Để hàng Việt đứng vững trên thị trường nội địa

Các doanh nghiệp trong nước đang hướng tới mục tiêu là làm thế nào để hàng nội có giá rẻ, chất lượng tốt, đứng vững trên thị trường nội địa.
Thị trường vừa có sức hấp dẫn và cũng vừa tôn trọng sự chọn lựa của người tiêu dùng, bất cứ người tiêu dùng nào cũng có quyền từ chối một sản phẩm mình không vừa ý.

Điều đó đặt trên vai các nhà sản xuất trách nhiệm nặng nề không để đánh mất lòng tin của người dân vào hàng hóa do mình làm ra. Làm thế nào để hàng nội có giá rẻ, chất lượng chấp nhận được và đứng vững trên thị trường nội địa đang được các doanh nghiệp trong nước hướng tới.

“Cánh tay” đắc lực giúp doanh nghiệp đến với nông dân

Đến nay, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức thành công 17 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước và điều đó chứng tỏ, thị trường nông thôn nay không còn bị bỏ ngỏ. Các doanh nghiệp cho rằng chương trình này là “cánh tay dài” giúp họ đến gần hơn với người tiêu dùng nông thôn; là dịp để chống lại hàng giả.

Theo chị Mỹ Tiên, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất-thương mại Nhựa Chí Thành, trước tình trạng mũ bảo hiểm giả tràn lan, những hội chợ và các chương trình kích cầu hàng trong nước đã giúp các doanh nghiệp khẳng lại giá trị sản phẩm của mình.

Tại các hội chợ hàng Việt về nông thôn, nhà tổ chức đã trình bày hai loại sản phẩm thật và giả, sau đó hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt.

Nhận định về các chương trình kích cầu cho hàng Việt trong năm qua, các doanh nghiệp trong nước cho rằng, điều này đã có hiệu ứng tích cực, giúp doanh nghiệp tăng thị phần từ 5-30%.

Công ty Phú An Sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết năm nay công ty quyết định đi vào sản xuất chuyên sâu những sản phẩm dành riêng cho người có thu nhập thấp chứ không dừng lại ở những chuyến bán hàng khuyến mãi, giảm giá cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Hiện công ty đã sản xuất gần 40 sản phẩm chế biến và đồ đóng hộp với mức giá từ 8.000-10.000 đồng/sản phẩm cho chiến lược của mình và đang tập trung kế hoạch mở rộng kênh phân phối để sản phẩm đến tận tay người có thu nhập thấp.

Chị Lê Thị Tố Quyên, đại diện BSA cho biết mục đích của chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” được xác lập là không nhằm tìm kiếm doanh số, lợi nhuận tức thì hoặc nhằm thanh lý hàng tồn kho cho doanh nghiệp mà từng bước xây dựng, phát triển hệ thống phân phối hàng Việt ở nông thôn, nơi chiếm đến 80% dân số cả nước.

Đi vào sản xuất chiều sâu chính là chủ trương của các doanh nghiệp tham gia chương trình “Đưa hàng về nông thôn” trong năm 2010. BSA cũng đang tiếp tục khảo sát thị trường và kết nối với doanh nghiệp để tiếp tục phát triển kênh phân phối tại địa phương.

Chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ

Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho biết thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, từ tháng 8/2009 đến nay, thị trường nội địa bước đầu đã có thành công nhất định, đó là tín hiệu vui cho cuộc vận động này.

Đây là cuộc vận động thiết thực để nhân dân, đồng bào ưu tiên dùng hàng nội, nhưng không có nghĩa là ép buộc người tiêu dùng trong nước hay bảo hộ hàng nội thuần túy. Cuộc vận động cũng không trái với cam kết hội nhập của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Các ngành sản xuất công nghiệp chủ chốt như công nghiệp, thương mại dịch vụ cần chinh phục người Việt bằng chính chất lượng sản phẩm của mình. Sản xuất sản phẩm tốt nhưng chưa đủ mà phân phối, tiếp thị, hậu mãi và chất lượng phục vụ cũng phải tốt.

Về mặt lý thuyết, hàng sản xuất trong nước luôn có ưu thế so với hàng nhập khẩu do giá công lao động rẻ hơn, chi phí vận chuyển cũng như thuê mướn mặt bằng thấp hơn, điều kiện cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng lẫn năng suất cũng thuận lợi hơn nhờ là nước công nghiệp hóa đi sau.

Như vậy, nếu có các yếu tố nào làm giá hàng hóa tăng cao thường là do những nguyên nhân như thuế nặng, lãi suất ngân hàng cao, tỷ giá hối đoái không phù hợp, cũng như các chi phí tiêu cực phát sinh từ một bộ máy hành chính không hiệu quả. Đây chính là trách nhiệm của Nhà nước trong điều hành vĩ mô nhằm giúp doanh nghiệp có thể sản xuất hàng với giá thành thấp và chất lượng cao.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm BSA, sau khi bán hàng, doanh nghiệp phải chuẩn bị một chiến lược xa hơn là hàng Việt phải mở được mạng lưới, bám rễ lâu dài ở nông thôn thay vì đi bán dạo và đây sẽ mở hướng cho những năm tiếp theo.

Năm 2010, BSA tiếp tục thực hiện chính sách của Nhà nước đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để mở rộng hơn các điểm bán hàng mới; đồng thời, những điểm đã tổ chức rồi BSA bắt đầu làm giai đoạn khảo sát, kết nối và hỗ trợ mở rộng mạng lưới ở địa bàn sâu hơn./.

Đỗ Thảo Nguyên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục