Di cư từ châu Phi sang châu Âu: Nghèo đói không phải là lý do duy nhất

Năm 2020, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ghi nhận 33.418 người di cư mới từ châu Phi trên các bờ biển châu Âu và 983 trường hợp tử vong.
Di cư từ châu Phi sang châu Âu: Nghèo đói không phải là lý do duy nhất ảnh 1Người di cư và tị nạn được lực lượng cứu hộ Tây Ban Nha giải cứu ngoài khơi Libya ngày 11/11/2020. (Nguồn: DPA/TTXVN)

Trang dailymaverick.co.za đã đăng bài viết của Tiến sỹ Chenai Matshaka-Munyaka, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu tư tưởng và đối thoại liên châu Phi thuộc trường Đại học Johannesburg, về thực chất của vấn đề di cư từ châu Phi tới châu Âu và phương hướng bền vững để giải quyết "cuộc khủng hoảng di cư" này. Nội dung như sau:

Kể từ cái gọi là "cuộc khủng hoảng người di cư châu Âu" năm 2015, trong đó cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) của Ủy ban châu Âu ghi nhận khoảng 1,3 triệu người đã xin tị nạn ở Liên minh Âu (EU) và các quốc gia châu Âu khác, dòng di cư bất hợp pháp từ châu Phi vào "Lục địa già" vẫn tiếp tục bị coi là một cuộc khủng hoảng.

Điều này được nhắc đến bất chấp kết luận của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) rằng số lượng lớn nhất người di cư đến các bờ biển châu Âu trong thời kỳ này chủ yếu từ Syria (46,7%), Afghanistan (20,9%) và Iraq (9,4%).

Coi trọng tiếng nói của người di cư châu Phi

Những trải nghiệm của người di cư châu Phi về phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử và bị từ chối các quyền cơ bản của con người, bao gồm cả thức ăn và nơi ở khi họ đến châu Âu, hiếm khi được đề cập.

Ngoài ra, nhiều vấn đề quan trọng khác - như khả năng phục hồi của người di cư trong việc điều hướng các hệ thống tị nạn với nhiều biện pháp hà khắc, thường phải làm việc trong khu vực phi chính thức, đóng góp vào sự phát triển của các nền kinh tế EU theo nhiều cách khác nhau, cũng như gửi kiều hối về quê hương - lại ít khi được ghi nhận trong các dòng sự kiện và các cuộc tranh luận chính sách.

[Khoảng 100 người di cư tới châu Âu được giải cứu ngoài khơi Libya]

Những trải nghiệm của người di cư châu Phi vĩnh viễn bị xếp vào hàng thứ yếu, dẫn đến các phản ứng chính sách phân tán về di cư.

Những câu chuyện về chìm tàu/thuyền hoặc các cuộc giải cứu những "thuyền di cư" từ châu Phi đã chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận về quản lý di cư của châu Phi-EU, mà "vô tình" bỏ qua các sắc thái của tình trạng di cư.

Năm 2020, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ghi nhận 33.418 người di cư mới từ châu Phi trên các bờ biển châu Âu và 983 trường hợp tử vong.

Với rất nhiều người di cư châu Phi mạo hiểm mạng sống của họ trong những chuyến hành trình đầy khó khăn đến châu Âu, các nhà hoạch định chính sách châu Phi và châu Âu đã bắt buộc phải suy nghĩ lại về việc quản lý di cư để cứu sống, bảo vệ họ khi đến châu Âu và mở ra cơ hội cho các con đường hợp pháp đến châu Âu.

Điều này đòi hỏi vượt ra ngoài những phân tích đơn giản vốn thường tập trung vào xung đột và nghèo đói, là "nguyên nhân gốc rễ" của di cư.

Viện nghiên cứu tư tưởng và đối thoại liên châu Phi (thuộc Đại học Johannesburg, Nam Phi) và Viện Bắc Âu châu Phi (Thụy Điển) ngày 26/3/2021 đã tổ chức cuộc đối thoại chính sách trực tuyến với tiêu đề: "Coi trọng tiếng nói của người di cư châu Phi trong các cuộc tranh luận về di cư của Liên minh châu Âu."

Cuộc hội thảo nhằm cung cấp nền tảng cho các nhà hoạch định chính sách châu Phi và EU, cũng như người di cư châu Phi, tập trung vào các vấn đề di cư giữa hai châu lục sao cho phù hợp với Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, thường xuyên và có trật tự (GCM) năm 2018 của Liên hợp quốc.

Hội thảo thu hút 51 đại biểu tham dự, gồm các chuyên gia về di cư từ châu Phi, châu Âu, trong đó, Joseph Peters (người di cư từ Sierra Leone trực thuộc Trung tâm Tị nạn Joel Nafuma, Italy) và Tiến sỹ Joy Kategekwa (cố vấn chiến lược cho Giám đốc khu vực của Văn phòng Khu vực châu Phi thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc - UNDP) là những diễn giả chính.

Nghèo đói không phải là lý do duy nhất

Một câu hỏi quan trọng nảy sinh từ cuộc đối thoại chính sách là làm thế nào các nhà hoạch định chính sách ở cả hai châu lục hiểu về di cư cũng như cam kết của họ đối với những thay đổi chính sách trong quản lý di cư.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách của EU tập trung vào việc kiềm chế di cư bất hợp pháp từ châu Phi, các nhà lãnh đạo châu Phi đã xác định được những lợi ích phát triển đối với châu Phi.

Các nước EU đã cho thấy cách tiếp cận "cây gậy và củ cà rốt" đối với vấn đề di cư từ châu Phi sang châu Âu, thể hiện qua cam kết tài chính khổng lồ của các quốc gia thành viên EU để giữ người châu Phi ở lại châu lục này.

Trong chu kỳ ngân sách 2021-2027, Ủy ban châu Âu đã đề xuất chi 34,9 tỷ euro cho an ninh biên giới để quản lý vấn đề di cư. Ngoài các biện pháp an ninh, EU đã tìm cách sử dụng viện trợ phát triển để kiềm chế di cư.

Di cư từ châu Phi sang châu Âu: Nghèo đói không phải là lý do duy nhất ảnh 2Các thành viên tổ chức cứu trợ Tây Ban Nha giải cứu 90 người di cư trôi dạt ngoài khơi bờ biển Libya trên Địa Trung Hải ngày 9/1/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Quỹ Ủy thác khẩn cấp châu Phi là một trong những phản ứng chính của EU và đến tháng 5/2020, quỹ này đã tài trợ cho 225 chương trình tại 26 quốc gia ở khu vực Sahel và Hồ Chad, Sừng Châu Phi và Bắc Phi.

Tuy nhiên, theo thông tin trình bày tại buổi hội thảo nói trên, di cư châu Phi-EU không chỉ là kết quả của nghèo đói, xung đột và tuyệt vọng. Đó còn là mong muốn về một cuộc sống tốt đẹp hơn và hiện thực những khát vọng mà ở châu Phi không dễ tiếp cận hoặc có được.

Như đã lưu ý trong buổi đối thoại chính sách, nhiều người châu Phi có trình độ thuộc "nhóm di cư" đã có việc làm và thu nhập ở trong nước, nhưng vẫn di cư để tìm kiếm cơ hội cải thiện sinh kế.

Đối với các chính phủ châu Phi, di cư là một công cụ để phát triển trên lục địa và nhìn từ lăng kính này, mang lại lợi ích cho các quốc gia bản địa, quá cảnh và nước tiếp nhận.

Điều này đã được nhấn mạnh trong báo cáo năm 2019 của UNDP "Những rào cản mở rộng", trong đó phản ánh quan điểm của khoảng 1.000 người di cư đến từ 39 quốc gia châu Phi đang cư trú tại 13 quốc gia thành viên EU - tư liệu này cũng được xem xét tại buổi đối thoại chính sách ngày 26/3/2021.

Những người di cư bất hợp pháp từ châu Phi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà máy và các lĩnh vực khác ở các nước EU cho thấy đó là những thị trường sôi động cho lao động châu Phi.

Các khoản kiều hối mà người di cư gửi về nước đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sinh kế và tăng cường phát triển, trong đó Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận lượng kiều hối được gửi về khu vực phía Nam sa mạc Sahara châu Phi năm 2020 là 42 tỷ USD.

Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc tìm ra các phương pháp tiếp cận phù hợp để quản lý người di cư, bảo vệ người di cư ở EU và tạo nhiều cơ hội hơn cho các kênh di cư hợp pháp.

Một trong các khuyến nghị chính do hội thảo đề xuất là các nhà hoạch định chính sách châu Phi và EU cần thay đổi quan điểm về di cư sang các giải pháp toàn diện và bền vững hơn.

Các chính phủ châu Phi phải bắt tay vào việc xây dựng chính sách nhằm phát triển con người hơn nữa và mở rộng cơ hội cho công dân trên tất cả các lĩnh vực.

Đồng thời, các quốc gia EU phải chuyển trọng tâm từ việc ngăn chặn di cư sang chính quy hóa vấn đề này thông qua quản lý di cư toàn diện hơn, trong đó ghi nhận sự đóng góp của người di cư châu Phi đối với các nền kinh tế EU.

Các chính sách di cư cần mang tính bao trùm, trong đó ghi nhận hoàn cảnh của những người di cư bất hợp pháp từ châu Phi, ghi nhận tiềm năng tạo ra lợi ích bền vững cho cả châu Phi và EU, đồng thời ngăn ngừa thiệt hại về tính mạng trong các chuyến hành trình nguy hiểm qua Biển Địa Trung Hải và sa mạc Sahara./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục