Đề xuất chấm dứt dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam vì thua lỗ

Tổng công ty Giấy Việt Nam đề xuất phương án chấm dứt dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An, để tiến hành xử lý tài sản gắn liền với đất và không gắn liền với đất.
Đề xuất chấm dứt dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam vì thua lỗ ảnh 1Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và lãnh đạo các Bộ, ngành khảo sát Dự án Nhà máy bộ giấy Phương Nam tại xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa. (Ảnh: TTXVN)

Tổng công ty Giấy Việt Nam đã đề xuất phương án chấm dứt dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An, để tiến hành xử lý tài sản gắn liền với đất và không gắn liền với đất.

Do phương án xử lý này gây mất vốn Nhà nước nên cần tập trung xem xét, đánh giá, xử lý kỹ lưỡng.

Nhiều khó khăn khi xử lý dự án

Cuối tháng Ba vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ, khảo sát thực tế dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An. Đây là dự án khó xử lý nhất trong 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương, đã dừng từ năm 2014, chưa xử lý được nên gây thiệt hại lớn cho hà nước.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương đề xuất phương án cuối cùng xử lý dứt điểm dự án trước ngày 15/4; trong đó, Bộ này phải làm rõ các giải pháp về kỹ thuật, tài chính, phân định rõ giữa tài sản và đất. Song, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm với nhà máy này.

Ngày hôm nay 20/4, ông Hoàng Quốc Lâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Giấy Việt Nam, chủ đầu tư dự án cho biết Tổng công ty gặp nhiều khó khăn trong xử lý các vấn đề liên quan đến dự án.

"Chúng tôi đã báo cáo phương án xử lý với Bộ Công Thương từ ngày 9/4, để lãnh đạo Bộ có thời gian xem xét, nghiên cứu. Tuần vừa rồi, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã họp và chuẩn bị phương án để báo cáo lãnh đạo Chính phủ.

[Long An: Công khai giải pháp xử lý dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam] 

Hiện Bộ Công Thương xin lùi thời hạn báo cáo với lãnh đạo Chính phủ đến ngày 21/4 so với thời hạn ban đầu là 15/4 vừa qua. Chính phủ sẽ báo cáo phương án xử lý dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam với Bộ Chính trị vào ngày 25/4 tới," ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, dự án này đã tồn tại 20 năm nay và có rất nhiều vấn đề phức tạp. Tổng công ty Giấy nhận lại dự án theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự án triển khai không được, các phương án xử lý những tồn tại của dự án trước đó cũng không khả thi.

"Căn cứ theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi đề xuất phương án chấm dứt dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam để tiến hành xử lý tài sản gắn liền với đất và không gắn liền với đất.

Đất đai của dự án sẽ chuyển giao lại cho Ủy ban Nhân dân tỉnh để thực hiện sử dụng đất vào mục đích khác theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, phương án xử lý này mất vốn nhà nước nên cần tập trung xem xét, đánh giá, xử lý kỹ lưỡng," ông Lâm cho hay.

Theo ông Lâm, dự án được Tổng công ty Giấy Việt Nam nhận lại, nên ban lãnh đạo Tổng công ty mong muốn các bộ ngành, địa phương chia sẻ rủi ro.

Chấm dứt càng sớm càng tốt

Nhìn vào thực trạng Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam do Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) làm chủ đầu tư, một chuyên gia kinh tế đánh giá đây là dự án có tương lai "mờ mịt" nhất trong số 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương."

Dự án sẽ không thể vận hành được do "đắp chiếu" nhiều năm, hơn nữa, sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của thị trường có nhiều thay đổi. Vì thế, phải chấm dứt dự án càng sớm càng tốt nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, để xử lý tồn tại của Dự án này, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương đã có nhiều chỉ đạo nhưng vẫn chưa thành công. Dự án đã được rao bán nhiều lần nhưng vẫn không có người mua.

Đề xuất chấm dứt dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam vì thua lỗ ảnh 2Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và lãnh đạo các Bộ, ngành khảo sát Dự án Nhà máy bộ giấy Phương Nam tại xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa. Ảnh: TTXVN

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được Thủ tướng cho phép Công ty Đầu tư phát triển Giao thông Vận tải (Tracodi) làm chủ đầu tư vào tháng 10/2003 với số vốn hơn 1.487 tỷ đồng, quy mô 100.000 tấn bột giấy/năm.

Tháng 11/2007, Tracodi điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 2.287 tỷ đồng (vốn ngân sách cấp 69,486 tỷ đồng; vay nước ngoài 1.322 tỷ đồng; vay ngân hàng thương mại 28,252 tỷ đồng; vay Công ty tài chính Dầu khí 845,12 tỷ đồng và vốn tự có 21,519 tỷ đồng).

Do chủ đầu tư gặp khó khăn, tháng 6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển giao chủ đầu tư dự án từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco). Tổng số vốn Tracodi đã đầu tư vào dự án hơn 2.000 tỷ đồng.

Tháng 6/2012, Vinapaco cơ bản hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị và chạy thử không tải. Tuy nhiên, quá trình chạy thử có tải không thành công. Vinapaco tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 3.410 tỷ đồng và tìm các phương án đưa dự án vào hoạt động nhưng nhà máy không vận hành được.

Vinapaco cũng đã 3 lần đàm phán để ký lại hợp đồng chạy thử với nhà thầu ANDRITZ nhưng phía ANDRITZ không cam kết đảm bảo kết quả chạy thử ra được sản phẩm cuối cùng vì nghĩa vụ của nhà thầu với hợp đồng cung cấp thiết bị và dịch vụ kỹ thuật ký với Tradico đã hết.

Sau khi xem xét, đánh giá toàn diện hiện trạng dự án, các bộ, ngành và đơn vị có liên quan, Bộ Công Thương nhận thấy dự án đã không đạt được mục tiêu, việc đưa nhà máy vào vận hành không khả thi và đề xuất với Chính phủ cho phép dừng dự án.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương về việc dừng đầu tư dự án, đồng thời giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng phương án xử lý đối với dự án như thanh lý, nhượng bán... Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa được xử lý dứt điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục