Hiện nay, cả nước có hàng nghìn container hàng hóa đủ chủng loại tồn đọng tại các cảng biển chưa được giải tỏa đã làm hạn chế diện tích kho bãi, đội thêm chi phí bảo quản hàng hóa, gây khó khăn cho các cảng trong việc xử lý hàng tồn.
Hàng ngàn container bị “bỏ quên”
Theo số liệu báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2014, số lượng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam khoảng 5.450 container và 1.323 kiện trong đó, phân bố tại các khu vực cảng Hải phòng hơn 5.000 container, Quảng Ninh 52, Đà Nẵng 99, cảng Thành phố Hồ Chí Minh có 177 container và 1.323 kiện hàng…
Hàng hóa tồn đọng chủ yếu thuộc loại hình xuất nhập khẩu như tạm nhập tái xuất, nhập máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, nhập kinh doanh. Mặt hàng tồn đọng chủ yếu gồm cao su, lốp cao su đã qua sử dụng, quần áo đã qua sử dụng, phế liệu, thiết bị điện đã qua sử dụng, hàng điện tử đã qua sử dụng, thực phẩm đông lạnh….
Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, tại cảng Hải Phòng có những container hàng đã tồn đọng tới 5-10 năm. Trong số hơn 5.000 container hàng hóa tồn đọng tại cảng này thì có tới hơn 1.000 container bị “bỏ quên” từ những năm 2006.
Lý giải nguyên nhân tồn đọng hàng ngàn container kể trên, ông Nguyễn Nhật cho rằng, một lượng hàng lớn tại các cảng biển thuộc về hàng tạm nhập, tái xuất, chủ yếu người đứng tên nhận lô hàng là các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tại xuất. Hàng hóa về cảng Hải Phòng sau đó tái xuất đi Trung Quốc hoặc nước thứ 3 nhưng do chính sách kiểm soát rất chặt chẽ hàng nhập khẩu qua biên giới phía Trung Quốc nên việc tái xuất hàng hóa gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, ông Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập khi số lượng hàng hóa tồn đọng quá lớn, gia tăng nhanh trong thời gian ngắn trong khi đó, tính chất hàng hóa rất đa dạng và phức tạp, đa phần hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng lại có giá trị thấp.
“Qua kiểm tra, đánh giá, chi phí lưu container, phí lưu bãi phải trả cho đơn vị vận tải và kinh doanh kho bãi của nhiều lô hàng lớn hơn giá trị thực tế của lô hàng đó. Các lô hàng phế liệu cao su hoặc lốp cao su đã qua sử dụng chi phí bình quân trả phí lưu container, kho bãi khoảng 300 triệu đồng/container trong khi giá trị hàng hóa chỉ khoảng 10-20 triệu đồng/container,” ông Nguyễn Nhật cho hay.
Đặc biệt, qua kiểm tra 1.426 container hàng hóa tại cảng Hải Phòng, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm về việc vận chuyển vào Việt Nam những mặt hàng không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu, hàng hóa tạm nhập tái xuất phải không có giấy phép, hàng hóa thuộc danh mục cấm tạm nhập tái xuất, hoặc đã tạm dừng.
“Bốc thuốc” xử lý hàng tồn
Chỉ ra những khó khăn trong công tác xử lý hàng ngàn container "rác thải" ở các cảng biển, ông Nguyễn Nhật cho rằng, cơ quan Hải quan phải thực hiện trình tự các bước thủ tục, mất rất nhiều thời gian trong việc kiểm tra thực tế hàng hóa để xác định, phân loại đối tượng cũng như thời gian thông báo tìm chủ sở hữu hàng hóa theo quy định của pháp luật và phát sinh nhiều chi phí cho ngân sách Nhà nước.
"Trường hợp phải xử lý tiêu hủy đối với hàng hóa không còn giá trị sử dụng hoặc đối tượng buộc tiêu hủy như phế thả nhựa, quần áo cũ... thì năng lực tiêu hủy của các đơn vị có chức năng xử lý cũng hạn chế, chi phí tiêu hủy cao...," Cục trưởng Cục Hàng hải nói.
Để giải tỏa số hàng hóa trên khỏi các cảng biển nhằm hạn chế tình trạng hư hỏng, giảm thiệt hại cho Nhà nước và doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam xử lý 183 container của đơn vị này đang tồn đọng tại cảng Hải Phòng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết dứt điểm nhằm hạn chế hư hỏng.
Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan Việt Nam thực hiện xử lý hàng hóa tồn đọng theo đúng quy định, trong đó khẩn trương bố trí ngân sách để xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng doanh nghiệp có đủ điều kiện nhập khẩu hoặc xử lý làm nguyên liệu sản xuất được mua lốp cao su đã qua sử dụng và phế liệu theo quy định của pháp luật nhằm giải quyết dứt điểm 2.769 container lốp cao su đã qua sử dụng.
Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề xuất đối với các lô hàng hóa có người nhận ở Việt Nam nhưng không xuất trình được giấy phép do Bộ Công Thương cấp sẽ phạt tiền và buộc đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trong trường hợp quá 30 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà doanh nghiệp không thực hiện thì tịch thu hoặc tiêu hủy hàng hóa theo quy định./.