Dịch COVID-19: Indonesia phạt nặng những người không chịu tiêm phòng

Chính quyền thành phố Jakarta của Indonesia cảnh báo sẽ phạt tới 5 triệu rupiah (356,89 USD) đối với những công dân không chịu tiêm vắcxin phòng ngừa bệnh COVID-19.
Dịch COVID-19: Indonesia phạt nặng những người không chịu tiêm phòng ảnh 1Các nhân viên y tế được tiêm ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 27-1.( Ảnh: REUTERS)

Chính quyền thành phố Jakarta của Indonesia cảnh báo sẽ phạt tới 5 triệu rupiah (356,89 USD) đối với những công dân không chịu tiêm vắcxin phòng ngừa bệnh COVID-19. Đây là mức phạt cao nhằm buộc người dân phải tuân thủ quy định mới là phải tiêm phòng. 

Phát biểu với báo giới, Phó Thống đốc thành phố Jakarta Ahmad Riza Patria nêu rõ: "Nếu bạn không chịu tiêm phòng, thì phải chịu 2 điều là sẽ không được nhận hỗ trợ xã hội và nộp phạt."

Trong chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa dịch COVID-19 được khởi động hồi tháng trước, Indonesia đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người trong tổng số 270 triệu dân ở nước này trong vòng 15 tháng. 

Hồi đầu tháng này, Indonesia đã công bố sắc lệnh của tổng thống, theo đó, bất kỳ ai không chịu tiêm phòng COVID-19 có thể không được nhận hỗ trợ xã hội hay các dịch vụ của chính phủ hoặc phải nộp phạt. Mức phạt sẽ do cơ quan y tế hoặc chính quyền địa phương quyết định. 

Theo cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu và tư vấn Saiful Mujani thực hiện tháng 12/2020, chỉ có 37% trong tổng số 1.202 người được hỏi cho biết họ sẵn sàng tiêm phòng COVID-19, 40% chưa có quyết định và 17% cho biết sẽ từ chối tiêm phòng.

[COVID-19: Malaysia ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong một ngày]

Ngày 18/2, Trợ lý phát ngôn viên Trung tâm xử lý tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (CCSA) Apisamai Srirangson cho biết Chính phủ Thái Lan đã đề ra các biện pháp để thực hiện 3 mục tiêu trong việc tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, trao đổi với báo giới, bác sĩ Srirangson cho biết để thực hiện mục tiêu thứ nhất là giảm số lượng bệnh nhân và số ca tử vong vì COVID-19, tiêm chủng sẽ được thực hiện đối với những người trên 60 tuổi và những người mắc bệnh mãn tính.

Đối với mục tiêu thứ hai là để bảo vệ hệ thống y tế quốc gia, những người được tiêm sẽ là nhân viên y tế cũng như người lao động và quan chức có nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh hoặc tiếp xúc với bệnh nhân.

Đối với mục tiêu thứ ba là để bảo vệ nền kinh tế và xã hội quốc gia, những người được tiêm sẽ là người dân và người lao động trong các ngành dịch vụ, du lịch và công nghiệp. Người sử dụng lao động sẽ đồng chi trả cho việc tiêm chủng đối với lao động nhập cư đang làm việc cho họ.

Ngoài ra, vắcxin cũng sẽ được dự trữ để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Bác sĩ Apisamai khẳng định mọi người ở Thái Lan - gồm cả người Thái và người nước ngoài, kể cả lao động nhập cư - sẽ được tiếp cận với vắcxin ngừa COVID-19 chất lượng và an toàn.

Theo kế hoạch, lô đầu tiên gồm 200.000 liều vắcxin ngừa COVID-19 của Công ty công nghệ sinh học Sinovac (Trung Quốc) sẽ được Hãng hàng không quốc gia Thái Lan (THAI) vận chuyển từ Trung Quốc về nước vào ngày 24/2 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục