Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu

Hơn 10.000 lượt doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ chương trình này với hàng trăm hợp đồng xuất khẩu và hợp tác được ký trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến, với tổng giá trị đạt trên 125 triệu USD…

Thông quan xuất khẩu hàng hóa tại Cảng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Thông quan xuất khẩu hàng hóa tại Cảng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong năm 2024 sẽ có nhiều triển lãm thương mại quốc tế về các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam; Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu và Hội chợ quốc tế chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp lần đầu tiên được tổ chức, đồng thời, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối nhà cung cấp địa phương với các doanh nghiệp xuất khẩu và quảng bá các sự kiện xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài…

Đó là thông tin đưa ra tại Hội nghị giao ban Xúc tiến Thương mại đầu tiên của năm 2024 với chủ đề “Đẩy mạnh công tác Xúc tiến Thương mại phát triển thị trường năm 2024” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 31/1, tại Hà Nội.

Sáng tạo trong công tác phát triển thị trường

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2023 vừa qua, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội đã triển khai tổ chức hàng nghìn sự kiện xúc tiến thương mại ở trong nước và nước ngoài, tiêu biểu là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, đã triển khai thực hiện 121 đề án - trong đó có hơn 80 đề án tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương theo định hướng đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, các thị trường mới, thị trường tiềm năng, quảng bá năng lực xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế…

Cũng theo Bộ Công Thương đã có hơn 10.000 lượt doanh nghiệp tham gia hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình này với hàng trăm hợp đồng, đơn đặt hàng xuất khẩu và hợp tác được ký trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại với tổng giá trị đạt trên 125 triệu USD… Nhờ đó, đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao vai trò của hoạt động xúc tiến thương mại cũng như hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đóng góp vào thành công của hoạt động thương mại quốc tế thời gian qua và cho rằng, những kết quả trong việc tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tận dụng tốt các cơ hội từ FTA trong năm 2023 là tiền đề cho sự phát triển ngoại trương trong năm 2024 - năm bứt phá trong việc thưc hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Theo dự báo, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, triển vọng tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư không đồng đều, rủi ro gia tăng. Vì vậy, để tăng trưởng xuất khẩu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2024, có vai trò quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại và sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng dành cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, trong năm 2024, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Nghị quyết 11/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt phương châm hành động năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo và hiệu quả bền vững,” Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp chủ động sáng tạo trong công tác phát triển thị trường cho sản phẩm địa phương, ngành hàng, phối hợp sát sao với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác đa dạng các thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu phục vụ phát triển sản xuất…

IMG_4168.jpg
Bộ Công Thương tổ chức giao ban Xúc tiến Thương mai tháng 1. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ, trong thành tích chung của hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm của năm 2023 tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ: Công Thương-Nông nghiệp cũng như các đơn vị liên quan, cơ quan Thương vụ để kết nối doanh nghiệp khai thác hiệu quả các thị trường mà Việt Nam có các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như các thị trường mới.

Về kế hoạch của năm 2024, ông Lê Thanh Hòa cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh ngay từ tháng đầu tiên các chương trình xúc tiến thương mại vào thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… cũng cần đẩy mạnh vào các thị trường khác như: Trung Đông-châu Phi, Arập Xêút đầy tiềm năng…

“Mỗi năm, Cục Xúc tiến Thương mại hỗ trợ trực tiếp cho khoảng 20 doanh nghiệp chế biến, sản xuất nông sản để giới thiệu các mặt hàng, thông qua xúc tiến đưa vào thị trường Trung Đông, châu Phi… về phía Bộ Nông nghiệp sẽ cố gắng trong năm nay đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản vào thị trường này…,” ông Lê Thành Hòa nói.

Linh hoạt các biện pháp xúc tiến thương mại

Theo đánh giá của Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải thực sự chủ động nắm bắt thông tin, am hiểu thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại là một trong những cách thức hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường trực tiếp nhất.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại thông tin, sẽ có nhiều triển lãm thương mại quốc tế về các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng như các triển lãm, hội chợ quốc tế chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp lần đầu tiên được tổ chức trong năm 2024.

Hoa Sen Group_xuat khau (1).jpg
Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã đáp ứng các thị trường khó tính. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Lãnh đạo Cục Xúc tiến Thương mại đề nghị các Thương vụ hỗ trợ Cục cũng như các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài, quảng bá và mời khách hàng nước ngoài đến tham dự và giao thương với các doanh nghiệp Việt Nam tại các sự kiện của Việt Nam tại nước ngoài và sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế tại Việt Nam, đồng thời lựa chọn các sự kiện xúc tiến thương mại có uy tín tại nước ngoài, phù hợp với năng lực tham gia của doanh nghiệp Việt Nam để giới thiệu cho Cục Xúc tiến Thương mại, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nghiên cứu tham gia…

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết trong năm 2024 sẽ tập trung vào ba định hướng lớn trong hoạt động Xúc tiến Thương mại, trong đó tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do, tập trung vào công tác Chuyển đổi Số phải gắn với chuyển đổi Xanh trong xúc tiến thương mại một cách tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, tầm quốc gia và quốc tế, tương xứng vị thế và hình ảnh quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh, trên các thị trường xuất khẩu chủ lực; Tiếp tục tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế nhằm đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục