Dịch bệnh COVID-19 ngày 21/11: Châu Âu ghi nhận nhiều ca nhiễm mới

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 260.240 ca tử vong trong tổng số hơn 12,2 triệu ca nhiễm, tiếp đó là Ấn Độ với 132.764 ca tử vong trong số hơn 9 triệu ca bệnh.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers, tính đến 8 giờ 30 sáng 21/11 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 57.894.631 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó 1.376.796 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 40.096.686 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 260.240 ca tử vong trong tổng số hơn 12,2 triệu ca nhiễm. Trong một tuần qua, ước tính Mỹ đã ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc mới, tăng 26% so với tuần trước đó.

Tiếp đó là Ấn Độ với 132.764 ca tử vong trong số hơn 9 triệu ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 168.662 ca tử vong trong số hơn 6 triệu bệnh nhân.

Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (15.575.960 ca), trong đó Ấn Độ đứng đầu. Với gần 15,3 triệu ca, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 14.361.980 ca và Nam Mỹ với 10.623.415 ca. Châu Phi (hơn 2 triệu ca) và châu Đại Dương (hơn 43.400 ca) là hai khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

[Con trai cả của Tổng thống Trump, cố vấn Nhà Trắng mắc COVID-19]

Hiện dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu, trong đó các nước như Nga, Pháp, Đức và Anh đều ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới.

Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận 22.882 ca mắc mới và 1.138 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi lên lần lượt 2.109.170 ca và 48.265 ca.

Cơ quan Y tế công cộng Pháp cho biết nước này có thể đã vượt qua được đỉnh dịch của đợt lây nhiễm thứ hai, nhưng cảnh báo chính phủ và người dân nên duy trì các biện pháp phòng dịch.

Dịch bệnh COVID-19 ngày 21/11: Châu Âu ghi nhận nhiều ca nhiễm mới ảnh 1Chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Le Port-Marly, gần Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, Đức có thêm 23.648 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 879.564 ca. Số ca tử vong cũng tăng 260 ca lên 13.630 ca. Anh cũng thông báo thêm 20.252 người dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 1.473.508 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận 511 ca tử vong mới, nâng tổng số ca không qua khỏi lên 54.286 ca.

Trong khi đó, Nga ghi nhận thêm 24.318 ca mắc, trong đó có 6.902 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.039.926 ca. Đây cũng là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày tại Nga. Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 461 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 35.311 ca.

Tại Bồ Đào Nha, Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa tuyên bố gia hạn lệnh "tình trạng khẩn cấp" cho tới ngày 8/12 tới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ông cũng cảnh báo nguy cơ nước này phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ ba, có thể bùng phát từ giữa tháng 1 và tháng 2.

Tại Phần Lan, Thị trưởng thủ đô Helsinki Jan Vapaavuori thông báo sẽ cấm các cuộc hội họp công cộng từ 20 người trở lên tại vùng Helsinki nhằm đối phó với số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng. Quyết định này sẽ có hiệu lực trong 3 tuần, bắt đầu từ ngày 23/11 tới.

Tại Trung Đông, số ca mắc COVID-19 tại Iran, nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, đã tăng lên 828.377 ca, với 13.260 ca mắc mới. Hiện số ca tử vong tại Iran là 43.896 ca, tăng 479 ca trong 24 giờ qua.

Trong khi đó, Iraq ghi nhận thêm 2.543 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 531.769, trong đó có 11.883 ca tử vong. Bộ Y tế Iraq khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, vệ sinh tay và duy trì khoảng cách xã hội, cảnh báo nhiều ca mắc mới là những người đã bình phục trước đó.

Dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp ở Maroc khi nước này ghi nhận thêm 4.760 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 316.260 ca, trong đó có 5.182 ca tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục