Dịch bệnh khó làm thay đổi ưu thế thu hút đầu tư của Trung Quốc

Đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, liệu khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài có thể được duy trì hay không là điều rất đáng quan tâm.
Dịch bệnh khó làm thay đổi ưu thế thu hút đầu tư của Trung Quốc ảnh 1Công nhân kiểm tra linh kiện điện tử tại một nhà máy ở huyện Đào Viên, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày 20/2. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo nhận định của tờ Thương báo (Hong Kong), tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV2 (COVID-19) tiếp tục lây lan và đang có tác động rõ rệt đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là thị trường tài chính.

Càng rơi vào khủng hoảng, khả năng thu hút đầu tư toàn cầu càng phải đối mặt với thử thách lớn.

Đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới, liệu khả năng cạnh tranh của nước này trong thu hút đầu tư nước ngoài có thể được duy trì hay không là điều rất đáng quan tâm.

Quan sát các dữ liệu kinh tế khác nhau kể từ khi dịch bệnh xảy ra trong hơn một tháng qua, có thể thấy rằng tác động của dịch COVID-19 mang tính giai đoạn, dịch bệnh sẽ không thay đổi niềm tin và chiến lược của đại đa số các công ty xuyên quốc gia đầu tư vào Trung Quốc.

Thị trường tài chính vẫn có sức hấp dẫn

Thị trường tài chính chắc chắn là một “cánh cửa sổ” để quan sát các xu hướng đầu tư nước ngoài. Hơn một tháng sau khi dịch bệnh bùng phát, ý định đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc càng mạnh mẽ hơn.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào.

[COVID-19: Ngành ngân hàng-tài chính châu Âu chuẩn bị kế hoạch dự phòng]

Năm ngoái, dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc đã vượt trên 350 tỷ nhân dân tệ (49,95 tỷ USD).

Và gần hai tháng đầu năm nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục đã lên tới gần 100 tỷ nhân dân tệ (14,27 tỷ USD).

Mặc dù trong mấy ngày giao dịch gần đây đã xuất hiện hiện tượng rút tiền đầu tư nước ngoài, nhưng quy mô vẫn tương đối nhỏ. Đây có thể chỉ là biến động còn xu hướng chung thì không thay đổi.

Các nhà quan sát dự báo quy mô của dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục năm nay ít nhất tương đương với năm ngoái, mặc dù xuất hiện dịch COVID-19, nhưng tác động nhìn chung là có thể kiểm soát.

Hiện nay, định giá chung của thị trường chứng khoán đại lục vẫn có những lợi thế rõ ràng. Tỷ lệ giá trên lợi nhuận cổ phiếu (P/E) vẫn ở mức khoảng 20 lần, và đây vẫn là một thị trường tương đối có giá trị trong thị trường vốn toàn cầu.

Biểu hiện về tỷ giá đồng nhân dân tệ cũng là một tấm gương để quan sát xu hướng đầu tư nước ngoài.

Sau khi dịch bệnh bùng phát, tỷ giá đồng nhân dân tệ bị ảnh hưởng ở mức độ nhất định, tỷ giá đồng nhân dân tệ đổi sang USD đã phá vỡ mức 7 nhân dân tệ đổi 1 USD.

Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ phá vỡ ngưỡng này không chỉ là tác động của dịch bệnh, mà cả tâm lý né tránh rủi ro trên toàn cầu đang lên cao, khiến chỉ số USD tăng.

Các thế lực đầu cơ bán khống nhân dân tệ trên thị trường ngoại hối gần đây vẫn tương đối yếu.

Giải pháp ổn định đầu tư nước ngoài của nhà nước

Các biện pháp của Trung Quốc để ổn định đầu tư nước ngoài đã liên tục được đưa ra sau khi dịch bệnh bùng phát, cũng đã thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, mang đến cho họ “liều thuốc an thần.”

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, các cơ quan hữu quan nhà nước đã dốc sức hỗ trợ các công tác liên quan đến việc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế và xã hội, thực hiện tốt chức năng quản lý ngoại hối.

Một là tiếp tục sử dụng các biện pháp kiểm soát ngoại hối trong tình hình dịch bệnh.

Tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc nhập khẩu nguyên liệu chính trong tình hình dịch bệnh, quyên góp ngoại hối, kiểm soát dòng vốn xuyên biên giới và tạo sự thuận lợi trong nghiệp vụ ngoại hối liên quan đến việc phục hồi sản xuất và nối lại công việc.

Chính phủ cũng đưa ra nhiều biện pháp để ổn định ngoại thương và đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, Trung Quốc tiếp tục thực hiện 12 biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư xuyên biên giới, sắp xếp các chính sách quản lý ngoại hối hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế thực.

Chính phủ cũng thúc đẩy thực hiện khai thuế điện tử trong thương mại dịch vụ trên toàn quốc, mở rộng phù hợp phạm vi nghiệp vụ ngoại hối của các tổ chức thanh toán lớn, nghiên cứu đổi mới nghiệp vụ ngoại hối cá nhân, hỗ trợ kết nối thị trường tài chính và mở cửa hai chiều.

Ngoài ra, chính phủ nước này được đánh giá là làm tốt các chính sách ứng phó rủi ro như tăng cường nghiên cứu, giám sát, phân tích đối với xuất nhập khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI), chuyển giao công nghiệp, xu hướng kinh tế và nắm bắt kịp thời những thay đổi động thái.

Tăng cường hướng dẫn dự báo, nghiêm trị các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngoại hối và duy trì sự ổn định cơ bản của thị trường ngoại hối.

Bên cạnh đó, những nỗ lực của Trung Quốc trong công tác chống dịch COVID-19 đã góp phần củng cố niềm tin của thế giới đối với nước này.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang được ngăn chặn và kiểm soát một cách hiệu quả.

Các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang khôi phục lại tiến trình sản xuất bình thường.

Bài viết kết luận sau khi dịch bệnh kết thúc xu hướng vốn đầu tư nước ngoài rót vào Trung Quốc sẽ được khôi phục và đây sẽ tiếp tục là điểm nóng của đầu tư nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục