Đẩy mạnh công tác bình đẳng giới từ những hoạt động “Vì em là con gái”

Theo một báo cáo gần đây Tổ chức Plan Việt Nam thống kê được, mỗi em gái được tạo điều kiện học tập thêm 1 năm tại trường, thu nhập của các em khi kiếm được công việc trong tương lai sẽ tăng thêm 10%.
Đẩy mạnh công tác bình đẳng giới từ những hoạt động “Vì em là con gái” ảnh 1(Ảnh minh học: Quân Trang/TTXVN)

Vào mùa hoa tam giác mạch tháng 11/2015, chúng tôi có dịp đến xã Cán Chu Phìn để dự Triển lãm “Em yêu cao nguyên đá.”

Đây cũng là dịp để các phóng viên tìm hiểu về việc chơi mà học của các em học sinh vùng cao, trong đó có những trẻ em gái đang độ tuổi đến trường nơi vùng cao nguyên đá Hà Giang.

Có thể nhận thấy, điểm chung của các hoạt động như “Trường học thân thiện, an toàn và bình đẳng,” “Thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em gái” được tổ chức ở đô thị lớn như Hà Nội, hay hoạt động “Vì em là con gái,” “Cùng em gái tới trường” tại những xã vùng cao, miền núi một số tỉnh, thành phố được Tổ chức Plan Việt Nam phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức thời gian qua đều là tập trung vào trẻ em gái đang tuổi đến trường.

Vì em là con gái

Lễ phát động chiến dịch “Vì em là con gái” được phát động vào ngày 11/10/2012, tại Hà Nội. Đây là hoạt động đúng một năm sau khi Liên hợp quốc công nhận ngày 11/10 là “Ngày trẻ em gái.”

Những năm qua, chiến dịch “Vì em là con gái” đã được thực hiện trên địa bàn 3 tỉnh là Hà Giang, Quảng Bình và Quảng Trị.

Bà Sharon Kane, Giám đốc quốc gia Tổ chức Plan Việt Nam cho biết, trong nhiều năm hoạt động tại Việt Nam, Tổ chức Plan International luôn đồng hành vì sự an toàn và phát triển của phụ nữ, trẻ em gái, tạo điều kiện để họ có cơ hội được phát triển toàn diện.

Với các dự án đa dạng đang được triển khai tại Việt Nam, Plan đã và đang gặt hái những thành công đáng khích lệ.

Theo bà Sharon Kane, việc giáo dục đầy đủ, toàn diện cho trẻ em gái sẽ làm giảm bớt tỷ lệ tảo hôn, cũng như tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh, an toàn cho mẹ và bé sau khi các em đã đủ tuổi kết hôn.

Theo một báo cáo gần đây Tổ chức Plan Việt Nam thống kê được, mỗi em gái được tạo điều kiện học tập thêm 1 năm tại trường, thu nhập của các em khi kiếm được công việc trong tương lai sẽ tăng thêm 10%. Giáo dục thật sự đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của các em.

Một ví dụ khác có thể kể tới là năm 2014, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội và Tổ chức Plan Việt Nam chính thức triển khai thực hiện dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng.”

Mục tiêu của dự án là “Học sinh nữ và học sinh nam từ 11-18 tuổi học tập tại 20 trường học ở Hà Nội được bảo vệ an toàn khỏi các hình thức bạo lực trên cơ sở giới tại trường học.

Đây là dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” đầu tiên ở Hà Nội có cách tiếp cận tổng thể và hệ thống để giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong môi trường học đường.

Không chỉ giáo dục học sinh về kiến thức và kỹ năng để phòng tránh và xử lý khi đối diện với bạo lực giới, dự án còn nâng cao năng lực cho Ban Giám hiệu và cán bộ giáo viên trong trường để tạo một môi trường thuận lợi cho việc hình thành, duy trì thái độ bình đẳng giới trong học sinh.

Dự án kêu gọi sự tham gia, ủng hộ của phụ huynh với các hoạt động nâng cao nhận thức dành riêng cho phụ huynh.

Song song với các can thiệp trong trường học, dự án cũng hướng tới xây dựng cộng đồng xã hội không khoan dung với bạo lực giới trong trường học, từ đó vận động xây dựng và triển khai các chính sách nhân rộng mô hình trong toàn hệ thống giáo dục trên địa bàn thành phố.

Sau hơn 2 năm triển khai, dự án đã góp phần thay đổi suy nghĩ và hành động của các em học sinh về vấn đề bạo lực giới tại học đường.

Cụ thể, tại 20 trường cấp 2 và cấp 3 thuộc 16 huyện ở Hà Nội, dự án đã thu hút sự tham gia của 16.138 bạn nữ và 14.176 bạn nam, cùng với hơn 1.800 giáo viên và 25.000 phụ huynh học sinh qua các hoạt động truyền thông.

Trong tương lai, Plan sẽ tiếp tục cố gắng phát huy những kết quả đã đạt được, và chúng tôi luôn cố gắng hành động vì một xã hội an toàn và bình đẳng hơn cho phụ nữ và trẻ em gái, bà Sharon Kane cho biết.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác bình đẳng giới

Trở lại Triển lãm ảnh “Em yêu cao nguyên đá” ở xã Cán Chu Phìn, có một bức ảnh được trưng bày ngay tại sân trường là ngôi trường Cán Chu Phìn hai tầng mái đỏ trong nắng sớm cao nguyên được chụp từ bên ngoài của em Ly Thị Và (18 tuổi).

Và không đến trường nhưng qua bức ảnh, em đã cho thấy sự khát khao thuở niên thiếu của mình: "Ngày nhỏ không có ai trông em bé nên em phải ở nhà. Thấy các bạn đi học em cũng thích nhưng không ai giúp bố mẹ trông em. Sau này các thầy cô giáo vận động đi học, em không đi vì ngại mình lớn quá. Em chụp bức ảnh này vì thấy trường học đẹp quá, em rất muốn các bạn nhỏ đều được đi học."

Ông Sùng Mí Chả, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cán Chu Phìn thì cho biết trước đây do nhiều gia đình còn khó khăn nên học sinh đang học phải về nhà giúp bố mẹ bẻ ngô, lấy củi.

Kể từ khi có Quyết định 36 của Chính phủ năm 2013 hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì hầu như cán bộ xã và giáo viên không phải vận động nhiều, các cháu đi học đều và tốt hơn trước.

Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng một số học sinh sau giờ học, ăn uống xong bỏ về nhà, đi chơi.... Việc thường xuyên tổ chức những hoạt động ngoại khóa, văn hóa, thể thao sẽ góp phần giữ các cháu ở lại trường để các cháu tập trung tốt hơn, vừa được chơi vừa là học.

Triển lãm ảnh mang tên “Em yêu cao nguyên đá” là một trong những hoạt động thuộc dự án “Hành động cùng trẻ em gái H'Mông,” phối hợp giữa Tổ chức Plan Việt Nam, Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSee), cùng toàn thể thầy cô giáo và các em học sinh trường Cán Chu Phìn.

Hoạt động này được triển khai trong 8 tháng từ tháng 6/2015 đến tháng 1/2016 với 34 em được lựa chọn tại xã Cán Chu Phìn, trong đó có cả những em chưa được đến trường.

Tuy thời gian không nhiều nhưng triển lãm ảnh đã mang đến cho các em cơ hội được bày tỏ mong ước và suy nghĩ của mình, đồng thời tạo thêm cơ hội để các em tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Nhiều em dù lần đầu tiên cầm trên tay máy ảnh nhưng qua những buổi tập huấn cùng sự hướng dẫn của các tình nguyện viên, các em đã tự tin "tác nghiệp," cho ra đời những bức ảnh đẹp về gia đình, bạn bè và những khoảnh khắc cuộc sống xung quanh mình.

Qua triển lãm, thông điệp hay câu chuyện nhỏ đều được các em gửi gắm qua những bức hình đến xã hội và cộng đồng. Quan trọng hơn cả, các em đã biết đặt niềm tin vào bản thân, tin rằng nếu được hướng dẫn, các em sẽ tự mình làm được tất cả.

Với những kết quả đạt được, bà Sharon Kane cho biết, đẩy mạnh công tác bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Plan, tuy nhiên, hiện tại Plan đang tiếp tục thu thập các số liệu cụ thể và toàn diện hơn hướng đến mục tiêu phát triển vững bền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Hiện nay trên toàn thế giới, chính phủ hay các nhà lãnh đạo, người làm chính sách vẫn chưa thống kê được đầy đủ các số liệu cần thiết từ hàng triệu trẻ em gái.

Vì vậy, trong thời gian tới, Plan Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để tìm hiểu nhu cầu, phát huy các kết quả khả quan đã đạt được vì một xã hội an toàn, bình đẳng hơn cho phụ nữ và trẻ em gái...

Tổ chức Plan cũng sẽ đồng hành với các nhà lãnh đạo, tổ chức phát triển quốc tế và địa phương trong việc triển khai các dự án để có một bức tranh đầy đủ và toàn diện về cuộc sống cũng như nhu cầu của các em gái tại Việt Nam, từ đó lồng ghép các hoạt động dự án một cách thiết thực và hiệu quả nhất, Giám đốc quốc gia Tổ chức Plan Việt Nam cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục