Đầu tư trung tâm văn hóa ở nước ngoài: Cần cân nhắc về thời điểm thực hiện

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần cân nhắc về thời điểm, lộ trình đầu tư các trung tâm văn hóa ở nước ngoài bởi trong nước hiện nay vẫn còn nhiều công trình cần được đầu tư hoàn thiện.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cho rằng công nghiệp văn hóa là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế tri thức, góp phần quảng bá, bảo vệ và phát triển bản sắc dân tộc (thậm chí là “con gà đẻ trứng vàng” với nhiều nền kinh tế thế giới), song một số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh cần cân nhắc về thời điểm, lộ trình đầu tư các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài bởi trong nước vẫn còn nhiều công trình cần được xây dựng hoàn thiện.

Phải xác định rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư

Nêu ý kiến tại hội trường ngày 19/6, về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, đại biểu Lê Thị Song An (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An) cho rằng phát triển công nghiệp văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa của đất nước.

Ngày nay, công nghiệp văn hóa là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế tri thức, góp phần quảng bá, bảo vệ và phát triển bản sắc dân tộc. Thậm chí, công nghiệp văn hóa hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới.

Qua nghiên cứu, đại biểu Lê Thị Song An cho biết chương trình đặt mục tiêu: Đến năm 2030, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước; đến năm 2035, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước và có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%.

“Đây được xem là mục tiêu đầy triển vọng,” đại biểu Lê Thị Song An nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Lê Thị Song An, Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng nêu rõ quan điểm: Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân và xác định rõ 12 lĩnh vực được xếp vào ngành công nghiệp văn hóa.

“Tôi cho rằng chương trình cần phải xác định rõ trong 12 lĩnh vực này thì lĩnh vực nào cần phải tập trung đầu tư nguồn lực, lĩnh vực nào cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hóa để huy động được các nguồn lực thực hiện, tránh dàn trải, đầu tư không hiệu quả,” đại biểu Lê Thị Song An nói.

Về xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là việc đầu tư các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, đại biểu Lê Thị Song An cho biết hiện còn gặp nhiều khó khăn như: Việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cho người lao động tại các khu công nghiệp vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động.

Vì thế, để từng bước khắc phục “lỗ hổng” trong xây dựng thiết chế văn hóa, tạo sân chơi dành cho người lao động, đại biểu đề nghị cần bổ sung và quy định thật cụ thể cơ chế, chính sách trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, nhất là sự phối hợp giữa các cấp ngành và các doanh nghiệp trong việc đầu tư, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong khu công nghiệp.

Cần trách nhiệm với từng đồng tiền bỏ ra

Về việc xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu Lê Thị Song An cho rằng việc đầu tư này là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta về đẩy mạnh Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam, tuy nhiên cần cân nhắc kỹ việc đầu tư này thực hiện ở giai đoạn 2025-2035 là cần thiết chưa.

dai bieu song an.PNG
Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Lê Thị Song An (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Lý do theo đại biểu Lê Thị Song An là bởi trong nước hiện vẫn còn nhiều công trình cần được xây dựng hoàn thiện. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa này chỉ nên được thực hiện nếu thực sự đáp ứng nhu cầu, mong muốn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và đem lại lợi ích về quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

“Với sự phát triển công nghệ số như hiện nay thì chúng ta có thể tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua các nền tảng số sẽ mang lại hiệu quả hơn,” đại biểu Lê Thị Song An nêu quan điểm và nhấn mạnh rằng hiện nay khi quan tâm một số vấn đề như văn hóa, ẩm thực, du lịch, đa phần mọi người đều lên không gian mạng để tiềm kiếm thông tin trước.

Vì thế, đại biểu Lê Thị Song An đề nghị Chính phủ nên ưu tiên cho việc hoàn thiện các công trình thiết yếu trong nước nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, phát triển vững chắc ở nội tại của đất nước; và có lộ trình đầu tư các thiết chế văn hóa ở nước ngoài phù hợp, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của chương trình. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), chương trình đề xuất tổng mức đầu tư 256.000 tỷ đồng cho 3 giai đoạn, tương đương gần 11 tỷ USD.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, căn cứ xác định tổng mức đầu tư của chương trình không tương thích với 10 chương trình thành phần. Điều đại biểu Nguyễn Quang Huân băn khoăn là tổng mức đầu tư chương trình đưa ra để Quốc hội phê duyệt thiếu cơ sở thực tế, gây khó khăn cho điều hành Chính phủ sau này.

“Vì vậy, theo tôi cần rà soát lại 10 thành phần của chương trình để bao trùm hết mục tiêu và hướng đến giá trị cốt lõi. Sau đó khái toán chi phí từng năm bám sát với từng thành phần đó cho cả các hạng mục vật thể và phi vật thể rồi quy ra phần trăm GDP ước tính từng năm,” đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.

Có chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng phạm vi và quy mô chương trình này là rất lớn, với 10 nội dung thành phần và hàng trăm các hoạt động chi tiết.

Đại biểu Trịnh Xuân An cũng băn khoăn khi chưa rõ căn cứ vào vào đâu để xác định tổng mức đầu tư chương trình là 256.000 tỷ đồng.

“Chúng ta đang ở từng chi tiết nên cần đánh giá hết sức rõ, lĩnh vực nào cần được ưu tiên và quan tâm thực hiện. Với nguồn vốn lớn cần có trách nhiệm với từng đồng tiền bỏ ra,” đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Phát biểu làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định sẽ tiếp thu để “không tuyệt đối hóa” nhưng khi tổ chức thực hiện thì phải có xem xét và theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; cũng như chọn ra các lĩnh vực để tính toán, đảm bảo tính hài hòa tổng thể trong một mối tổng thể như Đảng ta xác định văn hóa phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền và Nhân dân là chủ thể sáng tạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục