Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực vào 3 thị trường lớn

Trong những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào 3 thị trường lớn gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực vào 3 thị trường lớn ảnh 1Gạo là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng trong 6 tháng đầu năm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dù trong 2 năm trở lại đây Hoa Kỳ luôn là thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam nhất thì trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ vươn lên vị trí dẫn đầu.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm của 4/9 mặt hàng tăng mạnh về giá trị là rau quả (1,2 tỷ USD, tăng 80,2%), gạo (364 triệu USD, tăng 79,2%), hạt điều (198,8 triệu USD, trên 50,9%) và chè (4,2 triệu USD, tăng 58,7%).

Việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa hạn chế lây lan dịch COVID-19 đã giải phóng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Dự báo từ nay tới cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ khi một số nhóm hàng như rau quả, gạo, điều vẫn có thể duy trì tăng trưởng, các mặt hàng suy giảm mạnh trong 6 tháng đâu năm như gỗ, thủy sản, sắn có thể phục hồi nhẹ trong 3 tháng cuối năm.

Trái ngược với triển vọng tăng trưởng của thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,9 tỷ USD, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ có 1 mặt hàng càphê tăng trưởng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm (đạt 145,2 triệu USD, tăng 16%), còn lại 9 mặt hàng đều suy giảm, giảm mạnh nhất là cao su (9,5 triệu USD, giảm 60,1%), thủy sản (562,5 triệu USD, giảm 48,3%), gỗ (2,6 tỷ USD, giảm 35,6%), hạt tiêu (83,9 triệu USD, giảm 34,2%), chè (2,7 triệu USD, giảm 39,8%).

Đối với Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2022. Cả 3 mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất vào thị trường đều  suy giảm giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm bao gồm:  Gỗ (677 triệu USD, giảm 0,2%), thủy sản (580,2 triệu USD, giảm 9,2%) và cà phê (128,5 triệu USD, giảm 3%). Một số mặt hàng tăng trưởng là rau quả (5,3%), hạt điều (15,4%), sắn và sản phẩm sắn tăng mạnh (947,4%).

EU cũng là thị trường có kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 giảm, với 2,1 tỷ USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ. EU đối mặt với khủng hoảng năng lượng và cơn sốt giá thực phẩm dẫn đến suỵ thoái kinh tế, cắt giảm tiêu thụ thực phẩm tại nhiều nước.

Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực vào 3 thị trường lớn ảnh 2Nhờ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, sầu riêng dự báo sẽ là loại quả đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ USD trong năm 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giống thị trường Trung Quốc, ASEAN là thị trường tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản trong 6 tháng đầu năm, ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Indonesia tăng trưởng vượt bậc (300,3%) nhờ xuất khầu gạo (tăng 1.519,3%), cà phê (tăng 185,5%). Philippines tăng trưởng 14,4% (chủ yếu là gạo tăng 31,1%), Singapore tăng 4,8%.

Trong những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung triển khai các hoạt động nhằm thúc đây xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực vào 3 thị trường lớn gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát, tham mưu nội dung để triển khai các kết quả của chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị diễn đàn kinh tế thế giới của Thủ tướng Chính phủ (tập trung rà soát các vấn đề về mở cửa thị trường xuất khẩu, kế hoạch mở cửa thị trường cho các sản phẩm tiềm năng và tiến độ phát triển thị trường cho các sản phẩm đã được mở cửa thời gian qua; vấn đề xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới...); tổ chức Hội thảo “Giải pháp xây dựng và bảo vệ thương hiệu trái sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc”, hội thảo “Hình thành chuỗi logistic nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.”

Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực vào 3 thị trường lớn ảnh 3Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Cục Hải quan Nam Ninh tại Quảng Tây. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, tập trung vào xúc tiến ký Bản ghi nhớ hợp tác trong phát triên nông nghiệp và giao thương nông lâm thủy sản giữa Việt Nam với tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam vào tháng 9/2023; thúc đẩỵ kỹ thuật để sớm ký kết Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra đối với sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc...

Đối với thị trường Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua hệ thống tham tán nông nghiệp, tham tán thương mại để kết nối giao thương với các doanh nghiệp logistic, đầu mối phân phối nông sản tại thị trường Hoa Kỳ với các địa phương, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước; tổ chức “Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, chế biến, xuấu khẩu tôm nước lợ” vào ngày 21/7/2023; thông qua các Hiệp hội của Hoa Kỳ để tìm kiếm các tiểu bang có nhập khẩu nhiều nông sản Việt để tổ chức làm việc, trao đổi, kết nối xúc tiến sản phẩm nông sản vào thị trường Hoa Kỳ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm trái cây bên lề các sự kiện kỷ niêm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản và Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản vào tháng 12/2023./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục