Để vải thiều rộng đường vào các thị trường mang lại giá trị cao

Vụ vải năm 2022, tỉnh Bắc Giang sớm kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp tiêu thụ vải trong nước và trên nền tảng số, đẩy mạnh xuất sang Nhật Bản, Mỹ, Australia, mở rộng tiêu thụ ở khu vực ASEAN.
Để vải thiều rộng đường vào các thị trường mang lại giá trị cao ảnh 1Chăm sóc vải chín sớm xuất Nhật tại 1 hộ gia đình ở xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến vụ thụ hoạch vải thiều chính vụ, cùng với niềm vui chuẩn bị một mùa quả ngọt bội thu là những lo lắng, thách thức do biến động của thị trường, tình hình thế giới... không khỏi khiến người dân trồng vải ở Bắc Giang luôn “đứng ngồi không yên” trước bài toán đầu ra cho quả vải.

Thời điểm này, các vùng trồng vải khắp tỉnh Bắc Giang đang ngập tràn những sắc trắng tinh khôi của hoa vải, trong khi những trà vải sớm ở huyện Tân Yên và một số nơi ở huyện Lục Ngạn đã bắt đầu ra quả.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt, các đối tượng sâu bệnh, dịch hại được kiểm soát, dự báo vải thiều Bắc Giang với hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội.

Dự kiến sản lượng vải thiều năm nay của Bắc Giang đạt khoảng 160.000 tấn; trong đó, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.400ha, GlobalGAP là 82ha.

Mục tiêu của Bắc Giang trong năm nay là sẽ tăng sản lượng xuất khẩu vải thiểu sang thị trường nước ngoài. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm Bắc Giang dự kiến từ ngày 15/5; vải thiều chính vụ từ ngày 10/6 đến ngày 30/7/2022.

[Bắc Giang thu hơn 6.800 tỷ đồng từ vụ vải thiều năm 2021]

Thế nhưng, vụ vải thiều Bắc Giang năm nay còn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Thời điểm này, giá phân bón liên tục tăng cao là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả vụ thu hoạch vải, khiến niềm vui của người trồng vải ở "vương quốc vải thiều" Lục Ngạn - Bắc Giang trở nên bấp bênh hơn.

Trong khi giá phân bón đang tăng từng ngày thì giá cả nhiều mặt hàng nông sản, thậm chí còn sụt giảm. Hơn thế nữa, đầu ra vụ vải năm nay cũng được dự báo đối mặt với không ít khó khăn.

Ông Trần Văn Hành, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn năm nay có hơn 2ha vải thiều cho biết đây là thời điểm quan trọng để phun thuốc và bón phân đảm bảo cây đậu quả non. Vậy mà từ sau Tết Nguyên đán đến nay giá phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật tăng liên tục khiến gia đình anh và nhiều hộ trồng vải khác lo lắng.

"Đến thời điểm này, chi phí cho phân bón đã đội lên gần 20%. Nếu so với giá bán vải thiều như năm ngoái và đà tăng giá phân bón như hiện nay, thì người nông dân chúng tôi đứng trước nỗi lo lãi không được bao nhiêu," ông Hành chia sẻ.

Chưa hết, đầu ra của quả vải cũng đang là thách thức lớn khi thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc đang diễn biến phức tạp do Trung Quốc đang theo đuổi chính sách "zero COVID-19."

Không chỉ vậy, yếu tố thời tiết cũng là yếu tố khách quan ảnh hưởng trực tiếp đến các diện tích vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản.

Ông Ngô Văn Liên, Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Hải, huyện Lục Ngạn cho biết, năm nay hợp tác xã có 7 hộ gia đình tham gia sản xuất diện tích 10ha vải xuất khẩu đi Nhật. Ngoài nỗi lo về tăng giá phân bón đội chi phí còn nỗi lo về thời tiết, dù đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy trình kỹ thuật, nhưng nếu nắng nhiều vải sẽ chín ép không đảm bảo đủ thời gian cách ly sau phun thuốc bảo vệ thực vật.

"Hơn nữa, sử dụng thuốc phun diệt sâu đục cuống quả nằm trong danh mục được phép sử dụng cũng bị đội chi phí do phải phun với mật độ dày, trung bình 1ha đội lên từ 5 đến 7 triệu đồng. Do đó, nếu không xuất được sang Nhật Bản thì công sức bỏ ra nhiều mà thu chẳng được bao nhiêu. Vì vải chăm sóc theo quy trình này mẫu mã không đẹp nên giá thành sẽ thấp hơn bình thường," ông Liên chia sẻ.

Thấu hiểu cho những khó khăn vất vả của người nông dân trồng vải, ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cho biết, trước tình hình giá phân bón không ngừng tăng, để giảm chi phí sản xuất nhiều hộ gia đình trồng vải ở Lục Ngạn đã canh tác cây vải thiều theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại phân vi sinh, các loại phân bón hữu cơ để dần thay thế cho các loại phân bón hóa học.

Đây cũng là chủ trương của huyện vận động nông dân ứng dụng các mô hình sản xuất cải tiến, sử dụng các chế phẩm sinh học; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ trồng trọt nhằm giảm chi phí đầu vào đang được quan tâm và đẩy mạnh.

Ông Nguyễn Thế Thi cho biết, huyện tiếp tục chủ trương không ngừng củng cố, duy trì mã vùng trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm trái vải thiều để xuất khẩu, đặc biệt là vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.

Ông Thi khẳng định chất lượng là giá trị tạo nên thương hiệu vải thiều Lục Ngạn nhằm hướng tới những thị trường xuất khẩu mang lại giá trị cao để giải bài toán đầu ra bền vững cho quả vải.

Trước những lo lắng của người dân, ông Nguyễn Thế Thi động viên người dân tiếp tục tập trung sản xuất, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình sản xuất vải xuất khẩu và cho biết chính quyền địa phương đang nỗ lực đồng hành cùng người dân tìm giải pháp tốt nhất cho đầu ra vụ vải thiều năm 2022.

Ông Thi chia sẻ không ngày nào tỉnh, huyện cùng các sở, ngành liên quan không họp để cập nhật tình hình và tìm hướng đầu ra cho vụ vải thiều năm 2022.

Vụ vải năm 2022, Bắc Giang vẫn xác định thị trường nội địa là chính. Tỉnh đã sớm trao đổi, kết nối với các Tập đoàn phân phối, chợ đầu mối, các doanh nghiệp, thương nhân tiêu thụ nông sản trong nước; phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ lớn (Viettel, VNPT…) để tăng cường tổ chức giao dịch mua bán vải thiều trên các nền tảng công nghệ số.

Đối với thị trường xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường đã hợp tác những năm qua như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan...; tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiêu thụ mới, tiềm năng.

Tỉnh quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu vải thiều vào các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, Australia…; nghiên cứu, định hướng mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước ASEAN để tạo tiền đề cho các năm tiếp theo.

Ngoài ra, địa phương sẵn sàng cho các phương án, giải pháp tăng cường chế biến sản phẩm vải thiều tại chỗ bằng hình thức sấy khô, chế biến công nghiệp (đóng hộp, ép nước…) và cấp đông kéo dài thời gian bảo quản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục