Đặc khu kinh tế Việt Nam: Cần thay đổi và dám đánh cược vào cuộc chơi?

Đi muộn và đến sau, đặc khu kinh tế Việt Nam làm gì để vượt trội?

Các khu công nghiệp, khu chế xuất đang dần mất đi tính hấp dẫn, do thiếu các chiến lược công nghiệp tổng thể, quy hoạch manh mún và lệ thuộc vào các điều kiện ưu đãi đã lạc hậu.
Đi muộn và đến sau, đặc khu kinh tế Việt Nam làm gì để vượt trội? ảnh 1Mô hình các khu công nghiệp, khu chế xuất đang dần mất đi tính hấp dẫn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kinh tế đất nước phát triển song hành cùng hội nhập, theo đó các khu công nghiệp, khu chế xuất ồ ạt được mở ra với mục đích thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng. Những thành quả tích cực mà nó đã mang lại là không thể phủ nhận, bên cạnh những đóng góp vào phát triển kinh tế nó còn đẩy nhanh tiến trình cải cách, đổi mới chính sách của Nhà nước.

[Cơ hội lớn cho nhà đầu tư Italy tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long]

Tuy nhiên, thế giới luôn chuyển động, các chính sách thu hút đầu tư giữa các quốc gia ngày càng trở nên cạnh tranh. Do đó, các khu công nghiệp, khu chế xuất đang dần mất đi tính hấp dẫn, do thiếu các chiến lược công nghiệp tổng thể, quy hoạch manh mún và lệ thuộc vào các điều kiện ưu đãi đã lạc hậu.

Không thể tiếp tục đầu tư dàn trải, chính sách kinh tế cần phải thay đổi, hướng nguồn lực tập trung vào một số đầu tàu tăng trưởng, tạo ra những động lực đột phá mới và “đặc khu kinh tế” – một sân chơi lớn là một lựa chọn, với các ưu đãi vượt trội nhằm thu hút làn sóng đầu tư trên toàn cầu.

Đi muộn và đến sau, đặc khu kinh tế Việt Nam làm gì để vượt trội? ảnh 2Vân Đồn (Quảng Ninh) là một trong 3 đặc khu hành chính kinh tế trong dự thảo luật được trình Quốc hội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)


Sân chơi mới đòi hỏi thể chế, chính sách đột phá

Khẳng định về điều này, tại Hội thảo “Đặc khu - Thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công” do Trung tâm Tin tức VTV24 - Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức, ngày 18/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, "Với mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh hội nhập kinh tế thế giới, tăng hiệu quả trong hợp tác phát triển quốc tế đồng thời khắc phục những hạn chế của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao hiện tại, Việt Nam đã nghiên cứu và xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang)."

"Việc phát triển ba đặc khu kinh tế thể hiện sự nhất quán và quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam mạnh dạn xây dựng một sân chơi mới, luật chơi mới với những thể chế chính sách vượt trội, cạnh tranh để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế ngay tại lãnh thổ Việt Nam,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, các đặc khu được định hướng phát triển với các mục tiêu, hình thành khu vực tăng trưởng kinh tế cao có tác động lan tỏa tới toàn nền kinh tế, thu hút công nghệ cao, tạo môi trường sống và làm việc hiện đại, thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, đảm bảo công bằng cho người dân. Bên cạnh đó, sân chơi mới sẽ có những với các thể chế, chính sách đặc biệt thuận lợi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cho phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D)…

Đại diện cho Quảng Ninh, nơi có đặc khu kinh tế mở Vân Đồn, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tin tưởng về sự thành công của mô hình thu hút đầu tư này với hệ thống nền tảng đang vào giai đoạn gấp rút hoàn thiện. Ông cho biết, Tỉnh Quảng Ninh đã có những chiến lược xúc tiến mạnh mẽ, kêu gọi các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế.

Bài toàn mà lãnh đạo tỉnh đang phải đau đáu giải quyết, theo ông Thành làm sao trả lời thấu đáo được 4 câu hỏi, “Tỉnh Quảng Ninh định hướng quy hoạch và xây dựng bao nhiêu đặc khu kinh tế? Cơ chế chính sách vượt trội đã được điều chỉnh bằng Luật chưa và có bao giờ có Luật về Đặc khu? Thẩm quyền và vai trò trách nhiệm của người đứng đầu ra sao? Những hạn chế về hạ tầng của Vân Đồn đang được được giải quyết như thế nào?”

Mặc dù chưa thể trả lời hết những câu hỏi lớn của nhà đầu tư, song ông Thành tự tin cho biết, “chúng tôi luôn trăn trở về điều này song khẳng định đã chuẩn bị xong các yếu tố cần và đủ để trả lời các câu hỏi trên cũng như khẳng định tiềm năng của Vân Đồn và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Thời gian đây gần nhất, chúng tôi sẽ có đường bay thẳng và đường cao tốc nối từ đất liền tới Vân Đồn. Còn một yếu tố để đảm bảo cho thành thành công, đó là chúng tôi đang đợi thời điểm luật Đặc khu kinh tế chính thức có hiệu lực."

Đi muộn và đến sau, đặc khu kinh tế Việt Nam làm gì để vượt trội? ảnh 3Hội thảo “Đặc khu - Thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công,” ngày 18/5 (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thế giới đã đi đến mô hình thế hệ mới

Trên thực tế, khái niệm đặc khu kinh tế đã phổ biến từ những thập niên 60 trên thế giới và phát triển rất thành công tại nhiều quốc gia. Cho đến nay, mô hình truyền thống đang đối mặt với những cạnh tranh khốc liệt từ các mô hình thế hệ mới trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật, công nghệ không ngừng phát triển.

Vậy làm thế nào, để đi sau song Việt Nam vẫn có thể vượt trội hơn 450 khu kinh tế khác tại 140 quốc gia (số liệu năm 2016)?

Chia sẻ về điều này, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới ông Sebastian Eckardt cho hay, các khu kinh tế lâu nay được sử dụng như một công cụ chủ chốt nhằm thúc đẩy cải cách kinh tế, đổi mới chính sách, thu hút đầu tư, đẩy mạnh tăng trưởng và hiện đại hóa nền kinh tế tại nhiều quốc gia. Song, mặc dù các khu kinh tế này đã được thiết kế và triển khai tốt, đem lại lợi ích rõ ràng nhưng vẫn có tính rủi ro. Điều này đến từ việc phân mảnh trong môi trường pháp quy hay sự lệ thuộc quá mức vào các ưu đãi cũng như phương thức quản trị tại các đặc khu.

Do đó, ông Sebastian khuyến cáo “để tối đa hóa lợi ích và hạn chế rủi ro đó, việc thành lập và thiết kế các đặc khu kinh tế nên được gắn chặt với chiến lược toàn diện về phát triển công nghiệp quốc gia và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đồng thời tập trung việc lựa chọn vị trí, tính kết nối, dịch vụ hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh tại các khu vực này.”

Vì là đi sau, muộn hơn, rủi ro hơn, nhiều thách thức hơn nên tiến sỹ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Ương cho rằng, “dám chơi thì cũng phải biết chơi,” do đó Việt Nam cần phải thay đổi và dám đánh cược vào cuộc chơi. Lý do, thế giới đang thay đổi và Việt Nam cũng cần có những thay đổi thực sự cả về thể chế, cải cách và mở cửa…

Ông nhấn mạnh, “bản chất Việt Nam muốn vượt lên trên song Dự thảo Luật lần này vẫn làm chưa tới. Xây dựng đặc khu phải giải quyết được ba vấn đề quan trọng, đó là tự do dịch chuyển nguồn lực, hoàn thiện thể chế và bộ máy, chính sách ưu đãi và hỗ trợ.”

Đồng tình với quan điểm trên, giáo sư, tiến sỹ Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp thẳng thắn chỉ ra, các nhà đầu tư luôn mong muốn kinh doanh có lợi nhuận song vẫn đảm bảo đúng pháp luật. Nhưng hệ thống thể chế và pháp luật Việt Nam lại được xếp vào hàng “phức tạp” nhất thế giới, do nó có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, ông khuyến cáo các nhà làm chính sách, “đừng để những thứ ‘đặc thù’ trở thành rào cản những phát minh mới của nhân loại. Cần phải có sự phân quyền rõ ràng, hệ thống luật phải đi thẳng vào đời sống. Điểm tiên quyết không thể thiếu đó là năng lực thực thi, chỉ có những cán bộ đủ tốt, đủ năng lực, chịu trách nhiệm trước nhân dân mới có thể gánh vác đưa mô hình này đi đến thành công.”

Singapore là quốc gia rất thành công trong việc xây dựng và phát triển các đặc khu kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm này, ông Teo Eng Cheong, Giám đốc Quốc tế, Tập đoàn Surbana Jurong, Singapore cho biết, mô hình này có thể là một chương trình hiệu quả đối với phát triển kinh tế nhưng nhiều nước đã thất bại, là bởi mục tiêu của họ không rõ ràng, tự do hóa chính sách bị hạn chế, rồi đến chọn địa điểm sai, thiết kế tồi và năng lực quản lý kém. Mặt khác, nếu làm tốt những điều trên sẽ là một cơ hội tốt để thành công./.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục