Sáng 31/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến thăm, làm việc với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Tái cơ cấu hệ thống đào tạo giáo viên
Báo cáo tại buổi làm việc, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết trải qua 68 năm xây dựng, phát triển, Đại học Sư Phạm Hà Nội luôn là trường trọng điểm, đầu ngành trong hệ thống các trường sư phạm, là trung tâm lớn nhất về đào tạo giáo viên, nghiên cứu khoa học - đặc biệt là khoa học giáo dục - của cả nước.
Hiện trường có 23 khoa đào tạo; 2 Bộ môn trực thuộc (Tiếng Nga và Tiếng Trung Quốc); 2 trường trung học phổ thông trực thuộc; 1 trường tiểu học thực hành; 1 trường Mầm non thực hành. Trường có 2 viện nghiên cứu; 1 Viện Giáo dục và Đào tạo Quốc tế; hơn 20 trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và khoa học giáo dục.
Cuối năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tại tỉnh Hà Nam trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam.
Toàn trường hiện có 1.143 cán bộ, giáo viên; bao gồm 16 giáo sư, 159 phó giáo sư, 272 tiến sỹ; 495 thạc sỹ; 154 cử nhân; 47 trình độ khác; 174 giảng viên cao cấp, 89 giảng viên chính, 462 giảng viên, 52 giáo viên thực hành, 72 giáo viên Trung học Phổ thông, 3 giáo viên Trung học Cơ sở.
Quy mô tuyển sinh của trường hằng năm là khoảng 2.000 sinh viên chính quy tập trung; 1.000 học viên cao học, 150 nghiên cứu sinh.
Các chương trình đào tạo đều được xây dựng theo các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo; liên tục được cập nhật, đổi mới thường xuyên theo chu kỳ.
Từ năm 2009 đến 2014, Nhà trường đã hai lần đổi mới toàn bộ chương trình đào tạo cử nhân chính quy; năm 2018, trường đã thực hiện cập nhật đổi mới chương trình đào tạo thạc sỹ.
Công tác nghiên cứu khoa học tiếp tục là một thế mạnh của trường. Trong 5 năm qua, Trường luôn nằm trong tốp đầu những trường đại học ở Việt Nam có số công bố quốc tế chất lượng.
[Bao giờ ngành giáo dục mới có bản đồ đổi mới cho từng cấp học?]
Trường có quan hệ hợp tác quốc tế với hơn 150 cơ sở giáo dục thuộc hơn 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó có nhiều trường nổi tiếng của các nước như Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Pháp, Đức, Trung Quốc, Bỉ, Australia, Canada, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Thụy Điển, Hà Lan...
Về cơ sở vật chất, hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành, phòng nghiệp vụ, thư viện, sân vận động, nhà thi đấu đa năng, trường chuyên, trường thực hành, ký túc xá, các phương tiện kĩ thuật của Trường có thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo. 100% hệ thống giảng đường, phòng học của trường đã trang bị được máy chiếu đa năng.
Giáo sư Nguyễn Văn Minh khẳng định là cơ sở có nguồn lực tốt nhất trong hệ thống đào tạo sư phạm, trường Đại học Sư phạm Hà Nội mong muốn được tham gia đầy đủ, toàn diện, trách nhiệm vào sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà.
Đồng thời, trường mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng giao cho trường những nhiệm vụ lớn, không chỉ trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cả những đề tài nghiêu cứu khoa học giáo dục làm cơ sở, căn cứ, nền tảng vững chắc trong quá trình triển khai những nhiệm vụ về đổi mới giáo dục-đào tạo.
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến chỉ ra thực tế hiện có quá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương, nhiều tỉnh đã thừa giáo viên, vì vậy, cần tái cơ cấu quyết liệt hệ thống đào tạo giáo viên theo hướng xây dựng Đại học Sư phạm Hà Nội thành "trường hạt nhân," hướng dẫn cho các "trường vệ tinh" ở địa phương trong công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Nội dung cấp bách nhất hiện nay là đào tạo, bồi dưỡng lại giáo viên theo chương trình, sách giáo khoa mới. Đồng thời, những trường "đầu tàu" như Đại học sư phạm Hà Nội mới được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên, căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng địa phương.
Mỗi nhà giáo phải là người mô phạm về đạo đức
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho rằng hiện nay, ngành giáo dục đã thống kê được số lượng giáo viên của từng trường cũng như nhu cầu giáo viên hằng năm ở mỗi địa phương.
Đây là cơ sở rất quan trọng để các địa phương đặt hàng số lượng đào tạo giáo viên mới hằng năm, bảo đảm sinh viên khi tốt nghiệp có việc làm ngay.
Thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo cần xem xét lại năng lực đào tạo, tái cơ cấu hệ thống các cơ sở sư phạm, xây dựng những trường trọng điểm, đủ năng lực để đào tạo đội ngũ giáo viên theo nhu cầu, đặt hàng ở địa phương, nhằm bảo đảm được đầu ra, để chất lượng đầu vào, chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm sẽ ngày càng được nâng cao.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại câu nói của Bác Hồ dành cho trường Sư phạm Hà Nội: "Làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước," đồng thời nêu rõ đất nước có giàu đẹp, nhân dân có hạnh phúc hay không, đều phụ thuộc vào sự nghiệp "trồng người."
Giáo dục con người với tình yêu thương, lòng dũng cảm đối mặt với thủ thách, vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình, góp phần đổi mới giáo dục thành công, đổi mới đất nước là hết sức quan trọng.
Trường Đại học Sư phạm đã làm tốt công tác giáo dục thời gian qua, cần tiếp tục nỗ lực để trở thành một trường đại học mẫu mực trong thực hiện các mô hình tự chủ giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, trường cũng phải thể hiện sự mẫu mực trong giảng dạy, sinh hoạt, kể cả trong ký túc xá, nơi trọ của sinh viên - vai trò của Đoàn Thanh niên nhà trường là rất lớn.
Hiện nay, cốt lõi của giáo dục đại học là tự chủ giáo dục, tự chủ về tư duy, tự chủ tài chính. Vì vậy, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần nghiên cứu cơ chế để tự tháo gỡ cho mình, góp phần vào thực hiện tự chủ đại học trên cả nước.
Trường có thể nghiên cứu, đi đầu, làm mẫu cho việc thực hiện cơ chế tự chủ, nhận đặt hàng từ các địa phương. Đồng thời, trường phổ thông Nguyễn Tất Thành (trực thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội) cần mạnh dạn đổi mới cơ chế quản trị, tự chủ để làm mẫu, nhân rộng ra đối với hệ thống giáo dục phổ thông - Phó Thủ tướng gợi mở.
Bên cạnh đó, trường cần làm tốt hơn nữa trong nghiên cứu khoa học giáo dục, sư phạm và nghiên cứu cơ bản.
Nhà trường phải là "hạt nhân," "đầu tàu," một mắt xích quan trọng có tính định hướng cho đổi mới giáo dục đào tạo theo nghị quyết số 29-NQ/TW9 về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đào tạo.
Khẳng định vai trò rất quan trọng của đội ngũ giáo viên trong thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo, Phó Thủ tướng cho rằng: Công tác giáo dục đạo đức con người do nhà trường, gia đình, xã hội thực hiện, nhưng nhà trường phải đi trước.
Trong công tác đào tạo, mỗi giáo viên cần cần trí thức, kiến thức, nắm bắt được xu thế mới, cách dạy mới theo năng lực, có sự trao đổi, để làm "bừng nở" sáng tạo, năng khiếu của từng học sinh.
Việc khai mở sáng kiến, trí tuệ cho mỗi học sinh phải thực hiện từ ngay các trường sư phạm. Đây là điều hết sức quan trọng.
Để làm được điều này, trước hết, mỗi giáo viên phải được khuyến khích sáng tạo cá nhân. Đặc biệt, mỗi người thầy, các nhà sư phạm phải là những người mô phạm về đạo đức, từ lý tưởng, lòng yêu nước, văn hóa, sinh hoạt, để những "sản phẩm" được đào tạo trở thành những người mẫu mực trong xã hội.
Với học sinh càng nhỏ, người lớn càng phải làm gương, bắt đầu từ giáo viên. Đây là vai trò rất quan trọng của các trường sư phạm. Một mặt, xã hội cần có sự chia sẻ đối với các thầy, cô nhưng mặt khác, mỗi thầy cô cần thấy được đó là trách nhiệm, vinh dự cần thực hiện.
Phó Thủ tướng nêu thực tế hiện nay chỉ tiêu đào tạo sinh viên sư phạm vượt rất xa nhu cầu, kiểm định đầu ra chưa tốt nên kể cả những trường đào tạo chất lượng như Đại học Sư phạm Hà Nội 1, chỉ có 30-35% sinh viên ra trường làm trong ngành giáo dục.
Đây là bài toán cần có lời giải. Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nắm được số lượng giáo viên từng trường, từng bộ môn, dự báo được nhu cầu giáo viên, số lượng sinh viên được đào tạo trong 3-5 năm, thậm chí là 10 năm tới.
Hệ thống sư phạm phải chất lượng hàng đầu, đào tạo theo đặt hàng của địa phương gắn với tự chủ đại học. Đặt hàng phải ở những trường tốt nhất.
Trong khi đó, các trường sư phạm địa phương tập trung bồi dưỡng, tập huấn giáo viên với sự hướng dẫn từ các trường trọng điểm; từ đó, hình thành một mạng lưới trường sư phạm, gắn với các trường phổ thông thực hành cho sinh viên, giáo viên, đưa vào những chương trình, phương pháp giảng dạy mới cũng như thực hiện đổi mới cơ chế quản trị trong trường phổ thông. Mạng lưới trường phổ thông thực hành của các trường sự phạm phải đủ lớn, có sự giao lưu, chia sẻ - Phó Thủ tướng nói./.