Đề án Ngoại ngữ 2020: Quá nhiều bất cập trong triển khai

Các địa phương kêu kinh phí ít nhưng lại sử dụng kinh phí chưa hợp lý, thiếu kế hoạch rõ ràng, trình độ giáo viên hạn chế và có bồi dưỡng nhưng cũng không cải thiện được bao nhiêu... 

Kêu kinh phí ít nhưng lại sử dụng chưa hợp lý, trình độ giáo viên hạn chế và có bồi dưỡng nhưng cũng không cải thiện được bao nhiêu. Trong khi đó các tỉnh lại chậm chạp trong việc lên kế hoạch triển khai các hoạt động của mình và nếu có kế hoạch thì cũng hời hợt, chưa có sự phê duyệt của chính quyền địa phương...

Hàng loạt những vấn đề trên đã được đưa ra tại Hội nghị giao ban công tác triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 khối các địa phương do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 15/4, tại Hà Nội.

Nan giải giáo viên

Trình độ giáo viên dưới chuẩn, không đáp ứng được yêu cầu luôn là vấn đề nhức nhối và là thách thức lớn nhất khi triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Vấn đề này càng nan giải hơn đối với các tỉnh vùng khó.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn cho biết, khi thực hiện Đề án, kiểm tra trình độ giáo viên ngoại ngữ thì toàn tỉnh không có một giáo viên nào đạt chuẩn.

Để khắc phục, Bắc Kạn đã triển khai nhiều cách thức bồi dưỡng như tự bồi dưỡng, bồi dưỡng theo chương trình tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết hợp với Trung tâm Ngoại ngữ của Đại học Thái Nguyên tổ chức lớp học nâng cao trình độ cho giáo viên...

“Chúng tôi đã cố gắng nhưng trình độ giáo viên quá thấp nên hiệu quả không cao. Việc bồi dưỡng lại chỉ diễn ra trong hai tháng Hè. Sau các khóa đào tạo cũng chỉ có 15 giáo viên đạt chuẩn theo quy định. Đội ngũ giáo viên như thế nên rất khó triển khai Đề án. Đặc biệt, chương trình dạy ngoại ngữ 10 năm [dạy tiếng Anh từ lớp 3-PV] chưa thực hiện được vì không đủ điều kiện về giáo viên,” vị đại diện này cho biết.

Cùng vấn đề này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng cho biết, tỉnh này phải huy động giáo viên trung học phổ thông xuống dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học. Ngay ở một tỉnh miền xuôi và có điều kiện thuận lợi hơn như Hải Dương cũng chỉ có 26% giáo viên tiểu học đạt chuẩn. “Chúng tôi đã bồi dưỡng nhưng sau khóa đào tạo chỉ có 37% giáo viên nâng bậc được trình độ,” đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương chia sẻ.

Bất cập chi tiêu

Trình độ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu nên việc tất yếu là phải bồi dưỡng nâng cao trình độ, nhưng theo các đại biểu, việc bồi dưỡng gặp khó vì thiếu tiền.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng cho biết năm nay, tỉnh này được cấp kinh phí là 2,2 tỷ đồng, trong đó chi cho việc xây dựng 3 mô hình trường điển hình đã hết trên 1 tỷ đồng. “Số còn lại rất hạn hẹp. Cần bồi dưỡng giáo viên nhưng còn khó về kinh phí, đầu tư trang thiết bị cũng khó khăn,” vị đại diện này than thở.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên Bùi Đức Cường cũng bày tỏ lo lắng về nguồn kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. “Năm nay chúng tôi được cấp 1,9 tỷ đồng nhưng có rất nhiều việc phải làm,” ông Cường phân trần.

Trong khi đó, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương lại cho rằng nguồn kinh phí cho đào tạo giáo viên là dư thừa. “Bồi dưỡng ở trong nước thì chỉ tốn tiền đi lại nên chi phí không nhiều. Năm ngoái Hải Dương được cấp 1,5 tỷ đồng, không sử dụng hết, chúng tôi bố trí cho giáo viên đi bồi dưỡng ở nước ngoài. Năm nay chúng tôi được phân bổ 950 triệu đồng, chắc cũng không dùng hết,” đại diện của Hải Dương bày tỏ.

Trước than vãn của các sở, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, kinh phí không chỉ lấy từ chương trình mục tiêu mà còn huy động từ nhiều nguồn, cả trong và ngoài ngân sách, và các địa phương cần linh hoạt để thực hiện. “Ai cũng kêu thiếu tiền, vấn đề là ít kinh phí nhưng phải sử dụng hiệu quả,” ông Hiển nói.

Yêu cầu của Thứ trưởng Hiển không phải là không có cơ sở khi thực tế báo cáo cho thấy, việc sử dụng ngân sách của nhiều trường đại học, cao đẳng tại các địa phương chưa hợp lý, cơ cấu phân bổ kinh phí cho các nhiệm vụ không  phù hợp, đầu tư mua sắm thiết bị quá nhiều dẫn đến không còn kinh phí triển khai nhiệm vụ khác. Cụ thể, được phân bổ mỗi trường 2 tỷ đồng nhưng trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh mua thiết bị tới 1 tỷ đồng, Cao đẳng Sư phạm Điện Biên mua hết 1,4 tỷ đồng, Cao đẳng Sư phạm  Thừa Thiên Huế mua thiết bị đến 1,5 tỷ đồng; Đại học Quảng Bình mua hết 1,17 tỷ đồng...

Một số trường lại quá chú trọng bồi dưỡng giáo viên ở nước ngoài so với bồi dưỡng ở trong nước và các nhiệm vụ khác, ví dụ Đại học Tiền Giang dành tới 900 triệu trên tổng số 2 tỷ đồng kinh phí được rót để cho giáo viên đi bồi dưỡng ở nước ngoài. Đó là chưa kể một số trường đề ra kế hoạch thực hiện rất chung chung, không có mục tiêu cụ thể.

Bên cạnh đó, việc lên kế hoạch và báo cáo về Bộ cũng được các trường địa phương, các sở giáo dục thực hiện chập chạp. Dù đã là giữa tháng Tư nhưng nhiều địa phương vẫn chưa nộp kế hoạch triển khai các hoạt động liên quan trong năm 2014 cho Bộ. Cụ thể, chỉ có 40 tỉnh nộp bản kế hoạch, nhưng trong số này rất nhiều bản kế hoạch chưa đầy đủ, thiếu thông tin và chỉ có 7 trên tổng số 63 tỉnh thành có kế hoạch được lãnh đạo địa phương phê duyệt. Đối với khối các trường đại học, cao đẳng địa phương cũng mới có 19 trên tổng số 31 trường nộp kế hoạch.

“Đến nay mới chỉ có 43/63 sở giáo dục và đào tạo, 19/31 trường gửi kế hoạch thực hiện năm 2014 về Bộ thì làm sao triển khai đề án hiệu quả được, tiến độ quá chậm chạp,” Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lo lắng nói.

Có thể thấy, việc triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020 vẫn còn quá nhiều bất cập và dường như vẫn chưa được các trường, các địa phương coi trọng đúng tầm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục