Ở tuổi 82, nghệ sỹ nhân dân Đào Trọng Khánh tiếp tục ra mắt tập truyện ký “Đất và người 2” sau thành công của “Đất và người” đã xuất bản vào tháng 6/2020. Sách dày hơn 300 trang, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Nghệ sỹ nhân dân Đào Trọng Khánh là một tên tuổi hàng đầu trong giới làm phim tài liệu Việt Nam. Cuộc đời sáng tạo của ông đã mang đến cho nền điện ảnh Việt Nam những bộ phim tài liệu nổi tiếng như “1/50 giây cuộc đời,” “Việt Nam-Hồ Chí Minh,” “Vũ nữ Trà Kiệu,” “Truyền kỳ sự thật,” “Hình bóng tổ tiên”…
Trong cuốn sách in lần này, ông giới thiệu một số kịch bản phim tư liệu như “Nguyễn Trãi ở Thăng Long,” “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thăng Long-Hà Nội,” “Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hóa văn nghệ,” “Đường tự do – Con đường đẹp nhất”… Cả cuộc đời Đào Trọng Khánh làm phim về lịch sử, về cách mạng. Với con mắt tinh tường và tâm hồn nhạy cảm của một nhà làm phim bậc thầy, ông đã bắt được những khoảnh khắc của thời đại, của từng nhân vật để có được những thước phim giá trị, những lời bình sắc nét.
Độc giả cũng sẽ hiểu hơn về hành trình của nghệ sỹ nhân dân Đào Trọng Khánh khi ông rong ruổi khắp đất nước để ghi lại những thước phim tư liệu, trong đó có quá trình làm phim về Tổng bí thư Lê Duẩn, Hoàng thân Souphanouvong, nhạc sỹ Đoàn Chuẩn…
Có những khoảnh khắc in dấu sâu đậm trong sự nghiệp làm phim của nghệ sỹ nhân dân Đào Trọng Khánh, khiến ông day dứt không thôi: “Tôi đặt máy quay phim ghi lại những khuôn hình cuối cùng của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn cầm đàn ghi ta như muốn hát. Không hát được nữa rồi! Tất cả âm thanh đã tắt ngấm! Anh Chuẩn đã buông đàn. Hơn 20 năm sau, tôi viết những dòng này để tưởng nhớ người nhạc sỹ tài hoa.”
Cũng như tập 1, họa sỹ Lê Thiết Cương là người “chăm sóc” bản in “Đất và người 2” cho nghệ sỹ nhân dân Đào Trọng Khánh. Anh giúp tuyển chọn, sắp xếp các bài viết trong sách và vẽ bìa.
Họa sỹ Lê Thiết Cương cho biết anh tâm đắc nhất là những trang viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân Nguyễn Trãi và nhiều vĩ nhân khác. Với thủ pháp “dùng hạt cát để vẽ nên sa mạc,” nghệ sỹ nhân dân Đào Trọng Khánh đã lựa chọn những chi tiết rất đắt giá để khắc họa lên chân dung những con người vĩ đại một cách gần gũi và sống động.
“Nói về Bác Hồ thì có hàng ngàn câu chuyện, hàng ngàn trang viết rồi, song nghệ sỹ nhân dân Đào Trọng Khánh đã biết cách chọn những chi tiết nhỏ để dựng lên một hình tượng lớn khiến câu chuyện súc tích, cô đọng và in dấu trong tâm trí người đọc,” họa sỹ nhận định.
Với tình cảm và sự trân trọng bậc tiền bối, họa sỹ chia sẻ: “Đào Trọng Khánh dù làm văn, làm báo, làm điện ảnh thì đó cũng chỉ là thân cây, là cành, là ngọn. Gốc của Đào Trọng Khánh là một thi nhân.”
Quả đúng như vậy, nghệ sĩ nhân dân Đào Trọng Khánh khởi nghiệp bằng thơ, với bút danh Đào Nguyễn. Đến tận bây giờ, thơ vẫn chưa rời bỏ tâm hồn ông. Thơ Đào Trọng Khánh từ thuở Hải Phòng bom đạn đến những ngày Hải Phòng nhộn nhịp hội nhập toàn cầu, vẫn trầm tư và say đắm: “Xưa tôi trôi như một cánh buồm/ Giờ tôi đã thành bến cũ/ Xưa giăng lưới theo đàn cá lạ/ Nay cá đã phơi rồi, lưới rách lua tua/ Nào hãy bơi đi đàn cá mòi khô/ Ta sẽ thả các người xuống nước/ Hãy tìm lại cho ta những ngày đã mất/ Nơi đáy sâu im lặng đời đời?” (“Bến đò Tam Bạc-Tự ước một mình”).
[Nghệ sỹ nhân dân Đào Trọng Khánh ‘tái xuất’ với ‘Đất và người’]
Chính nghệ sỹ nhân dân Đào Trọng Khánh cũng thừa nhận: “Thơ không thay thế cho phim tài liệu mà phim tài liệu cũng không thay thế cho thơ. Có vẻ như cũng chỉ là một. Chỉ khác nhau ở hình thức thể hiện. Làm thơ bằng phim hay làm phim như thơ, tôi nghĩ cũng là xúc cảm nghệ thuật trong một con người.”
Nhà thơ Thụy Kha khẳng định Đào Trọng Khánh là một nghệ sỹ lớn. Bằng vốn kiến thức uyên bác của mình, ông đã nhào nặn, khắc tạc nên những chân dung thời đại theo cách của riêng bằng một giọng văn với những phát hiện, đánh giá đầy lý thú.
“Văn ông lôi cuốn người đọc từ trang đầu đến trang cuối. ‘Đất và người’ cả hai tập đều rất đáng đọc,” nhà thơ Thụy Kha nhấn mạnh.
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, nghệ sỹ Đào Trọng Khánh cho biết ông rất xúc động khi ở tuổi này vẫn còn có tác phẩm được xuất bản. Họa sỹ Lê Thiết Cương và các bạn ở Nhà Xuất bản Hội Nhà văn đã động viên và giúp ông hệ thống lại các trang viết để cuốn sách có diện mạo như hiện nay.
Tuổi tác đã cao, trí nhớ giảm sút nhiều, ông vẫn rất cố gắng viết hàng ngày. Những bài thơ trong cuốn sách này cũng do ông cố lục lọi trí nhớ và chép lại. Do đó, cuốn sách này đặc biệt có ý nghĩa với bản thân tác giả./.
Nghệ sỹ nhân dân Đào Trọng Khánh sinh năm 1940 tại Kiến Thụy, Hải Phòng. Ông chính thức nghỉ hưu từ năm 2005 và đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. |