Đâu là trách nhiệm của hàng xóm trong vụ cháu bé 8 tuổi bị bạo hành?

Người dân vẫn chưa nắm rõ các quy định, chưa biết đến các đường dây nóng bảo vệ trẻ em và còn tâm lý ngần ngại, sợ bị trả thù nên khiến cho nhiều vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em không được tố giác.
Đâu là trách nhiệm của hàng xóm trong vụ cháu bé 8 tuổi bị bạo hành? ảnh 1Người dân thắp nến cầu nguyện cho linh hồn bé V.A sớm siêu thoát. (Nguồn: congan.com.vn)

Liên quan đến vụ việc bé N.T.V.A, sinh năm 2013, ở Thành phố Hồ Chí Minh nghi bị vợ sắp cưới của bố bạo hành dẫn đến tử vong, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho rằng đây là sự việc hết sức đau xót và đáng tiếc.

Nếu ngay từ đầu khi biết thông tin, người dân, hàng xóm tố cáo, tố giác tới cơ quan chức năng sớm thì sự việc đau lòng đã không xảy ra.

Chia sẻ quan điểm, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh mọi trẻ em đều được bảo vệ bằng pháp luật, mọi hành vi gây tổn hại cho trẻ đều bị các cơ quan thực thi pháp luật xử lý, can thiệp bất luận là chuyện dạy con hay dạy học trò.

Trong một xã hội văn minh, tiến bộ và pháp quyền mà chúng ta đang chung tay xây dựng, không thể tồn tại truyền thống hay phương pháp giáo dục, dạy dỗ trẻ em bằng roi vọt, bạo hành, xúc phạm.

Một khi sự tổn hại về thể chất, tinh thần của đứa trẻ xảy ra, một khi sức khỏe, tính mạng của con trẻ bị cướp mất một cách oan ức thì nêu lý do mục đích dạy dỗ chỉ là ngụy biện, thậm chí để trốn trách hình phạt pháp luật.

Mọi hành vi xâm hại trẻ em cho dù là nguy cơ hay hiện hữu thì không thể là "chuyện riêng" của bất kỳ bậc cha mẹ, gia đình nào. Luật Trẻ em 2016 quy định rất rõ Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền

Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em cũng quy định rất rõ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có trách nhiệm thông báo ngay cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoặc cơ quan lao động-thương binh và xã hội các cấp hoặc cơ quan công an các cấp hoặc Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc 

Theo ông Đặng Hoa Nam, từ vụ việc này cho thấy, người dân vẫn chưa nắm rõ các quy định của pháp luật, chưa biết đến các đường dây nóng bảo vệ trẻ em và còn tâm lý ngần ngại, sợ bị trả thù nên khiến cho nhiều vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em không được tố giác, dẫn đến hậu quả đau lòng. Việc cần làm là phải truyền thông cho người dân nhiều hơn nữa về các quy định của pháp luật và các nơi tiếp nhận, xử lý nguồn tin.

Ông Nam cho biết thêm người cung cấp thông tin được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Do đó thông tin, danh tính của người tố cáo, tố giác hành vi phạm tội sẽ được bảo mật hoàn toàn, người dân không lo sợ bị trả thù.

Nếu có một vụ việc nghi xâm hại, bạo hành trẻ em, cách đơn giản nhất là người dân gọi đến Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em - số điện thoại "111." Cơ quan này sẽ tiếp nhận và triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ trẻ em.

[TP.HCM: Khẩn trương điều tra vụ bé 8 tuổi tử vong nghi do bạo hành]

Trước đó, vào 18 giờ ngày 22/12, Bệnh viện Vinmec (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) tiếp nhận cháu N.T.V.A được cha ruột là N.K.T.T (sinh năm 1985, ngụ quận Bình Thạnh) đưa đến cấp cứu trong tình trạng hôn mê, ngưng tuần hoàn tim phổi và đã tử vong.

Sau khi nhận được tin báo, Công an quận Bình Thạnh đã khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Qua điều tra ban đầu, lực lượng chức năng xác định, anh T và Nguyễn Võ Quỳnh Trang có quan hệ tình cảm, sống chung như vợ chồng từ tháng 6/2020 ở khu chung cư Saigon Pearl (quận Bình Thạnh).

Vào khoảng 14 giờ ngày 22/12, Trang hướng dẫn cháu A học bài; cháu A chậm tiếp thu bài nên Trang lớn tiếng la mắng và dùng 1 cây gỗ đánh cháu.

Sau đó, Trang phát hiện cháu A bị nôn ói nên chạy đến đỡ cháu dậy, gọi điện thoại anh T về đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu nhưng cháu A đã tử vong sau đó.

Cơ quan chức năng xác định, cháu A tử vong do phù phổi cấp, cơ thể có nhiều vết thương bầm tụ máu.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối tượng Nguyễn Võ Quỳnh Trang (sinh năm 1995, ngụ quận Bình Thạnh) về hành vi hành hạ người khác.

Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đã tiếp nhận đơn tố cáo của mẹ bé A.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh được Hội chỉ định tư vấn, hỗ trợ gia đình cho đến khi kết thúc vụ án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục