TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Doris Leuthard. Sau đây toàn văn Tuyên bố chung.
Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Doris Leuthard, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết thực hiện chuyến thăm chính thức Thụy Sĩ lần đầu tiên, từ ngày 16 -19/5/2010.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt đầu chuyến thăm bằng hoạt động khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Sĩ do Phòng Thương mại Thụy Sĩ-châu Á tổ chức tại Zurich.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Doris Leuthard ở lâu đài Landsitz Lohn, tại Kehrsatz. Hai bên đã đánh giá lại tình hình và nhất trí cho rằng quan hệ song phương giữa hai nước phát triển toàn diện và tốt đẹp.
Hai bên hoan nghênh việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển và giáo dục-đào tạo. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian tới, trong đó có việc kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2011.
Tổng thống Doris Leuthard ca ngợi những thành tựu của Việt Nam sau gần 25 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực giảm nghèo và sớm đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Tổng thống Doris Leuthard đề cập đến nguồn vốn ODA của Thụy Sĩ cam kết tại Việt Nam đạt hơn 330 triệu phrăng Thụy Sĩ, do Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC) và Cục Hợp tác Kinh tế Thụy Sĩ (SECO) cùng thực hiện; đồng thời bảo đảm Thụy Sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ cảm ơn Thụy Sĩ đã dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA được sử dụng hiệu quả, góp phần vào những thành công của Việt Nam trong thời gian qua.
Tổng thống Thụy Sĩ khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng chương trình tăng cường hợp tác phát triển của SECO. ODA của Thụy Sĩ sẽ đáp ứng các ưu tiên của Việt Nam, như lĩnh vực kinh tế vĩ mô và tài chính, thúc đẩy và hỗ trợ quá trình quốc tế hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách thương mại.
Tổng thống Doris Leuthard hoan nghênh Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện cải cách kinh tế nói chung, trong đó có sáng kiến mới về Hợp tác công-tư (PPP). Chính phủ Thụy Sĩ tin rằng sáng kiến PPP sẽ thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Hai nguyên thủ hoan nghênh và ca ngợi sự phát triển năng động của quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp năm lần trong giai đoạn 1998-2008 (đạt khoảng 600 triệu phrăng Thụy Sĩ) và năm 2009 đã đạt mức kỷ lục 2,7 tỷ phrăng Thụy Sĩ.
Đầu tư trực tiếp của Thụy Sĩ tại Việt Nam tính đến năm 2009 đạt khoảng 1,43 tỷ USD, đưa Thụy Sĩ trở thành nhà đầu tư lớn thứ 19 trong tổng số 89 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Hai nguyên thủ đã thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư cũng như khuyến khích và hỗ trợ hợp tác kinh doanh hiệu quả giữa các doanh nghiệp hai nước.
Các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa các nước thành viên Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), trong đó có Thụy Sĩ, và Việt Nam đã tăng cường hiểu biết lẫn nhau về nền kinh tế của mỗi bên cũng như về các cơ hội thúc đẩy hơn nữa trao đổi hợp tác kinh tế giữa các bên.
Hai nguyên thủ bày tỏ hài lòng về việc "Nhóm nghiên cứu khả thi về Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và khối EFTA" sẽ được chính thức thành lập ngày 19/5/2010 tại Geneva.
Hai nguyên thủ nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách hệ thống giáo dục vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Hai bên đánh giá cao hợp tác gần gũi và hiệu quả giữa các trường đại học tổng hợp và các trường đại học khoa học ứng dụng của hai nước trong thời gian qua.
Hai bên hoan nghênh việc ký kết Bản ghi nhớ nhằm mục tiêu thúc đẩy hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa các cơ sở giáo dục bậc đại học ở Việt Nam và Thụy Sĩ.
Hai nguyên thủ nhấn mạnh vai trò của nhà nước pháp quyền với khuôn khổ rõ ràng, pháp luật minh bạch và ổn định trong phát triển đất nước. Tổng thống Thụy Sĩ hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Hai nguyên thủ cũng đã thảo luận các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu (Việt Nam là một trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hậu quả của việc Trái Đất ấm lên), Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an, cũng như kinh nghiệm của Việt Nam với vai trò là một nước thực hiện thí điểm tiến trình cải cách “Một Liên hợp quốc,” và việc phổ quát các giá trị của tòa án hình sự quốc tế. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai chính phủ trong khuôn khổ đa phương.
Tổng thống Doris Leuthard hoan nghênh những nỗ lực tích cực của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2010, những đóng góp với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và những nỗ lực hiện nay để hội nhập nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007. Tổng thống Doris Leuthard chúc mừng Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 6/2010.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hoan nghênh việc Thụy Sĩ bổ nhiệm Đại sứ Thụy Sĩ tại ASEAN vào tháng 9/2009 và chúc mừng Thụy Sĩ đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 13 các nước nói tiếng Pháp (Francophonie) từ 22 -24/10/2010 tại Montreux.
Hai nguyên thủ bày tỏ hài lòng về chất lượng đối thoại nhân quyền song phương được tiến hành từ năm 1997. Vòng đối thoại lần 8 đã diễn ra hiệu quả ngày 22/4/2010 tại Thụy Sĩ. Điều này khẳng định mong muốn của cả hai bên tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực nhân quyền một cách thực chất và tin cậy.
Tổng thống Doris Leuthard đánh giá cao quyết định của Việt Nam ủng hộ Thụy Sĩ ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2010-2013.
Hai nguyên thủ tin tưởng rằng các kết quả của chuyến thăm đánh dấu một mốc son trong quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ, góp phần tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước lên một tầm cao hơn. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã mời Tổng thống Thụy Sĩ sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết kết thúc chuyến thăm chính thức Thụy Sĩ sau khi gặp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Thụy Sĩ Erika Foster-Vannini; Nhóm Nghị sĩ “Những người bạn của Việt Nam” và lãnh đạo một số doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam và Thụy Sĩ./.