Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người.
Nguyên nhân biến đổi khí hậu là khi khí nhà kính bao phủ Trái Đất, chúng sẽ giữ lại nhiệt của mặt trời. Hiện tượng này dẫn đến tình trạng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21 bởi biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người.
Là một trong những quốc gia bị tác động của biến đổi khí hậu lớn nhất trên thế giới, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với tác động không mong muốn từ hiện tượng này như: gia tăng tần suất mưa to, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), tất cả 197 quốc gia tham gia đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow với cam kết “tăng tốc các nỗ lực hướng tới giảm thiểu điện than và loại bỏ trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch có hiệu suất kém.”
Việt Nam đã đưa ra mục tiêu cam kết giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào 2050.
Sau cam kết của Việt Nam tại COP26, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP (Nghị định số 06) ngày 07/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
Tiếp theo đó, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 ban hành danh mục 1.912 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê.
Kiểm kê khí nhà kính là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới nhưng đã và đang được triển khai mạnh mẽ, nhận được sự quan tâm chung từ hệ thống các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm kê khí nhà kính cũng được triển khai thời gian qua. Việc kết hợp hai hệ thống bằng cách tích hợp hệ số phát thải và công thức tính toán phát thải trong kiểm kê khí nhà kính vào hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch, chính xác qua đó giúp nâng cao khả năng kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Một ví dụ được Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia đưa ra trong việc kết hợp truy xuất nguồn gốc hỗ trợ kiểm kê khí nhà kính là tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp, đơn vị được thành lập năm 1991, có hơn 30 năm hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu càphê, là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu mặt hàng nông sản, thuộc Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia đã hợp tác với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử sản phẩm càphê tích hợp tính toán phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp.
Hệ thống này giúp xác định nguồn gốc nguyên liệu, các nhà cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…; quá trình sản xuất từ khâu chăm sóc, chế biến tạo ra các sản phẩm hạt cà phê được hệ thống truy xuất lưu trữ như chế độ tưới, làm cành, thu hoạch, vận chuyển, sấy); kiểm soát chất lượng; tính toán được lượng CO2 phát thải cho 1 kg sản phẩm và tổng lượng phát thải trong phạm vi sản xuất.
Kết quả cho thấy giải pháp tích hợp kiểm kê khí nhà kính vào hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp cùng lúc giải quyết hai vấn đề về minh bạch chuỗi cung ứng và kiểm soát lượng phát thải khí nhà kính vào khí quyển.
Đặc biệt, kết quả này có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khi mà các nước phát triển trên thế giới yêu cầu ngày càng cao về nguồn gốc sản phẩm và sản phẩm “xanh.”
Trong tương lai, doanh nghiệp có thể tích hợp kiểm kê khí nhà kính, truy xuất nguồn gốc cùng với các giải pháp chuyển đổi số để đưa ra được bộ số liệu, biểu đồ phân tích về phát thải khí nhà kính trong từng công đoạn, dự đoán được xu hướng và đưa ra các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho quá trình tạo ra sản phẩm của doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và hội nhập.
Cũng theo Tiến sỹ Hà Minh Hiệp, quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, để đảm bảo tính chính xác, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế của các báo cáo kiểm kê khí nhà kính, các phương pháp kiểm kê khí nhà kính phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời, chuẩn hóa năng lực đội ngũ chuyên gia kiểm kê, chuyên gia thẩm tra, thẩm định khí nhà kính.
Ông Hà Minh Hiệp cho biết Ủy ban cũng thực hiện xây dựng, soát xét gần 20 tiêu chuẩn liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon, công cụ tín dụng xanh…
Các tiêu chuẩn này sẽ giúp nâng cao uy tín và hài hòa các thông lệ quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam, việc sử dụng tiêu chuẩn này nhằm loại bỏ sự nhầm lẫn, cải thiện niềm tin vào thị trường, dẫn đến tăng đầu tư và cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, cũng như lợi ích với môi trường./.
Tham dự COP28: Việt Nam quyết tâm thúc đẩy giảm mạnh phát thải khí nhà kính
Theo Cục Biến đổi khí hậu, tham gia COP28, Việt Nam sẽ đưa ra tiếng nói mạnh mẽ về các vấn đề có liên quan đến thực hiện cam kết, chuyển đổi năng lượng, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.