Đầu tư cổ phiếu thị giá thấp, thời cơ đã ở phía sau?

Thị trường điều chỉnh khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ hoảng hốt, lo lắng về nguy cơ có thể sẽ bị kẹt lượng lớn cổ phiếu thị giá thấp.
Phiên giao dịch 27/3, trong bối cảnh thị trường đảo chiều, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng thay đổi tâm lý, thay vì lạc quan tranh mua thời điểm đầu giờ sáng là sự trở lại của tâm lý lo lắng, hoảng loạn, nguy cơ có thể bị kẹt khối lượng lớn cổ phiếu thị giá thấp trong các phiên sắp tới.

Hôm nay, thị trường chứng khoán chứng kiến một phiên điều chỉnh sâu sau một đợt tăng trưởng kéo dài (bắt đầu từ 12/3). Trên cả hai sàn chứng khoán, áp lực bán gia tăng mạnh mẽ vào đợt giao dịch buổi chiều khiến cả hai chỉ số cắm đầu lao dốc.

Tuy nhiên, quan sát diễn biến giao dịch tại các phiên gần đây, nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường đã có dấu hiệu điều chỉnh từ trước đó.

Cụ thể, trong hai phiên 25/3 và 26/3 khoảng cách tăng điểm của chỉ số VN30 đã rút ngắn hơn so với khoảng cách tăng của VN-Index. Điều này cho thấy, động lực chi phối đà tăng của thị trường trong các phiên này được bắt nguồn từ nhóm cổ phiếu thị giá thấp.

Và ngay cả trong phiên 27/3, trước áp lực bán tháo tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (tại rổ tính VN30 đã có tới 27/30 cổ phiếu bị đẩy bán dưới mức tham chiếu, trong đó có 12 mã giảm sàn) thì thị trường vẫn tồn tại một số mã thuộc nhóm cổ phiếu giá rẻ vẫn lội ngược dòng nước, duy trì mức tăng trần.

Nhà đầu tư Nguyễn Tuấn Anh (tại Hà Nội) khá lo lắng khi cho rằng, diễn biến thị trường trong phiên hôm nay quá nhanh và biến động mạnh lại vào phiên buổi chiều, nên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ như chúng tôi đã không kịp trở tay. Song nếu là những người đầu tư lâu năm trên thị trường thì ai cũng đều hiểu, khi làn sóng đầu cơ lan rộng, dòng tiền tranh mua đẩy giá tăng trần trên đồng loạt các nhóm cổ phiếu, kể cả các mã trong diện làm ăn thua lỗ phiếu thì việc thị trường điều chỉnh sâu và bất ngờ là sẽ xảy ra.

“Những nhà đầu tư tranh mua thành công các cổ phiếu thuộc nhóm thị giá thấp trong những phiên gần đây, nhiều khả năng sẽ gặp phải rủi ro khi ngày T+4 chứng khoán về đến tài khoản,” anh Tuấn Anh nói.

Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán IRS chỉ ra, thị trường đã tăng trưởng quá nóng trong thời gian qua, có những mã cổ phiếu đã tăng giá lên gấp 2 lần thậm chí là 3 lần và về cơ bản cũng đã đến thời điểm để thị trường điều chỉnh.

Mặc dù, thị trường vẫn chưa phát đi tín hiệu phân phối tại đỉnh, song qua các diễn biến giao dịch cho thấy mặt bằng giá các cổ phiếu blue-chip đang lình xình, bên cạnh đó nhóm cổ phiếu thị giá thấp lại bị chuyển sang bán tháo quá nhanh, vì vậy ông Việt cho rằng đà tăng trưởng của thị trường có khả năng sẽ chững lại.

“Về nhóm cổ phiếu dưới mệnh giá, bản thân mức giá đã phản ánh đủ tình trạng thực lực của doanh nghiệp rồi. Hơn nữa thời gian qua nhóm cổ phiếu này cũng đã được dòng tiền ‘nóng’ đẩy giá tăng chóng mặt, vậy nên theo tôi, đầu tư các cổ phiếu giá rẻ, thời cơ đã ở phía sau,” ông Việt khuyến cáo.

Ở một góc độ nhìn nhận khác, ông Nguyễn Tuấn, Trưởng phòng Đầu tư Công ty chứng khoán FLC lại đưa ra quan điểm lạc quan hơn, thị trường vẫn nằm trong xu thế tăng trưởng bền vững, bằng chứng cho thấy thanh khoản tại phiên điều chỉnh mạnh (27/3) vẫn giữ ở mức ổn định trên trăm triệu đơn vị mỗi sàn. Do đó, thị trường nghiêng về xu thế đầu cơ giảm giá nhiều hơn là phân phối.

“Việc các mã cổ phiếu thị giá thấp được cuốn tăng giá một mạch được xem như động thái tạo mặt bằng giá mới từ các nhà tạo lập thị trường. Quan sát diễn biến phiên này (27/3), chưa thấy tín hiệu dòng tiền rút ra, mà thực tế dòng tiền đang luân chuyển về dòng cổ phiếu dẫn dắt với cơ hội tích lũy ở vùng giá thấp hơn. Những phiên điều chỉnh này thường là cơ hội cho các nhà đầu tư lớn kiến thêm tiền,” ông Tuấn đưa ra nhận định./.


Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục