Dấu hỏi về vai trò của nhóm BRICS như một khối kinh tế

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu BRICS và sự phát triển của khu vực Nam bán cầu rộng lớn hơn đã có đủ động lực và xung lực để duy trì hướng lái một trật tự thế giới có tính cân bằng hơn được không?
Dấu hỏi về vai trò của nhóm BRICS như một khối kinh tế ảnh 1Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Brasilia, Brazil ngày 13/11/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong hai ngày 13 và 14/11, tại thủ đô Brasilia của Brazil, đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 11 của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi với sự tham dự của Tổng thống và Thủ tướng các nước này.

Những tiềm năng phát triển kinh tế của các nước này là yếu tố khởi nguồn cho việc thành lập khối 5 quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự gia tăng hợp tác về mặt chính trị cũng bắt đầu được đặt lên vị trí quan trọng trong những năm gần đây.

Diễn đàn đối trọng với phương Tây

Đầu những năm 2000, nhà kinh tế Jim O'Neill thuộc ngân hàng Goldman Sachs đã nghĩ ra cụm từ BRIC để chỉ bốn nền kinh tế đang trỗi dậy có tiềm năng tăng trưởng cao và có trọng lượng nhất định trên bàn cờ quan hệ quốc tế.

Để “đủ bộ,” câu lạc bộ này đã kết nạp thêm một thành viên mới là Nam Phi và trở thành BRICS.

Brazil được ví như “kho lương thực” của thế giới. Điểm mạnh của Ấn Độ là đã có những bước tiến rất dài trong các lĩnh vực dịch vụ từ tin học đến các tài chính và cả về y dược.

Nước Nga của Tổng thống Valadimir Putin là nguồn cung cấp vũ khí cho không ít quốc gia trên thế giới, là một điểm tựa cả về an ninh lẫn ngoại giao đối với một số quốc gia. Cùng với Bắc Kinh, Moskva là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Còn Trung Quốc, người khổng lồ châu Á vừa nhiều tiền, vừa là nguồn sản xuất hàng hóa giá rẻ cho thế giới. Trong khi đó, Nam Phi giàu tài nguyên thiên nhiên. Như vậy, trên lý thuyết, năm thành viên này có nhiều lợi thế để bổ sung cho lẫn nhau.

Trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2008, quan hệ giữa năm thành viên nói trên ngày càng được mở rộng, và nhóm BRICS từng bước trở thành một diễn đàn đối trọng với các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada hay Nhật Bản.

Tham vọng của BRICS tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên năm 2009 họp tại Yekaterinburg (Nga) là hình thành một “mô hình mới, khác hẳn với chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa.”

Cho tới gần đây, tại hội nghị thượng đỉnh năm 2018 ở Johannesburg (Nam Phi), các bên đã đồng thuận lập một “mặt trận chặt chẽ chống lại chính sách bảo hộ của Mỹ.”

Nhưng trên thực tế, sau hơn một chục thượng đỉnh, BRICS vẫn là một khối bị cho là khập khiễng, bởi còn quá nhiều khác biệt về nhịp độ phát triển của các thành viên và mỗi bên lại có những tính toán riêng, cả về kinh tế lẫn địa chiến lược, vốn quá xa vời với những lợi ích chung.

Yếu tố chính trị ngày càng quan trọng

Tác giả Andrew Hammond (thuộc trường Kinh tế học London) trong bài viết đăng trên tờ Business Times, nhận định rằng yếu tố chính trị đang trở nên quan trọng hơn yếu tố kinh tế trong hợp tác giữa Nhóm BRICS.

Có một số sáng kiến có tính chủ đạo để minh họa cho xu hướng chính trị ngày càng gia tăng này.

Thứ nhất, việc thành lập Ngân hàng Phát triển Mới - một diễn đàn thay thế cho Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - sẽ hỗ trợ nguồn tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng và thực hiện các dự án khác trong các quốc gia thành viên BRICS. Cùng với đó là một quỹ dự trữ tiền tệ đặc biệt trị giá 100 tỷ USD có liên quan khác.

Động lực thúc đẩy việc thành lập ngân hàng mới này xuất phát từ nhận thức cho rằng ngân hàng này sẽ cho phép BRICS phát triển tốt hơn bên ngoài phạm vi của khối, tăng sức mạnh của khối, củng cố những quan điểm vốn đôi lúc bị các đối tác “đồng nghiệp” phương Tây bỏ qua.

Một sáng kiến khác, được coi là thách thức đối với vị trí ưu thế vượt trội của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cũng đã được thảo luận rất gần đây vào hồi tháng Tám vừa qua khi các bộ trưởng thông tin của BRICS ký một Ý định thư nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thông tin truyền thông.

Ý định thư này sẽ khai thác và tận dụng nhằm đạt được thành công hơn nữa các kế hoạch (vốn đã được đề xuất từ năm 2012) về việc hợp tác xây dựng một hệ thống cáp quang mạnh mẽ để trao đổi, chia sẻ thông tin truyền thông giữa các nước BRICS.

Đây được coi là một biện pháp nhằm thoát khỏi tầm ảnh hưởng và sự theo dõi của các cơ quan tình báo phương Tây, bao gồm cả Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.

Những ví dụ nêu trên nhấn mạnh nhu cầu của khối BRICS trong việc trở thành những yếu tố chính trị (không chỉ về kinh tế) có vai trò lớn hơn nữa.

Tuy nhiên, điều này cũng sẽ làm gia tăng, trên một số khía cạnh nào đó, những lo ngại rằng khối BRICS sau cùng có thể trở thành một liên minh đoàn kết chống phương Tây.

Điều này khiến nhiều quốc gia lo ngại trong bối cảnh khối năm quốc gia này chiếm tới hơn 25% diện tích đất đai của thế giới và hơn 40% dân số thế giới.

Có thể chắc chắn là khối BRICS (tương tự một số tổ chức ở phương Tây) có sự chia sẻ lo ngại về những thành phần chủ chốt trong trật tự toàn cầu hiện tại, bao gồm các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, không phải chỉ riêng những biện pháp thuế quan của Mỹ.

Cuộc họp thượng đỉnh nhóm BRICS năm ngoái tại Nam Phi đã chứng kiến việc khối này, trong bối cảnh đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng từ Washington, kiên trì thể hiện uy tín và trách nhiệm được giao phó về vai trò lãnh đạo quốc tế của mình xung quanh vấn đề thương mại.

Tuy nhiên, ít có khả năng (ít nhất là trong tương lai gần) nhóm BRICS sẽ có những động thái mang tính quyết định vượt qua vai trò là một diễn đàn ngày càng được được định chế hóa đối với vấn đề hợp tác thị trường đang nổi lên. Một phần lý do giải thích cho điều này chính là “tính hỗn tạp, không đồng nhất” trong nội bộ khối này xuất phát từ những lợi ích khác biệt giữa các nước thành viên.

Chẳng hạn, những căng thẳng kéo dài giữa Trung Quốc và Ấn Độ (bao gồm cả các vấn đề về biên giới hai nước) có thể gây ra tác động trái ngược, tiêu cực đến mối quan hệ giữa hai nước.

Sự áp đảo của kinh tế Trung Quốc

Tháng trước, Standard & Poor’s (S&P), đã lưu ý về “quỹ đạo chệch hướng, phân kỳ” về mặt kinh tế trong dài hạn của năm quốc gia trong nhóm BRICS.

Trong vòng hai thập kỷ qua, nền kinh tế tại Trung Quốc và Ấn Độ đã chứng tỏ “sự khỏe mạnh tương đối” trái ngược với những kết quả đáng thất vọng của các nền kinh tế tại Brazil, Nga và Nam Phi.

Dấu hỏi về vai trò của nhóm BRICS như một khối kinh tế ảnh 2Tổng thống Nga đề xuất sử dụng đồng ruble làm đồng tiền của BRICS. (Nguồn: Sputnik/TTXVN)

Từ tham vọng ban đầu là thành lập một câu lạc bộ làm đối trọng với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), giới phân tích cho rằng BRICS ngày càng trở thành một công cụ để Bắc Kinh chinh phục thế giới.

Trung Quốc đã thay thế Mỹ để trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của Brazil.

Trong lúc Bắc Kinh đã có những bước tiến rất dài về mặt công nghệ cao thì “không chỉ Brazil, mà ngay cả nước Nga cũng bị thua kém trên mặt trận này,” như ghi nhận của chuyên gia Julien Marcilly, nhà kinh tế trưởng cơ quan bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Pháp-COFACE.

Hiện nay, GDP tính theo đầu người tại Ấn Độ mới chỉ bằng thu nhập bình quân ở Trung Quốc hồi đầu những năm 2000, còn Nam Phi là thành viên yếu nhất trong khối.

Theo đài RFI, quan hệ giữa các thành viên nhóm BRICS đã không cất cánh đúng như mong đợi trong lúc bản thân mỗi thành viên đều phải đối mặt với nhiều thách thức.

Vào đầu những năm 2000, khi nhóm BRIC được hình thành và trước khi kết nạp thêm Nam Phi, Trung Quốc còn là một “nền kinh tế đang trỗi dậy” như các đối tác còn lại.

[Tương lai nào chờ đón các nền kinh tế BRICS?]

Tuy nhiên, trong gần hai thập niên qua, Bắc Kinh đã từng bước phô trương tham vọng trở thành “trung tâm của thế giới,” thể hiện qua Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đến sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).

Thêm vào đó là sự cạnh tranh trực tiếp giữa hai người khổng lồ châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc tại Nam Á, trên bộ tại khu vực biên giới Ấn Độ với Pakistan hay trên biển trong vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Quan hệ tương đối tốt đẹp giữa Trung Quốc với Brazil hay Nga là giải pháp tình thế. Bốn thành viên còn lại trong nhóm BRICS nhận thấy rằng khối này không đủ sức mà cũng không đủ đoàn kết để kiến tạo lại một trật tự thế giới mới như tham vọng ban đầu.

Nếu có thể đạt được mục tiêu này trong một chừng mực nào đó, thì cũng chỉ là để thay thế những chuẩn mực đang bị phương Tây áp đặt bằng những chuẩn mực Bắc Kinh đề ra.

Vai trò của BRICS như một khối kinh tế

Với bất ổn gia tăng, liệu khối BRICS có thể thực hiện những kỳ vọng và dự đoán của chuyên gia kinh tế Jim O’Neill - người khởi xướng khái niệm BRICS - rằng tiềm lực kinh tế của các quốc gia trong liên kết này sẽ vượt xa các nước phát triển trong Nhóm G7 trong vòng 15 năm tới.

Với việc BRICS chiếm tới khoảng 1/4 GDP toàn cầu, tăng hơn 10 điểm phần trăm so với thời điểm cách đây gần 10 năm, tăng trưởng chung của cả khối đã mang lại tác động toàn cầu to lớn.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy đây là lần tiên trong khoảng hai thế kỷ, sự bất bình đẳng trong thu nhập toàn cầu nói chung - là một nhưng không phải là thước đo duy nhất về việc mất cân bằng kinh tế - dường như đang được giảm bớt.

Điều này đang được chèo lái bởi khối BRICS và các thị trường kinh tế đang nổi lên khác. Đặc biệt là tăng trưởng kinh tế tập thể và quy mô dân số rất lớn của Trung Quốc và Ấn Độ đã giúp một số lượng lớn người dân thoát khỏi nghèo đói.

Tuy nhiên, cũng trong cùng thời điểm, một yếu tố đối lập cũng xuất hiện: Sự mất cân bằng thu nhập gia tăng trong nội bộ nhiều quốc gia. Đây là yếu tố cũng phải gánh trách nhiệm về sự nổi lên rõ rệt của xu hướng chính trị gia tăng gần đây, xu hướng ủng hộ những người theo chủ nghĩa dân túy, ủng hộ các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa.

Chưa rõ liệu khối BRICS và sự phát triển của khu vực Nam bán cầu rộng lớn hơn đã có đủ động lực và xung lực để duy trì hướng lái một trật tự thế giới có tính cân bằng hơn được không?

Điều này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào những vấn đề tồn tại song song, đi liền với nhau. Đó là việc liệu các thị trường đang nổi lên nói chung có thể tiếp tục tăng trưởng “khỏe mạnh” hay không, đồng thời liệu xu hướng tiến tới sự bất bình đẳng thu nhập trong nội bộ các quốc gia có tiếp tục diễn ra hay không.

Đối với vấn đề đầu tiên, quỹ đạo của kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ tiếp tục dịch chuyển hướng tới khu vực Nam bán cầu, và đối với tương lai gần sắp tới, nhiều thị trường đang nổi lên có thể tiếp tục duy trì sức khỏe nền kinh tế của mình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng mạnh thời gian qua trong bối cảnh hiện nay có thể bắt đầu giảm sút.

Về vấn đề thứ hai, cũng không thể kết luận rằng sự bất bình đẳng thu nhập gia tăng trong nội bộ các nước sẽ tiếp tục tăng lên.

Những tranh cãi về chương trình nghị sự cải cách trong dài hạn nên được tiến hành như thế nào để giải quyết vấn đề này vẫn đang diễn ra giữa các bên đối lập chính trị ở nhiều nơi trên thế giới.

Một mặt vai trò của BRICS như một khối kinh tế đang ngày càng bị đặt dấu hỏi, mặt khác các nước này đã giúp chèo lái, định hướng giai đoạn đầu của xu hướng bền vững hướng tới sự bình đẳng thu nhập toàn cầu lớn hơn trong hai thế kỷ qua.

Mặc dù vậy, tiến trình “mong manh” này có thể dẫn tới kết quả không như mong đợi, đặc biệt là khi tăng trưởng tại Trung Quốc và Ấn Độ giảm tốc mạnh trong những năm 2020 tới đây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục