Đi tìm lời giải cho bài toán tiết kiệm điện trong ngành công nghiệp

Theo đại diện EVN, dù nhiều đơn vị có nhận thức, hiểu vấn đề nhưng chưa thực thi tốt và đầy đủ các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp.
Đi tìm lời giải cho bài toán tiết kiệm điện trong ngành công nghiệp ảnh 1Nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới để giảm tiêu hao năng lượng. (Ảnh: TTXVN)

Các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30-35%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù phần lớn doanh nghiệp đều nắm rõ luật, các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực thi hoặc triển khai mang tính hình thức.

Chưa thực hiện nghiêm

Dẫn ý kiến của các chuyên gia, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết từ năm 2011 đến nay, chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp Việt Nam vẫn ở mức khoảng 400 TOE mới tạo 1.000 USD/GDP. Con số này cao hơn 30% so với Thái Lan, 60% so với Malaysia và gấp 4-5 lần các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ.

[Công suất tiêu thụ điện miền Bắc lại lập đỉnh mới]

Bên cạnh đó, hệ số đàn hồi điện của Việt Nam vẫn đang ở mức 1,3-1,4 lần, chứng tỏ việc sử dụng năng lượng còn lãng phí. Nói một cách khác, dư địa về tiết kiệm năng lượng vẫn còn rất lớn, riêng dư địa tiết kiệm trong ngành công nghiệp lên đến 30-35%.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, qua việc tham quan trực tiếp các cơ sở, doanh nghiệp nhiều đơn vị có nhận thức, hiểu vấn đề nhưng chưa thực thi tốt và đầy đủ các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hơn nữa, có nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách cơ sở trọng điểm phải kiểm toán năng lượng 3 năm/lần nhưng không thực thi hoặc làm mang tính hình thức. Mặc dù các đơn vị điện lực tiến hành tư vấn đầy đủ nhưng doanh nghiệp không làm do những khó khăn riêng. Trong khi đó, các chế tài xử phạt dù có, nhưng vẫn chưa áp dụng, khiến cho việc thực hiện chưa được gắn liền vào thực tiễn.

Ngoài ra, có những doanh nghiệp theo quy định phải tiến hành thành lập bộ máy để kiểm định năng lượng, áp dụng các mô hình quản lý năng lượng nhưng chưa thực hiện đầy đủ, hoặc làm nhưng chất lượng vẫn còn thấp.

Theo thống kê, hiện cả nước có 2.961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE trở lên, tương đương 6 triệu kWh/năm), hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Mức tiêu thụ điện bình quân của các cơ sở này lên tới 72 tỷ kWh/năm, chiếm 33% tổng tiêu thụ điện năng toàn quốc.

Nếu các doanh nghiệp này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 của Thủ tướng Chính phủ) thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh.

Do đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, do chi phí năng lượng tại Việt Nam còn thấp, nhất là giá điện của khối sản xuất công nghiệp khá thấp trong khi việc đầu tư trang thiết bị, dây chuyền tiết kiệm năng lượng cần nguồn lực lớn, nên nhiều doanh nghiệp còn chưa mặn mà.

Cần những biện pháp mạnh mẽ

Thực tế cho thấy, trước vấn đề về nâng cao năng lực cạnh tranh thì việc chuyển đổi công nghệ để giảm tiêu hao năng lượng, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang là nội dung rất quan trọng.

Ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng cho rằng, ngay từ bây giờ, phải hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn, bền vững hơn. Đặc biệt, các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều như ximăng, sắt thép,… cần phải áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm năng lượng để cắt giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống.

Ông đề nghị Nhà nước phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp và cả người dân tuân thủ, thực hiện tiết kiệm năng lượng, đồng thời có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi hoặc thưởng cho doanh nghiệp đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Song song song đó, cần đầu tư nâng cao năng lực quản lý của cho các cơ quan quản lý ở địa phương như các Sở Công Thương, Trung tâm tiết kiệm năng lượng… Đặc biệt phải có cơ chế tài chính trong nước rõ ràng để huy động và khơi thông các nguồn vốn ưu đãi, giúp doanh nghiệp tiếp cận để đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Đi tìm lời giải cho bài toán tiết kiệm điện trong ngành công nghiệp ảnh 2Nhân viên EVN kiểm tra vận hành các thiết bị điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về phía Bộ Công Thương, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thông tin, hiện nay, Bộ Công Thương được giao rà soát, sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả để trình Quốc hội trong quý 4/2022.

Dự kiến, Luật sẽ được sửa theo hướng nâng cao hiệu lực của Luật, mở rộng đối tượng, chuyển nhiều đối tượng sang dạng bắt buộc. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ trình Quốc hội sửa luật theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Theo tiến sỹ Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực, Việt Nam là nước đang phát triển, đa số trình độ công nghệ, dây chuyền sản xuất và nguồn nhân lực tư vấn triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng còn hạn chế.

Tuy nhiên, tiềm năng để thực hiện tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp và cơ hội để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về quản lý năng lượng, tư vấn, kiểm toán năng lượng là rất lớn.

Về phía EVN, ông Trần Viết Nguyên nhấn mạnh, EVN đã thí điểm cung cấp một số giải pháp cho khách hàng công nghiệp theo phương thức đầu tư hoàn toàn nhằm chứng minh tính hiệu quả của tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp. Qua đó, EVN hy vọng sẽ có nhiều cơ chế, chính sách mới vừa bắt buộc vừa mềm dẻo để áp dụng tới các cơ sở./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục