Đấu thầu mua sắm thiết bị, thuốc: Nỗi lo lớn nhất của các bệnh viện

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho hay: “Hệ thống y tế đã trải qua những giây phút không thể nào quên. Những thành công đã được xã hội ghi nhận bằng nhiều hình thức và những sai lầm đã phải trả giá..."
Kiểm tra máy móc, thiết bị y tế. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Kiểm tra máy móc, thiết bị y tế. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV, ngày 1/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bình Định) cho rằng dịch COVID-19 để lại hậu quả nặng nề, nhất là ngành y tế, nhưng không thể vì một số vi phạm mà chúng ta để cả hệ thống tê liệt... Bởi lẽ, điều này sẽ để lại những hậu quả khó lường mà thiệt hại nhất là người dân.

Đã đến lúc "trở lại bình thường cũ"

Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho biết hiện cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ còn 10 bệnh nhân, con số này rất ít so với lúc đỉnh dịch lên tới 300 bệnh nhân. Các bệnh viện khác tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành hiện số lượng bệnh nhân đang điều trị còn rất ít. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do COVID-19 nhiều ngày nay gần như không có.

[Lập Tổ công tác hoàn thiện phân bổ vốn phát triển thuộc lĩnh vực y tế]

"Trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 31 vừa qua có khoảng 40.000 người xem trực tiếp tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, không nhiều người đeo khẩu trang. Tôi nghĩ rằng, hiện nay COVID-19 đang đi vào giai đoạn thoái trào," đại biểu Hiếu nhấn mạnh.

Theo ông, hiện nay Việt Nam vẫn chưa tuyên bố chính thức kết thúc bệnh COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo quy định, bệnh truyền nhiễm nhóm A thì bệnh nhân sẽ được khám, điều trị miễn phí. Khi chuyển bệnh COVID-19 sang nhóm B thì việc thanh toán, chi trả như các bệnh lý khác, có thể do bảo hiểm y tế hoặc người dân chi trả theo dịch vụ.

"Khi coi COVID-19 là một chuyên khoa không có nghĩa là chúng ta hạ thấp sự nguy hiểm của dịch bệnh này mà theo dõi thật sát và linh hoạt. Trong đó có 3 chỉ số cần theo dõi: Phát hiện thăm dò để phát hiện sớm các biến chủng mới; ghi nhận sự lây lan đột ngột của dịch bệnh trong cộng đồng; tình hình bệnh nhân chuyển nặng phải nhập viện. Những chỉ số này khi phát sinh những vấn đề cần lưu ý thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ chuyển trạng thái. Tức là chúng ta không ngồi chờ diễn biến của COVID-19 mà phản ứng linh hoạt," đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho hay.

Đấu thầu mua sắm thiết bị, thuốc: Nỗi lo lớn nhất của các bệnh viện ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Lân Hiếu phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ông Nguyễn Lân Hiếu cho rằng đã đến lúc phải "trở lại bình thường cũ" để hướng tới 2 mục tiêu: Thứ nhất là phục vụ cho lộ trình mở cửa phục hồi kinh tế thời kỳ hậu COVID; thứ 2 là tránh quá tải cho hệ thống y tế, các bệnh viện đủ sức để điều trị các bệnh lý thông thường và bệnh lý COVID-19.

Theo đại biểu, hiện nay cần phải khuyến cáo người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên. Những ai nhiễm COVID-19 thì nên ở nhà, có dấu hiệu chuyển nặng thì chuyển vào bệnh viện để điều trị. Các trường hợp nhẹ, không triệu chứng vẫn nên tránh tiếp xúc để tránh nguy cơ lây nhiễm cho nhóm có nguy cơ cao như: Người già, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai… Việc cách ly người bệnh không cực đoan như trước, bất cứ ai khi xét nghiệm nhanh âm tính thì có thể đi làm trở lại.

Loay hoay vì làm gì cũng "vướng"

Ông Hiếu cũng khẳng định dịch bệnh đã ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực, nhưng ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, để lại hậu quả nặng nề nhất chính là y tế.

Theo ông, hệ thống y tế đã trải qua những giây phút không thể nào quên: Những thành công đã được xã hội ghi nhận bằng nhiều hình thức. Những sai lầm đã phải trả giá. Vấn đề đặt ra là sau 'cơn bão" lớn việc phục hồi tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội như thế nào?

"Nếu các vị đại biểu Quốc hội có điều kiện thăm các bệnh viện tại địa phương mình thì có thể thấy rõ tình hình nguy hiểm. Rất nhiều nhân viên y tế, cán bộ bảo hiểm xã hội, cử tri, người bệnh đã gửi gắm những nỗi lòng của mình về những khó khăn hiện nay, tương lai của hệ thống y tế. Tìm được câu trả lời theo tôi không hề dễ dàng, vì những vướng mắc đã kéo dài nhiều nhiệm kỳ, ai cũng nhận ra nhưng ngày càng nhiều và phức tạp hơn," đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhấn mạnh hiện nay việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện công và tư. Ngay gần đây một vị đại biểu Quốc hội "than phiền" với ông về việc muốn mua một viên kháng sinh rất thông dụng nhưng không thể mua được.

Nhắc đến vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Hiếu cho rằng "đã ít, đã thiếu nay còn ít hơn" bởi mức không tăng mà còn xu hướng giảm theo thống kê từ các bệnh viện công; không đủ phương tiện, cơ sở vật chất để triển khai những kỹ thuật mới khiến các bác sỹ có giỏi đến đâu cũng khó có thể thực hiện.

Từ những bất cập, thực tế trên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Quốc hội cần rà soát, cho ý kiến chi tiết, cụ thể sớm hoàn thiện dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) trong kỳ này và thông qua vào Kỳ họp sau.

Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành các Nghị định, Thông tư then chốt nhằm tháo gỡ các vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế như: Quyết nghị giảm mức độ dịch COVID-19; Hướng dẫn quyết toán các chi phí chống dịch; Thống nhất thanh toán chi trả bảo hiểm y tế cho một số lĩnh vực cụ thể.

Đặc biệt, nhà nước cần có nguồn ngân sách cụ thể ghi trong gói hồi phục kinh tế cho y tế cơ sở; đầu tư vào kỹ thuật cao ở các bệnh viện chuyên ngành; chính sách đào tạo nâng cao chất lượng thu hút tài năng, nguồn nhân lực.

Với tư cách là một bác sỹ thường xuyên điều trị người bệnh, ông Hiếu mong các lãnh đạo cao cấp, các đại biểu Quốc hội hiểu những khó khăn ngành y tế đang gặp phải. Đó không chỉ là vật chất mà còn về tinh thần. Đại dịch COVID-19 vừa qua đã chứng minh khả năng vượt khó của ngành y tế Việt Nam.

Ông Hiếu bày tỏ: "Chính trong thời bình lại vô cùng hoang mang khi những biến cố dồn dập xảy ra. Những 'con sâu' đã lạc khỏi hệ thống nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi bởi đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh."

Do đó, ông Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh: "Chúng ta coi an sinh xã hội là mục đích để phấn đấu, y tế và giáo dục là trụ cột của an sinh xã hội nhưng 2 lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn. Sự ảnh hưởng không chỉ một vài năm mà qua hàng nhiều năm, nhiều thế hệ, để lại những hậu quả khó lường mà thiệt hại nhất là người dân"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục