Đề cử Di sản thế giới - không việc gì phải ầm ĩ

Những thông tin không đầy đủ làm “nhiễu” dư luận, khiến nhiều người lúng túng khi đánh giá về “hành trình di sản thế giới” của VN.
 
Việc lập hồ sơ các di sản của Việt Nam đệ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới trước hết là một hoạt động khoa học được quy định trong Luật Di sản văn hóa nhằm khẳng định giá trị của di sản và vinh danh di sản theo các tiêu chí khoa học mà UNESCO đề ra; qua đó góp phần bảo tồn và phát huy di sản (trong đó có việc rất quan trọng là xây dựng ý thức của cộng đồng).

Tuy nhiên, việc đưa ra những thông tin không đầy đủ lại làm “nhiễu” dư luận, khiến cho nhiều người đi từ thái cực này sang thái cực khác khi đánh giá về “hành trình di sản thế giới” của Việt Nam

Khách quan, khoa học khác với thói háo danh

Vì đây là hoạt động khoa học cho nên không phải cứ muốn là được, càng không phải là chuyện nôn nóng hay “háo danh”. Dĩ nhiên đây đó cũng có biểu hiện gọi là “hội chứng di sản” như nhiều người kêu, hoặc là “đánh trống ghi tên” như cách nói của Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia cách đây ít lâu.

Tuy nhiên, đó chỉ là những biểu hiện bề ngoài, cá biệt có tính tất yếu khi những hiểu biết về tiêu chí, quy trình đề cử Di sản thế giới còn hạn chế. Nhưng thiết nghĩ việc cần phải làm là tuyên truyền để cho “mọi người, mọi nhà” đều hiểu được, chứ không phải là châm biếm, giễu cợt.

Trước khi Hà Nội chính thức xin lập hồ sơ đề cử Lễ hội Gióng là di sản thế giới (mà tới nay Chính phủ đã đồng ý), phóng viên đã trò chuyện với một chuyên gia hàng đầu về di sản - là người rất ủng hộ ý tưởng này.

Hôm đó, phóng viên đã nhanh nhảu “phản biện” rằng Lễ hội Gióng quý thì quý thật nhưng khó có thể chứng minh là “tuyệt vời nhất thế giới”.

Không ngờ vị chuyên gia này mỉm cười và nói đại ý rằng phóng viên chỉ biết một mà không biết hai. Quả thật, khác với danh hiệu “Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” trước đây nhấn mạnh vào tiêu chí phải là “kiệt tác”, “nổi bật toàn cầu”, thì cả 2 danh hiệu mới mà UNESCO đưa ra thay thế là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” và “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” đều không yêu cầu di sản phải “tuyệt vời nhất thế giới”, mà chỉ cần “là đại diện của một cộng đồng người, làm nên bản sắc, giá trị của cộng đồng đó” hoặc đang có nguy cơ biến mất là đủ.

Rõ ràng UNESCO thông qua việc đưa ra 2 danh hiệu này, đã chú trọng nhiều hơn đến việc nâng cao ý thức của mỗi cộng đồng đối với di sản của mình, để có ngay những biện pháp bảo vệ, chứ không đặt vấn đề “so tài” hay “đem chuông đi đấm nước người” như cách nghĩ của nhiều người. Và nữa, UNESCO cũng không hạn chế số lượng di sản phi vật thể được đề cử của mỗi quốc gia hàng năm như trước đây (cứ làm xong hồ sơ và hoàn chỉnh các thủ tục quy định là có thể đệ trình).

Nói tóm lại, với sự thay đổi tiêu chí cùng quy trình đề cử như trên thì việc các quốc gia đẩy mạnh hoạt động lập hồ sơ đề cử di sản phi vật thể là cần thiết và nên coi đó là hoạt động... bình thường, không có gì phải ầm ĩ cả. Ấy là chưa kể các di sản phi vật thể của chúng ta, theo quy định của Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua thì đều được “kiểm kê”, rồi chọn lọc để lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận trong phạm vi quốc gia, rồi đề cử quốc tế.

Hiểu như thế thì ai cũng sẽ thấy rằng việc đề cử di sản phi vật thể lên UNESCO là việc cần phải tiến hành một cách quy mô, bài bản và dĩ nhiên là phải “cập nhật” theo các tiêu chí khoa học mà UNESCO đưa ra, không “huếnh” lên một cách không cần thiết kiểu “mẹ hát con khen hay”, cũng không nghi ngại cho rằng mọi nỗ lực đều là “háo danh”.

Có tới 1/3 đề cử trong danh sách đại diện đã bị loại

Gần đây dư luận cũng băn khoăn về việc có những thông tin “huếnh” lên về tiến trình đề cử di sản của quan họ, ca trù của Việt Nam. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch) - người phụ trách về công tác quản lý di sản văn hóa phi vật thể đồng thời là người đại diện cho Việt Nam trong Ủy ban Liên chính phủ của UNESCO sẽ tham gia kỳ họp của UNESCO quyết định các di sản của nhân loại sẽ được công nhận năm 2009 (trong đó có ca trù và quan họ của Việt Nam) từ 29/9- 2/10 tại Abu Dhabi, UAE.

Vừa qua có thông tin cho rằng, việc quan họ và ca trù đều vượt vòng 2 - thẩm định về mặt chuyên môn - thực ra không phải là vượt qua một “cửa ải” gì ghê gớm cả. Và họ dẫn chứng cả 111 hồ sơ đề cử di sản đại diện (trong đó có quan họ của Việt Nam) đều lọt qua như một sự “nghiễm nhiên”?

Quy trình đánh giá các hồ sơ di sản đề cử có ba bước, mỗi bước đều có yêu cầu riêng và đều quan trọng, phải qua bước này rồi mới đến bước khác.

Bước 1 do Ban Thư ký UNESCO xem xét, bước 2 thẩm định chuyên môn có Ban tư vấn của Ủy ban (đối với danh sách đại diện) và chuyên gia của các tổ chức khoa học phi chính phủ của quốc tế (đối với danh sách đại diện) được mời đánh giá độc lập; Ủy ban Liên chính phủ gồm đại diện của 24 nước sẽ có quyết định cuối cùng và công bố danh sách ở bước thứ 3. Có gần 1/3 số hồ sơ đề cử của danh sách đại diện không được vào xem xét ở bước cuối cùng này.

Là người sẽ tham gia kỳ họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 sắp tới, xin bà cho biết cơ sở nào để đưa ra quyết định? Có liên quan đến những nhận định của các chuyên gia từ vòng 2 hay không?

Ý kiến của các chuyên gia nhằm tư vấn cho Ủy ban. Thành viên Ủy ban được nhận tất cả các bản đánh giá cho từng hồ sơ cùng với báo cáo tổng hợp. Đoàn chúng tôi (bao gồm đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và một số chuyên gia) sẽ nghiên cứu kỹ các tài liệu chuyên môn này để đưa ra quyết định với trách nhiệm về khoa học và về hợp tác quốc tế tại kỳ họp nói trên.

Xin cảm ơn bà.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục