Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có Tờ trình gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc điều chỉnh giá vé xe buýt đối với các tuyến buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố.
Tăng doanh thu, giảm trợ giá
Theo tờ trình của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, với giá vé lượt, cự ly dưới 15 km có mức điều chỉnh thấp nhất từ 7.000 lên 8.000 đồng; 15-25km từ 7.000 lên 10.000 đồng; 25-30km từ 8.000 lên 12.000 đồng; 30-40km từ 9.000 lên 15.000 đồng. Mức tăng cao nhất ở cự ly trên 40km là từ 9.000 lên 20.000 đồng.
Vé tháng có mức tăng trung bình 40%. Cụ thể học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện 100.000 đồng). Vé tập thể đi một tuyến 100.000 đồng (hiện 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện 140.000 đồng).
Người có công, người cao tuổi (60 trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt. Ngân sách thành phố hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp; hỗ trợ 30% vé tháng với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.
Phía Sở Giao thông Vận tải cũng dự kiến, doanh thu tăng thêm sau khi thực hiện phương án cơ cấu giá vé và điều chỉnh giá vé tăng 302,3 tỷ đồng (tăng 52% so với năm 2023).
Cụ thể, doanh thu vé tháng đạt 260,75 tỷ đồng tăng thêm 73,62 tỷ đồng; doanh thu vé lượt đạt 618,27 tỷ đồng tăng thêm 228,68 tỷ đồng...
[Xe buýt Hà Nội có bước chuyển biến mạnh mẽ, hút khách trở lại]
Lý giải cho đề xuất này, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho rằng từ năm 2014 đến nay thành phố đã không điều chỉnh nên giá vé đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập người dân.
Trong khi đó, thu nhập bình quân của người Hà Nội năm 2022 khoảng 8,4 triệu đồng, tăng 75% so với năm 2014. Theo tính toán, chi phí đi lại chiếm khoảng 10% tổng thu nhập, tương ứng mỗi người chi 800.000 đồng là “chấp nhận được.”
Đưa ra con số chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014, đại diện sở này nhìn nhận tăng giá vé xe buýt giúp tăng thu, giảm mức trợ giá, đảm bảo khả năng cân đối ngân sách của thành phố.
Dẫn chứng, giai đoạn 2015-2019, thành phố trợ giá trung bình 1.371,8 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2020-2022 trợ giá trung bình 2.230,4 tỷ đồng/năm (riêng năm 2022 trợ giá là 2.999,4 tỷ đồng/năm). Dự kiến, năm 2023 thành phố mức trợ giá là 2.754,1 tỷ đồng.
Tác động không lớn đến thu nhập của đa số người dân
Đánh giá về tác động khi tăng giá vé xe buýt như trên, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho rằng năm 2023 sản lượng hành khách có dấu hiệu phục hồi, dự kiến sau khi cơ cấu lại giá vé ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý hành khách dẫn đến sản lượng ban đầu giảm nhẹ sau đó sẽ phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng đưa ra nhận định khi phương án này được áp dụng vào thực tế sẽ tác động không lớn đến hành khách đi xe buýt, đặc biệt là khách vãng lai đi lại không thường xuyên sử dụng vé lượt, mặc dù sản lượng giảm nhẹ nhưng doanh thu lại tăng thêm
Minh chứng cho thực tế này, vào thời điểm năm 2014, khi thành phố Hà Nội điều chỉnh giá vé thì sản lượng vé tháng giảm 3%, còn doanh thu lại tăng 15%; sản lượng vé lượt giảm 10% nhưng doanh thu lại tăng 20% so với tháng trước điều chỉnh.
[Xe buýt Hà Nội sống mòn, chờ “bàn tay” can thiệp từ Nhà nước]
Riêng về mặt xã hội, giá vé đề xuất điều chỉnh như trên đảm bảo nhóm người có thu nhập thấp có thể tham gia phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt; tiếp tục duy trì chính sách ưu tiên học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Ngoài ra, phía Sở Giao thông Vận tải cũng nêu quan điểm điều chỉnh giá vé xe buýt nhằm tạo điều kiện đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho xe buýt, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng vùng phục vụ để người dân lựa chọn phương tiện xe buýt cho nhu cầu đi lại trên địa bàn thành phố nhằm hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
Bên cạnh đó, hành khách cũng nâng cao trách nhiệm cùng chia sẻ một phần khó khăn với thành phố trong bối cảnh khả năng cân đối ngân sách để chi cho hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
“Việc điều chỉnh giá vé xe buýt sẽ tác động không lớn đến thu nhập của đa số người dân sử dụng dịch vụ xe buýt và vẫn cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác; đảm bảo giá vé phù hợp và công bằng cho hành khách sử dụng đối với chuyến đi có các cự ly ngắn và dài,” đại diện Sở Giao thông Vận tải cho hay./.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, thành phố Hà Nội hiện có tổng số 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành (trong đó 132 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến buýt City tour). Hiện có 11 đơn vị khai thác vận hành thực hiện 132 tuyến buýt trợ giá (trong đó 122 tuyến đấu thầu và 10 tuyến đặt hàng). Số lượng xe buýt trợ giá là 2.034 xe với 277 xe sử dụng năng lượng sạch. Hiện, ngân sách thành phố hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể; miễn tiền vé đối với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo. Vé gồm 3 loại là vé lượt; vé tháng (1 tuyến, liên tuyến); vé miễn phí. |