cho họ. Tuy nhiên, nguồn cung này rất hạn chế và chủ yếu có ý nghĩa tượng trưng vì Nhật, nước nhập khẩu LNG lớn nhất, cũng không thể tăng dự trữ của họ dễ dàng.

Mặc dù vậy, giới phân tích nhận định nguy cơ Gazprom cắt giảm giao hàng cho châu Âu thấp vì rất nhiều hợp đồng với Nga là dài hạn và họ bắt buộc phải thực hiện dù thế nào đi nữa. Ngoài ra, năm 2021, Nga đã thu 62 tỷ euro nhờ xuất khẩu khí đốt sang châu Âu (thấp hơn xuất khẩu dầu) và nước này tiếp tục cần khoản tiền đó.

Bên cạnh đó, Gazprom cũng cần nguồn thu từ xuất khẩu để bù đắp giá khí đốt rất thấp bán ra cho người tiêu dùng trong nước. Về lý thuyết, EU có thể cắt giảm tiêu thụ khí đốt hoặc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, nhà máy điện than để sản xuất điện.

Catherine MacGregor, Tổng giám đốc tập đoàn điện lực Pháp Engie, cho biết nếu có vấn đề mang tính chất rất ngắn hạn và rải rác, nước này có thể xử lý được nhờ nguồn dự trữ sẵn có. Hiện tại, dự trữ năng lượng các loại của Pháp đã được nâng lên 34% trong tuần qua.

Tuy nhiên, nếu Nga thật sự cắt giảm giao hàng, hậu quả sẽ rất lớn và dễ làm tăng vọt giá khí đốt vốn đã ở mức cao chưa từng có tại châu Âu. Câu hỏi đặt ra là đến khi nào EU có thể không còn quan tâm đến nguồn cung từ Nga?

Căn cứ vào những khó khăn liên quan đến đầu tư vào năng lượng, tiết kiệm năng lượng, xu hướng giảm khai thác ở một số nước như Algeria, nhiều chuyên gia nhận định triển vọng thực tế nhất khó có thể xuất hiện trước năm 2040 hoặc 2045./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục