Cục Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2026-2031 để thực hiện Dự án xây dựng đường ngang, hầm chui để xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt.
Theo báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam, hiện trên mạng lưới đường sắt quốc gia có 4.772 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó, có 1.510 đường ngang gồm 677 đường ngang có người gác, 9 đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động, 738 đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động, 86 đường ngang phòng vệ bằng biển báo.
Về lối đi tự mở, còn đến 3.262 vị trí, chiếm tỷ lệ 68,3% tổng số giao cắt. Trước đó, bằng nhiều giải pháp, nguồn vốn từ Trung ương, địa phương, từ tháng 12/2020 đến tháng 6/2024 đã xóa bỏ được 838 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm, giảm được 21,7%. Riêng sáu tháng đầu năm 2024 xóa bỏ được 66 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm.
Trên các tuyến đường sắt hiện còn tồn tại 4 điểm đen và 1.010 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, giảm 77 điểm so với thời điểm 31/12/2023.
Tại Quyết định 358/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt” nêu rõ, đến 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 xây dựng mới 297 đường ngang và 149 hầm chui.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng công trình này và các công trình phụ trợ khác như cầu vượt, hàng rào/đường gom... chưa được cấp thẩm quyền bố trí theo lộ trình.
Do đó, Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị bố trí dự kiến 1.800 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2031 để tiến hành xây dựng 297 đường ngang và 149 hầm chui nhằm đảm bảo an toàn giao thông./.
Hoàn thành sửa chữa, không để phát sinh thêm đường ngang mất an toàn
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải đánh giá, báo cáo toàn diện kết quả thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ từ năm 2014 đến nay.