Mới đây, việc tái hiện nghi lễ hầu đồng tại không gian của một trường đại học ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đã gây tranh cãi trong dư luận rằng liệu đây có phải là một nỗ lực “diễn giải di sản” hay đang vi phạm nguyên tắc về sự tôn trọng, bảo vệ “tính thiêng”, “tập tục”, “kiêng kỵ” của di sản?
Làm thế nào để bảo tồn và phát huy di sản trong đời sống đương đại là vấn đề khiến các nhà quản lý văn hóa, chuyên gia và những người thực hành di sản trăn trở trong nhiều năm.
Ngày 26/8, tại Hà Nội, Hội thảo-Hội nghị-Tập huấn “Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể sau khi được ghi danh” diễn ra nhằm phần nào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó.
Di sản liệu có mất 'thiêng'?
Tại sự kiện, nhiều vấn đề nóng liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị của di sản phi vật thể đã được các nhà khoa học lẫn các nghệ nhân thực hành di sản nêu ra một cách thẳng thắn, trực diện. “Nóng” nhất là chuyện có nên đưa di sản ra khỏi không gian thiêng - không gian thực hành của di sản để biểu diễn.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng, Thủ nhang Đền Nguyên Khiết Linh Từ (102 Hàng Bạc, Hà Nội) cho rằng ''Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ'' là di sản tâm linh chứ không phải di sản nghệ thuật nên phải thực hiện trong không gian đền đài, điện, phủ. Những đồ dùng, pháp khí như khăn áo, đao kiếm, cờ, ấm chén, hương hoa, lễ vật, lời ca tiếng hát... đều mang tính thiêng, vì vậy, các đồ vật đó trước khi sử dụng trong thực hành nghi lễ đều phải có hình thức "thư hương" để tạo sự linh thiêng chứ không thể đem ra các không gian ngoài đền đài điện phủ.
"Đưa hầu đồng ra khỏi không gian thiêng để biểu diễn là không đúng với khái niệm thực hành di sản. Trong ''Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ'', nghi lễ phải thực hành trên sập hầu, phải trong không gian điện phủ, có ban thờ Thánh Mẫu, chỉ được phép quay lên vái Thánh Thần chứ không được quay xuống mà vái các vị khán giả ngồi ở dưới,” ông Hùng thẳng thắn bày tỏ.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng di sản có cấu trúc đặc biệt gồm có hạt nhân là giá trị, có các thành tố thiêng chi phối, có các thành tố văn hoá nghệ thuật...
Tất cả các yếu tố này quan hệ với không gian và thời gian (trong đó có nhiều yếu tố thiêng, đặc thù). Quan hệ này là quan hệ hữu cơ chặt chẽ, vì vậy, di sản không tách khỏi môi trường, không thể đem di sản "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ" ra khỏi đền phủ để biểu diễn.
[Giao lưu góp phần bảo tồn, phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ Mẫu]
Tuy nhiên, thực tiễn có nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ biểu diễn hát Then, đàn tính, ba giá đồng... trên sân khấu thì sao? Tiến sỹ Trần Hữu Sơn cho rằng các tiết mục biểu diễn chỉ là "mảnh vỡ" của di sản, là một bộ phận cấu thành chứ không phải di sản. Do đó không được gọi là trình diễn di sản mà chỉ là biểu diễn một thành tố nghệ thuật như thi hát Then, đàn tính chứ không phải thực hành di sản tín ngưỡng Then.
“Thiết nghĩ các nhà quản lý, các nhà khoa học cũng nên phân biệt các yếu tố di sản và mảnh vỡ của di sản. Không nên nói ‘liên hoan trình diễn di sản’ nhưng cũng không ngăn cấm việc sử dụng các ‘mảnh vỡ’ để dàn dựng tiết mục nghệ thuật, miễn là không gọi đó là di sản,” Tiến sỹ Trần Hữu Sơn nêu quan điểm.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng có rất nhiều quan điểm khác nhau trong bảo tồn di sản, dẫn đến nhiều tranh cãi. Có người cho rằng phải bảo tồn nguyên vẹn di sản trong bối cảnh không gian và tính lịch sử của nó, song cũng có quan điểm cho rằng di sản phải được bảo vệ bằng cách kế thừa, tức là di sản phải đóng vai trò của mình trong bối cảnh xã hội cụ thể để từ đó phục vụ tốt hơn sự phát triển của kinh tế, xã hội.
“Phải trong những trường hợp cụ thể, chúng ta mới có những đánh giá chính xác. Ví dụ, trong một hội thảo thì có thể việc trình diễn di sản sẽ gây hiểu lầm về không gian thực hành tín ngưỡng nhưng nhờ đó, mọi người lại hiểu rõ hơn giá trị của di sản, từ đó, tìm hiểu cặn kẽ, thêm yêu các giá trị của di sản và tiếp tục vinh danh những giá trị của di sản đó,” ông Sơn nói.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, điều này đã được UNESCO khuyến cáo trong nguyên tắc đạo đức của bảo vệ di sản văn hóa gồm 12 điều, trong đó đều thể hiện cả hai quan điểm này. Tức là các cộng đồng, cá nhân cần phải được bảo vệ di sản của mình theo cách phù hợp nhất trên cơ sở nhận định rõ ràng nhất về giá trị của di sản đó. Và các cộng đồng khác, các nhà khoa học hay cơ quan quản lý nhà nước cần phải chung tay với các cộng đồng cần phải chung tay để tôn vinh di sản đó.
Tôn trọng chủ thể của di sản
Nói về các ứng xử với Văn hóa Di sản Văn hóa Phi vật thể của người Việt được UNESCO ghi danh, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng cần có những cách thức quảng bá văn hóa phi vật thể khác nhau và phù hợp để cộng đồng hiểu rõ, hiểu đúng về văn hóa dựa trên việc nghiên cứu kỹ về mỗi văn hóa phi vật thể đồng thời đề cao các nguyên tắc đạo đức bảo vệ văn hóa phi vật thể, phù hợp để cộng đồng trong nước và nước ngoài hiểu rõ về di sản Việt Nam.
Tham dự hội thảo, Giáo sư-Tiến sỹ Peter Bille Larsen, hiện đang giảng dạy tại Thụy Sỹ bày tỏ sự vui mừng khi chương trình không chỉ có sự tham dự của đại diện sở văn hóa các tỉnh mà còn có các nghệ nhân nêu ý kiến rất rõ ràng những điều được và không được làm trong quá trình quản lý, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa, tín ngưỡng tâm linh tại Việt Nam.
“Về vấn đề này, UNESCO cũng có một số nguyên tắc đạo đức với nội dung tôn trọng những giá trị phong tục tập quán của từng địa phương. Với những giá trị văn hóa, tín ngưỡng linh thiêng không được đưa lên sân khấu, đưa ra trình diễn thì UNESCO hoàn toàn tôn trọng. Hiện nay, tuy có nhiều phong tục tập quán được người dân quảng bá nhưng theo tôi tiếng nói của các cộng đồng đôi khi còn yếu và cần sự bảo đảm của các nhà quản lý,” ông Peter Bille Larsen nói.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho hay bộ đã nắm được những tranh cãi xảy ra quanh vụ việc “diễn giải di sản” tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Bộ đã lắng nghe các ý kiến trái chiều. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi xem xét kỹ lưỡng hơn, từ đó bổ sung chi tiết, cụ thể hơn trong dự thảo Luật Di sản sửa đổi và bổ sung hiện đang trong quá trình hoàn thiện. Bộ đón nhận các ý kiến của các nhà khoa học theo hướng tích cực,” Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định quản lý di sản phi vật thể là vấn đề không đơn giản, nhất là giữa những biến động của thời cuộc. Việc hoàn thiện luật bổ sung, sửa đổi sẽ phải có sự thống nhất giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học và cộng đồng nhân dân, cộng đồng chủ thể thực hành di sản.
“Sự thống nhất trong nhận thức sẽ góp phần xây dựng luật bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của cộng đồng. Phải có sự đoàn kết chung tay trong cộng đồng, các nhà khoa học mới có thể bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản,” Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói./.
Tính đến nay, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh 15 Di sản Văn hóa Phi vật thể của Việt Nam; có 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân,” “Nghệ nhân Ưu tú.” Khoảng 7 vạn Di sản Văn hóa Phi vật thể được kiểm kê, 497 di sản được đưa vào "Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia phân bố rộng khắp trên cả nước. |