Đi tìm lời giải cho thực trạng lao động trẻ em trong ngành cacao

Sự thất bại của một thỏa thuận quan trọng về chấm dứt lao động trẻ em trong ngành ca cao đã buộc Tổ chức Lao động Quốc tế phải tính đến việc cấm trẻ em lao động.
Đi tìm lời giải cho thực trạng lao động trẻ em trong ngành cacao ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: confectionerynews.com)

Swissinfo.ch ngày 3/5 đăng bài phân tích của chuyên gia Anand Chandrasekhar về thực trạng lao động trẻ em trong ngành cacao, giữa bối cảnh Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có trụ sở tại Geneva phát động 2021 là Năm Quốc tế Xóa bỏ Lao động Trẻ em.

Sự thất bại của một thỏa thuận quan trọng về chấm dứt lao động trẻ em trong ngành ca cao đã buộc tổ chức này phải tính đến việc cấm trẻ em lao động.

Cậu bé Samuel Obini 11 tuổi người Ghana (quốc gia Tây Phi) được mẹ đánh thức lúc 6 giờ sáng.

Sau bữa sáng nhỏ với cháo ngô, cậu bé đi đến mảnh đất rộng hai mẫu của gia đình để giúp thu hoạch quả ca cao vì đây là mùa thu hoạch cao điểm. Hai anh trai của cậu đã rời nhà để tìm việc làm ở thành phố Kumasi. Hai cô em gái của cậu vẫn còn quá nhỏ để giúp đỡ. Cha mẹ cậu bé không có tiền để thuê lao động.

[Hơn 152 triệu trẻ em phải lao động để kiếm sống qua ngày]

Công việc phải được thực hiện bằng tay vì các quả chín vào các thời điểm khác nhau trên cùng một cây. Obini sử dụng một cây gậy dài có móc kim loại ở cuối để thu hoạch. Sau khi thu hoạch quả trong ngày, cậu dùng dao rựa nhỏ tách chúng ra và lấy phần thịt trắng có chứa hạt ca cao.

Những gì Obini đang làm là bất hợp pháp. Ở nông trại, cậu bé đã thực hiện ít nhất ba hoạt động nguy hiểm theo khuôn khổ hoạt động lao động trẻ em của Ghana: Thu hoạch quả ca cao trên cao bằng dụng cụ sắc nhọn, bẻ quả ca cao bằng dao sắc và làm việc mà không có quần áo bảo hộ cơ bản cho bàn chân và cơ thể. Obini cũng dưới 13 tuổi - tuổi hợp pháp tối thiểu để được gọi là "công việc nhẹ."

Nếu công việc của cậu bị phát hiện, sẽ không có công ty sôcôla Thụy Sĩ nào muốn sử dụng những hạt ca cao mà cậu vừa thu hoạch.

Ngành công nghiệp sôcôla ràng buộc bởi chính sách lao động trẻ em được thực hiện ở Geneva xa xôi, nơi đặt trụ sở của ILO.

Cam kết không thành công

Năm nay, ILO đang đánh dấu Năm Quốc tế Xóa bỏ Lao động Trẻ em. Năm 2021 cũng đánh dấu sự kết thúc của Giao thức Harkin-Engel - một thỏa thuận quốc tế năm 2001 có sự tham gia của Chính phủ Mỹ, Côte d’Ivoire và Ghana, ILO và các nhà sản xuất sôcôla với mục tiêu là loại bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất trong ngành cacao.

Tuy nhiên, sau nhiều lần thất bại trong việc đáp ứng thời hạn (năm 2005, 2008 và 2010), giao thức này đã được sửa đổi để cố gắng giảm 70% các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất trong ngành ca cao của Ghana và Côte d’Ivoire vào năm 2020.

Lý do những thất bại bao gồm sự thiếu truy xuất nguồn gốc, thiếu trường học địa phương để nhận trẻ em, sự gia tăng diện tích trồng cacao và thay đổi định nghĩa về lao động trẻ em.

Đi tìm lời giải cho thực trạng lao động trẻ em trong ngành cacao ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Các con số gần đây nhất có vẻ không có nhiều hứa hẹn. Báo cáo năm 2020 do Bộ Lao động Mỹ ủy quyền đánh giá tiến độ hướng tới mục tiêu này cho thấy 1,56 triệu trẻ em vẫn đang lao động liên quan đến ngành cacao ở Côte d’Ivoire  và Ghana, theo các cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2018-2019. Trong số này, 95% là lao động độc hại.

Trong khi đó, cũng khó để đánh giá các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất có giảm 70% so với năm 2010 hay không vì phương pháp của cuộc khảo sát gần đây nhất khác với những lần trước.

Tuy nhiên, báo cáo cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 5-17 tuổi tham gia lao động trẻ em trong ngành ca cao đã tăng trong thập kỷ qua từ 31% năm 2008/2009 lên 45% năm 2018/2019.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy giống như Obini, 94% trẻ em làm nghề trồng ca cao đang làm việc cho cha mẹ hoặc những người họ hàng khác.

James Sumberg, một chuyên gia về việc làm cho thanh niên nông thôn châu Phi tại Viện Nghiên cứu Phát triển (Anh), cho rằng không nên chỉ xác định liệu có gây tổn hại cho trẻ em hay không, mà quyết định này phải bao gồm bối cảnh xã hội mà chúng được thực hiện.

Khái niệm lao động trẻ em

ILO định nghĩa phổ quát lao động trẻ em là công việc nguy hiểm về tinh thần, thể chất, xã hội hoặc đạo đức và có hại cho trẻ em; và/hoặc cản trở việc học của trẻ em.

Benjamin Smith, chuyên gia về lao động trẻ em tại ILO, cho biết: “Lao động trẻ em không phải là công việc gia đình. Thay vào đó, ILO tập trung vào các tình huống trẻ em còn quá nhỏ để làm công việc liên quan hoặc tiếp xúc với công việc độc hại gây nguy hiểm cho sức khỏe hoặc sự an toàn của chúng. Cuối cùng là các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất bao gồm nô lệ, ép buộc tuyển dụng vào xung đột vũ trang, bóc lột tình dục vì mục đích thương mại và các hoạt động bất hợp pháp như buôn bán ma túy.”

Neil Howard, một nhà nghiên cứu về lao động trẻ em tại Đại học Bath (Anh), cho rằng bản thân khái niệm lao động trẻ em là một vấn đề, đặc biệt là cách mà các nhà chức trách chính trị cố gắng bảo vệ trẻ em.

Ông Howard cho rằng khái niệm lao động trẻ em đã được đưa ra bởi các chính trị gia có thiện chí, phần lớn ở phương Tây, đặc biệt là ILO, nhằm nỗ lực bảo vệ trẻ em. Phản ứng chính trị chủ yếu liên quan đến việc cấm một số loại hình công việc mà ông cho là ảnh hưởng bất lợi tới nhiều trẻ em. Đối với giới nghiên cứu, đó là vấn đề cân nhắc giữa chi phí và lợi ích liên quan đến tình hình địa phương.

Nhà nghiên cứu Howard nói: “Chắc chắn, làm những công việc lặp đi lặp lại như hái quả ca cao có thể có một số mặt trái. Nhưng với bối cảnh có rất nhiều trẻ em nông thôn nghèo ở Tây Phi sống, đó không chỉ là nhu cầu kinh tế mà thực sự là một kỹ năng quan trọng để họ tồn tại vì canh tác ca cao có lẽ sẽ là công việc mà họ phải làm."

Theo chuyên gia Smith, các quốc gia được tự do điều chỉnh các hướng dẫn của ILO cho phù hợp với môi trường quốc gia của họ và các chính phủ có quyền quyết định những gì đủ điều kiện bị coi là công việc nguy hiểm.

Nhưng chuyên gia Sumberg lập luận rằng nhiều luật quốc gia được áp dụng gần như dập khuôn từ các khuyến nghị được đưa ra tại các công ước của ILO, do đó tính linh hoạt không được thực hiện.

Điều rõ ràng là có một khoảng cách giữa luật pháp và quy định quốc gia được ILO truyền cảm hứng ở Ghana và Côte d’Ivoire  và số phận của nhiều trẻ em ở những quốc gia này. Nhiều yếu tố giúp loại bỏ lao động trẻ em trong thế giới công nghiệp hóa - như cơ giới hóa ngành công nghiệp và nông nghiệp - không có ở nhiều nơi trên thế giới.

Tiếp cận cứng rắn

Bên cạnh ILO và các chính phủ quốc gia, các công ty sôcôla là một nhân tố lớn khác ảnh hưởng đến cách các chính sách lao động trẻ em được thực hiện trên thực tế.

Chuyên gia Sumberg về chiến lược lao động trẻ em cho biết nhận thức của công chúng về sản phẩm và các giá trị xung quanh thương hiệu là vô cùng quan trọng và những người quản lý thương hiệu phải dành nhiều thời gian để giữ gìn và bảo vệ thương hiệu của mình. Do đó, nhiều công ty chọn cách tiếp cận cứng rắn trong bối cảnh các phương tiện truyền thông, tổ chức phi chính phủ và người tiêu dùng giám sát.

Công ty sôcôla Thụy Sĩ Lindt & Sprungli cho rằng các nhà cung cấp của họ bị ràng buộc bởi các hạn chế về lao động trẻ em “theo định nghĩa của ILO và Công ước Liên hợp quốc và/hoặc luật quốc gia, tùy theo điều kiện nào nghiêm ngặt hơn.”

Barry Callebaut, một nhà sản xuất sôcôla lớn của Thụy Sỹ, cũng chọn một phương án nghiêm ngặt nhất, quy định độ tuổi tối thiểu để làm việc theo Công ước 138 của ILO, là 15 tuổi (hoặc 14 đối với các quốc gia có cơ sở kinh tế và giáo dục chưa phát triển đầy đủ). Công ty chỉ chấp nhận độ tuổi tối thiểu theo quy định của pháp luật địa phương nếu cao hơn so với quy định của ILO.

Chuyên gia Howard của Đại học Bath cho biết sự nghiêm ngặt này từ phía các công ty phần lớn là do sôcôla được tiêu thụ bởi “những người giàu ở châu Âu, những người không thích nghĩ đến việc trẻ em tham gia vào việc làm ra nó.” Ông cho rằng điều này đặt trọng tâm không cân đối vào ngành ca cao trong kế hoạch tổng thể về các vấn đề lao động trẻ em.

Nghiên cứu mới nhất của ILO cho thấy lao động trẻ em xuất hiện nhiều hơn trong sản xuất hàng hóa phi xuất khẩu như ngô, gạo hoặc sắn hơn là sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Những công việc này hiếm khi được giám sát và thường liên quan đến trẻ vị thành niên làm công việc nguy hiểm.

Chuyên gia Smith cho biết lao động trẻ em trong nông nghiệp tự cung tự cấp, giúp việc gia đình và trong ngành dịch vụ là một phần lớn của vấn đề, nhưng thường không được chú ý nhiều như lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Câu trả lời không dễ

Ngành sôcôla đồng ý rằng lao động trẻ em là một vấn đề phức tạp liên quan đến nghèo đói ở nông thôn và việc cấm trẻ em làm việc đơn thuần không phải là câu trả lời.

Một đánh giá tác động năm 2019 đối với các nỗ lực tiếp cận của Lindt & Sprungli cho thấy rằng nông dân Ghana đang vật lộn để mưu sinh và chỉ kiếm được khoảng 2.500 USD/năm, trong đó 70% đến từ trồng ca cao.

Nghiên cứu tác động năm 2019 cũng cho thấy rằng việc đào tạo phòng ngừa lao động trẻ em của công ty có một phần nguyên nhân dẫn đến năng suất cây trồng thấp hơn do lực lượng lao động gia đình giảm.

Nick Weatherill, Giám đốc điều hành của International Cocoa Initiative điều phối hành động của các công ty sôcôla lớn, cho biết: “Không có cách sửa chữa nào dễ dàng và thay vào đó chúng tôi cần nỗ lực phối hợp từ nhiều bên, mang lại nhiều giải pháp. Một số rào cản mà ngành công nghiệp đã xác định bao gồm tiếp cận đất đai và quyền sở hữu không bình đẳng, sinh kế mong manh, mất an ninh lương thực, hạn chế tiếp cận giáo dục có chất lượng, hộ gia đình nghèo, tiếp cận lao động trưởng thành kém, thiếu nhận thức về sự nguy hiểm của lao động trẻ em và các lựa chọn thay thế hạn chế cho trẻ em."

Như một giải pháp khả thi, chuyên gia Smith của ILO chỉ ra một kế hoạch được Ghana và Côte d'Ivoire thông qua, trong đó các công ty sẽ trả thêm 400 USD cho mỗi tấn ca cao sẽ được phân phối lại cho nông dân.

Ông nói: “Những công ty đã đồng ý tham gia vào kế hoạch đó đang thực sự đặt tiền của họ vào những cam kết chấm dứt lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng.”

Chuyên gia Sumberg nói: “Chiến lược hiệu quả nhất có thể là chiến lược khó khăn nhất đối với ngành ca cao, đó là trả cho các nhà sản xuất và mọi người trong chuỗi cung ứng một mức lương công bằng."

Tỷ lệ lao động trẻ em đã giảm 38% trong thập kỷ qua, nhưng vẫn còn 152 triệu trẻ em hiện đang tham gia hình thức lao động này. ILO đã và đang hoạt động trong lĩnh vực xóa bỏ lao động trẻ em trong suốt 100 năm qua kể từ khi thành lập.

Năm Quốc tế Xóa bỏ Lao động Trẻ em mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những cam kết bổ sung hướng tới việc chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục