Đầu tư thủy lợi, nâng cao đời sống dân Tây Nguyên

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, bằng nhiều nguồn vốn, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng được trên 2.115 công trình thủy lợi.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng được trên 2.115 công trình thủy lợi.

Trong số các công trình thủy lợi trên có 1.035 hồ chứa, hơn 970 đập dâng, gần 110 trạm bơm… đảm bảo tưới cho gần 71% diện tích các loại cây trồng có nhu cầu tưới nước, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Phát triển thủy lợi ở Tây Nguyên đã làm thay đổi nhiều vùng đất hoang hóa thành đồng ruộng trù phú, điều hòa khí hậu, góp phần đưa diện tích gieo trồng toàn vùng tăng lên gần 1,9 triệu ha, trong đó diện tích lúa nước toàn vùng từ chỗ chỉ có vài ngàn ha/vụ nay tăng lên trên 231.390 ha/hai vụ. Nhờ đó, diện tích cây càphê cũng tăng lên trên 561.534ha, trong đó có trên 232.600ha được tưới nước chủ động từ các công trình thủy lợi, nước ngầm, công trình tạm.

Đặc biệt, ở những vùng chủ động được nguồn nước của các công trình thủy lợi, không những tăng lên 2 vụ/năm (Đông Xuân, Hè Thu) mà có nơi còn tăng lên 3 vụ (thêm Thu Đông), đưa năng suất cây trồng tăng gấp hai, gấp ba lần so với những khu vực không được chủ động nguồn nước tưới.

Cụ thể, ở những chân ruộng chủ động được nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi đã đưa năng suất lúa nước đạt từ 48 đến 50 tạ thóc/ha/vụ, lúa không tưới chỉ đạt 10 đến 15 tạ thóc/ha; càphê đạt từ 2,8 đến 4 tấn càphê nhân/ha, trong khi đó, càphê không tưới, hoặc tưới nước bấp bênh chỉ đạt 0,5 đến 0,8 tạ càphê nhân/ha/niên vụ…

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, hiện nay, phần lớn các công trình thủy lợi vừa và nhỏ ở Tây Nguyên đưa vào khai thác đã lâu nhưng chưa được tu bổ, sửa chữa nên đã hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo nguồn nước tưới theo thiết kế.

Nhiều công trình thủy lợi, nhất là các công trình ở vùng sâu, vùng xa, chưa được xây dựng kiên cố; trong khi đó, nguồn vốn bố trí dành cho việc tu sửa, nạo vét, phát dọn hàng năm không có, hoặc quá thấp dẫn đến tình trạng công trình thủy lợi nhanh xuống cấp, hư hỏng…

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên đầu tư nâng cấp và xây dựng mới gần 1.150 công trình thủy lợi; trong đó có gần 950 công trình được xây dựng mới (gồm gần 670 hồ, gần 250 đập dâng và hơn 30 trạm bơm) và nâng cấp gần 590 hồ, đập các loại nhằm đảm bảo trên 80% diện tích cây trồng các loại có nhu cầu nước được tưới nước ổn định./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục