Đạo diễn phim tài liệu, Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh qua đời

Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh là tác giả của nhiều phim tài liệu về danh nhân Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... với phong cách kể đặc trưng.
Đạo diễn phim tài liệu, Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh qua đời ảnh 1Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh (ngồi giữa) cùng Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (bên phải) và họa sĩ Lê Thiết Cương. Người đứng sau là phu nhân của ông. (Ảnh: Vietnam+)

Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh đã qua đời đầu giờ chiều ngày 20/9 sau một thời gian chống chọi những biến chứng của bệnh tiểu đường. Từ giữa năm nay sức khỏe ông đã yếu, khoảng 10 ngày trước khi qua đời ông ốm nặng phải nhập viện, có vợ và con gái túc trực chăm sóc. Ông ra đi ở tuổi 83, để lại nỗi xót thương cho gia đình và bạn bè đồng nghiệp.

Sinh thời, nghệ sỹ Đào Trọng Khánh là đạo diễn điện ảnh kỳ cựu ở mảng phim tài liệu. Ông làm việc ở Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương, từng đảm nhiệm từ đạo diễn, quay phim, biên kịch.

[ NSND Đào Trọng Khánh: Làm thơ bằng phim, làm phim như thơ]

Đạo diễn Đào Trọng Khanh (sinh năm 1940) vào nghề từ năm 1965, khi đó 25 tuổi và cầm máy liên tục trong 40 năm sau đó. Những tác phẩm nổi bật ông để lại là “1/50 giây cuộc đời,” “Vũ nữ Trà Kiệu,” các phim tài liệu về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Mình như “Việt Nam - Hồ Chí Minh,” Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng… bàn luận về nhiều vấn đề lớn của đất nước, con người.

Các thế hệ hậu bối tại hãng phim tài liệu gọi ông là "bầu Khánh." Nghệ sỹ Nhân dân Lê Hồng Chương-Nguyên Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương lý giải “bầu Khánh” được nhận trọng trách này là nhờ có tài năng sáng tác lời hay, ý đẹp bằng ngôn ngữ điện ảnh. Mỗi khung hình đều mang nhiều sức gợi chứ không chỉ là minh họa cho lời bình.

Sở dĩ là vì cố nghệ sỹ có cái gốc của một thi sĩ. Mỗi câu chuyện do Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh kể bằng phim đều mang những dấu ấn cá nhân. Ngay cả với những cảnh quay do người khác cầm máy, qua biên tập và lời bình của ông, cũng tạo thành một sản phẩm có “chất Đào Trọng Khánh.” Cố đạo diễn luôn cẩn trọng, nghiên cứu rất nhiều, rất kỹ về những chủ đề được giao.

Trong viết lách, thơ của cố nghệ sỹ được cho là góp phần tạo một trường phái đặc trưng của phố cảng Hải Phòng những năm kháng chiến chống Mỹ. Đồng nghiệp nhận xét ông có khả năng “bắt nét” rất khéo, chỉ qua một câu mô tả đã đủ thấy một chân dung con người.

Đó là cách ông đã mô tả thành công cái thần của những người bạn thân, người cùng thời: "Nguyên Hồng uống rượu say, đứng ngay râu nhìn dòng sông Tam Bạc"; "Thanh Tùng áo thợ lấm những vết dầu mỡ, lúc đọc thơ mắt đỏ lên như không biết gì" - trích từ cuốn truyện ký “Đất và người” phần 1 của ông.

Chính vì vậy mà họa sỹ Lê Thiết Cương cho rằng dù có làm phim hay viết gì, ở gốc, Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh vẫn là một thi nhân. Còn theo nhận định của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam-Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "khi viết, Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh luôn cẩn trọng, đam mê và viết để là chính mình."

Năm 2000, đạo diễn Đào Trọng Khánh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho cụm phim tài liệu, gồm "1/50 giây cuộc đời," "Việt Nam-Hồ Chí Minh," "Vũ nữ Trà Kiệu," "Truyền kỳ sự thật," "Hình bóng tổ tiên," "Hồ Chí Minh - hình ảnh của Người."

Hầu hết các phim ông làm đều được giải thưởng, với gần 20 giải cao cho các tác phẩm, trong đó có 7 giải cá nhân (3 Giải Kịch bản Xuất sắc nhất, 4 Giải Đạo diễn Xuất sắc nhất).

Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 8 (1985), ông nhận hai Giải Bông Sen Vàng cho 2 phim tài liệu: Một phần 50 giây cuộc đời và Việt Nam - Hồ Chí Minh. Năm 2007, ông được trao giải Đạo diễn Xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 15.

Sau khi về hưu (2005), ông chủ yếu sống tại quê nhà ở Cầu Đất, Hải Phòng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục