Đề xuất giảm số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ

Theo dự thảo chương trình cải cách hành chính 10 năm tới, năm 2015 giảm số lượng các bộ xuống dưới 20 và còn 15 vào 2020.
Giảm số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ xuống dưới 20 cơ quan vào năm 2015 và còn 15 cơ quan vào năm 2020.

Đây là một trong 10 mục tiêu cụ thể được đề ra trong dự thảo Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, được Bộ Nội vụ và Chương trình phát triển Liên hợp quốc lấy ý kiến đóng góp của 23 tỉnh, thành phố phía Bắc, tại hội thảo ngày 12/10, tổ chức ở Quảng Ninh.

Theo các mục tiêu đề ra, đến năm 2015, chức năng của các cơ quan hành chính nhà nước được xác định phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không còn sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng giữa các cơ quan hành chính; phân cấp thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương về cơ bản được thực hiện; thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân tổ chức được cải cách cơ bản theo hướng gọn nhẹ, đơn giản, phấn đấu mỗi năm giảm trung bình 10% chi phí mà cá nhân, tổ chức bỏ ra khi giải quyết thủ tục hành chính với các cơ quan hành chính nhà nước.

Chương trình cũng phấn đấu cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện 100% vào năm 2013; đến năm 2015 sự hài lòng của người dân, tổ chức với dịch vụ do cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công cung cấp đạt mức 85%; 100% cơ quan hành chính thực hiện cơ cấu công chức theo vị trí việc làm; đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng, cơ cấu hợp lí, đủ trình độ và năng lực phục vụ sự phát triển của đất nước…

Đóng góp cho dự thảo phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, các đại biểu cho rằng các giải pháp mà Bộ Nội vụ đưa ra đầy đủ, cụ thể. Với mục tiêu đến năm 2015, 100% cán bộ cấp xã qua đào tạo, đa số đại biểu ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa cho rằng rất khó thực thi. Bởi trên thực tế, sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể về cải cách hành chính, mục tiêu này chưa đạt yêu cầu, nên tham vọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức đến năm 2015 là quá cao.

Lãnh đạo các Sở Nội vụ Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh… cho rằng các nội dung về cải cách tiền lương chưa tương xứng và chưa đưa ra mục tiêu cụ thể; chế độ đãi ngộ cho cán bộ thực hiện cải cách hành chính còn rẻ mạt, đầu tư ngân sách cho việc thực hiện chương trình cải cách tổng thể hành chính chưa hợp lý.

Đối với vấn đề cải cách tiền lương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng Đào Trọng Lễ khẳng định 10 năm cải cách hành chính nhưng mục tiêu cải cách tiền lương vẫn chưa làm được, dù có một số lần cải cách tiền lương nhưng thực chất chỉ là đuổi theo sức tăng của giá cả thị trường, công chức, viên chức trông chờ vào đồng lương là quá đói, không đủ sống.

Tiền lương như thế làm thế nào phòng chống tham nhũng được? ông Lễ đặt câu hỏi – và đề nghị không chờ đến tận năm 2017 mới cải cách cơ bản tiền lương cán bộ, công chức.

Ông Lễ cũng đề nghị giải quyết dứt điểm việc phân cấp thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương trước năm 2013, không chờ đến năm 2015.

Nhiều đại biểu cũng đề xuất đến việc xây dựng cơ chế giám sát của người dân và doanh nghiệp với các cơ quan hành chính nhà nước, phải quy trách nhiệm người đứng đầu, có chế tài xử lý khi người đứng đầu để xảy ra sai phạm ở các cơ quan hành chính.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng công tác cải cách hành chính là công việc phức tạp, đã được Đảng và Nhà nước quan tâm nhưng công tác chỉ đạo còn chưa quyết liệt, chưa tập trung nên kết quả còn chồng chéo, nhất là về thể chế. Trong thời gian tới, cần thành lập ban chỉ đạo các cấp để tránh sự chồng chéo này.

Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo tổng kết 10 năm qua và phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 để tiến hành tổng kết vào tháng 12 tới. Các mục tiêu cải cách hành chính 10 năm tới sẽ được chỉnh sửa theo hướng phù hợp, đảm bảo gọn nhẹ, dễ dàng đánh giá, kiểm điểm, triển khai thực hiện và lượng hóa được./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục