Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h ngày 11/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 269.394.514 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.310.981 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 242.238.837 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 817.317 ca tử vong trong tổng số 50.694.650 ca nhiễm.
Trong vòng 24 giờ qua, thế giới đã có thêm 605.674 ca mắc mới, trong đó Mỹ đứng đầu với 136.692 ca. Tiếp theo là Đức và Anh - lần lượt là 58.969 ca và 58.194 ca.
Đáng chú ý, số ca mắc mới tại Anh theo ngày đã lên mức cao nhất kể từ ngày 9/1 vừa qua.
Giới chức y tế cảnh báo nước Anh đang đối mặt với tình huống đáng lo ngại khi biến thể Omicron lây lan nhanh khiến số ca lây nhiễm tăng gấp đôi sau mỗi 2-3 ngày.
[Số ca mắc mới tại Mỹ tăng vọt dù cán mốc tiêm 200 triệu liều vaccine]
Theo ước tính, 30% số ca mắc mới tại London là mắc biến thể Omicron. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xu hướng hiện nay, nhiều khả năng Omicron sẽ trở thành biến thể thống trị tại Anh với hơn 1 triệu ca mắc vào cuối tháng này.
Cho tới nay, Anh đã ghi nhận 1.265 ca mắc biến thể Omicron. Anh là một trong số quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu Âu với 146.255 ca. Tuy nhiên, tỷ tệ tử vong tại nước này không gia tăng vào tuần trước.
Trong khi đó, nhiều quốc gia cũng ban hành quy định mới về tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng ngừa biến thể Omicron.
Tại Singapore, Bộ Y tế nước này thông báo sẽ bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 ngay trong năm nay.
Hiện 87% trong tổng số 5,5 triệu dân quốc đảo này đã được tiêm chủng và nhà chức trách đang gấp rút tiêm vaccine cho trẻ em do quan ngại sự gia tăng các ca mắc COVID-19 ở nhóm tuổi này.
Liều lượng vaccine tiêm cho trẻ em sẽ bằng 1/3 liều lượng tiêm cho người lớn, tương tự tại Mỹ.
Hiện tại, Singapore mới chỉ chấp thuận sử dụng vaccine Comirnaty của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em nước này.
Trong khi đó, người phát ngôn Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19, Tiến sỹ Reisa Broto Asmoro cho biết Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu hoàn tất tiêm vaccine ngừa COVID-19 liều thứ hai vào tháng Ba hoặc tháng 4/2022.
Bà Reisa Broto Asmoro cho hay vào thời điểm đó, Chính phủ Indonesia sẽ cung cấp vaccine cho 70% dân số, tương đương với 208,2 triệu người, nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Theo Bộ Y tế Indonesia, tính đến 12h ngày 10/12, đã có 145.085.912 người dân nước này được tiêm vaccine mũi thứ nhất, đạt 69,66% mục tiêu, và 101.794.596 người, tương đương với 48,88% mục tiêu, đã được tiêm đầy đủ hai mũi.
Tương tự, tại Séc, điều phối viên tiêm chủng tại Prague Martin Ježek thông báo 18.000 liều vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi sẽ được vận chuyển đến thủ đô vào ngày 14/12 và việc tiêm chủng sẽ bắt đầu sau khi vaccine được phân phối tới các điểm tiêm chủng.
Các bậc cha mẹ có thể đăng ký và đưa con đến tiêm tại 10 điểm tiêm chủng hoặc đến bác sỹ chuyên khoa thích hợp.
Cùng ngày, Chính phủ Algeria đã ban hành một số quy định mới dựa trên tình hình tiêm phòng vaccine để đối phó với làn sóng COVID-19 đang tăng mạnh trở lại.
Cụ thể, Algeria gia hạn việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa thêm 15 ngày, kể từ ngày 10/12, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng cho người dân.
Ngoài ra, Chính phủ Algeria kêu gọi người dân tiếp tục nâng cao cảnh giác và tránh tâm lý lơ là phòng dịch, nhất là khi tại nhiều nước đã xuất hiện biến thể nguy hiểm Omicron.
Trong khi đó, Ủy bán Giám sát đại dịch COVID-19 của Algeria khuyến cáo nên áp dụng "hộ chiếu vaccine" với các du khách nhập cảnh và các sự kiện có đông người tham gia như các hoạt động thể thao, văn hóa và bữa tiệc.
Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Algeria là 212.434 trường hợp, trong đó có 6.132 ca tử vong./.