Đề nghị xử lý nghiêm vụ hai thiếu niên bị đánh trong phòng giám thị

Cục Trẻ em yêu cầu các các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh thông tin và xác định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, đơn vị, tổ chức có liên quan.
Đề nghị xử lý nghiêm vụ hai thiếu niên bị đánh trong phòng giám thị ảnh 1Ảnh cắt từ clip vụ việc hai thiếu niên bị đánh trong phòng giám thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) khẳng định tất cả các hành động bạo lực đối với trẻ em là vi phạm pháp luật. Cục Trẻ em đã có công văn đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp công an xác minh, truy cứu trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan về vụ việc hai thiếu niên bị đánh trong phòng giám thị

Theo Cục Trẻ em, trên các trang báo điện tử đã đưa tin về đoạn clip dài hơn 1 phút ghi cảnh 2 trẻ em 14 tuổi bị bảo vệ tổ khu phố 12, phường 14, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh liên tục bị đấm, đá, tát vào mặt. Sự việc xảy ra tại phòng giám thị trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cục Trẻ em đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chi Minh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Công an Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh thông tin và xác định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, đơn vị, tổ chức có liên quan.

Đặc biệt, quá trình xem xét vụ việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, trong đó có quy định về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương khi để xảy ra các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

[UNICEF báo động nạn bạo hành trẻ em gia tăng do dịch COVID-19]

Ông Đặng Hoa Nam cho biết Chỉ thị 23 đề nghị bất cứ vụ việc nào mà bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn thì phải truy cứu trách nhiệm người đứng đầu. Đặc biệt, ngoài những người gây ra các hành vi bạo lực đối với trẻ thì cần phải truy cứu, xem xét trách nhiệm những người liên quan.

Trong vụ việc vừa xảy ra, ông Đặng Hoa Nam cho rằng hiệu trưởng trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố, lãnh đạo phường sở tại nơi để xảy ra vụ việc vi phạm quyền trẻ em phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Mức độ trách nhiệm, hành vi đến đâu, trực tiếp hay gián tiếp thì phải xử lý mức độ khác nhau.

Theo ông Đặng Hoa Nam, đây là một sự việc đáng tiếc khi hành vi bạo lực đối với trẻ em xảy ra trong trường học và người gây ra hành vi này lại mặc đồng phục dân phòng. Vụ việc phải phân rõ hành vi bạo lực đối với hai em và dấu hiệu hai em vi phạm pháp luật. Dù hai em đột nhập từ ngoài vào, có thể nghi ngờ hành vi trộm cắp tài sản, tuy nhiên các hành động bạo lực đối với các em ngay trong khuôn viên trường học vẫn là vi phạm pháp luật và cần xử lý nghiêm.

“Chúng ta phải xử lý theo quy định của pháp luật, chứ không nên lấy cớ các em vi phạm pháp luật mà có những hành vi đánh đập, ngược đãi các em như vậy,” ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Theo thông tin từ báo chí phản ánh, gần đây Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố liên tục bị mất những đồ như áo gió của học sinh, vợt cầu lông, thực phẩm... Do đó, Ban giám hiệu trường có phân công thêm nhân viên hỗ trợ cho 2 bảo vệ để trực đêm tại trường từ ngày 30/3 đồng thời báo công an khu vực nhờ can thiệp. Tối ngày 31/3, khi phát hiện có người leo rào vào trường, bảo vệ trường đã “tri hô" và bắt được 2 trẻ em./.

Cục trưởng Cục Trẻ em kêu gọi sự hợp tác, mạnh dạn lên tiếng tố cáo của cộng đồng dân cư, gia đình, trường học như hàng xóm, cha mẹ… khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực thì cần phải thông báo ngay với cơ quan chức năng hoặc tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để cơ quan chức năng triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp.

Tất cả thông tin của người dân, của trẻ em phản ảnh đến cơ quan chức năng cũng như tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đều được bảo mật thông tin và được triển khai hỗ trợ kịp thời.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục