Dịch COVID-19: Khơi thông dòng vốn tới doanh nghiệp

Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn thời gian trả nợ… đã góp phần làm vơi bớt áp lực tài chính cho các doanh nghiệp và khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính TPBank. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính TPBank. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo Ngân hàng Nhà nước, để hỗ trợ các doanh nghiệp và khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn so lãi suất thông thường từ 0,5%-3%.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới đối với 47.000 khách hàng với doanh số cho vay đạt gần 80.000 tỷ đồng.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Theo các chuyên gia, sự chủ động vào cuộc cùng với các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại trong thời gian qua như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn thời gian trả nợ… đã vơi bớt áp lực tài chính cho các doanh nghiệp và khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chính sách nhanh, kịp thời để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, hoãn, giãn thời gian trả nợ, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Điều này đã thể hiện trách nhiệm rất lớn của các tổ chức tín dụng đối với khó khăn của doanh nghiệp, khách hàng và người vay vốn.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ 23/1 đến 28/3 các tổ chức tín dụng đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13.500 tỷ đồng; đã và đang xem xét miễn giảm lãi cho gần 36.000 khách hàng với dư nợ trên 91.000 tỷ đồng, chủ yếu cho khách hàng ở các ngành: dịch vụ lưu trú, ăn uống, nông lâm nghiệp thủy sản, xây dựng, vận tải kho bãi, bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tại, giáo dục...

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn so lãi suất thông thường từ 0,5%-3% (khoảng 250.000 tỷ đồng, chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa...)

Kết quả, đến nay các tổ chức tín dụng đã cho vay mới đối với 47.000 khách hàng với doanh số cho vay đạt gần 80.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, chưa bao giờ ngành ngân hàng có những động thái mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp như thời điểm hiện nay.

Mở rộng cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, toàn ngành ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt, các ngân hàng thương mại triển khai đồng loạt các gói, các chương trình, các sản phẩm đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt những khách hàng có dư nợ tín dụng bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra và đã đạt được những kết quả tích cực được Chính phủ, Bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Chỉ riêng trong tháng Ba, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi, giãn nợ hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo đó, ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Tiếp đó, ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh một loạt lãi suất điều hành ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh và bất thường lãi suất điều hành về mức 0-0,25%/năm chỉ trong vòng 2 tuần.

Đồng thời, trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng (lãi suất trên 6 tháng vẫn theo cơ chế thỏa thuận) tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng kéo dài kỳ hạn.

Qua đó, tổ chức tín dụng thuận lợi hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01).

[Làn sóng giảm lãi suất lan mạnh sau cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước]

Bên cạnh việc tiếp tục triển khai Thông tư 01 quyết liệt, ngày 31/3, tại cuộc họp trực tuyến với các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra với mức giảm khoảng 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước dịch.

Dịch COVID-19: Khơi thông dòng vốn tới doanh nghiệp ảnh 1Giao dịch tại Nngân hàng Agribank Hòa Bình. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng đã có cơ chế mở hơn để doanh nghiệp dễ tiếp cận với gói tín dụng hỗ trợ ưu đãi như: không yêu cầu chứng minh khó khăn do dịch COVID-19, giảm lãi suất trên dư nợ hiện hữu và giảm lãi vay cho cả vay thế chấp lẫn tín chấp, không cần tài sản đảm bảo…

Chẳng hạn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) áp dụng giảm lãi vay đối với khoản nợ hiện hữu và khoản vay mới.

Cụ thể, ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm đến 2%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Mức giảm cụ thể tùy thuộc từng lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của doanh nghiệp.

Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) ban hành thêm các chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng giải ngân mới với tổng dư nợ lên tới 12.000 tỷ đồng.

Theo đó, TPBank có các gói 5.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, gói 4.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp lớn, 3.000 tỷ dành cho khách hàng cá nhân, với mức lãi suất ưu đãi giảm 1,5-2,5% so với mức lãi suất hiện hành.

Đặc biệt, một số ngân hàng giảm mạnh lãi vay hỗ trợ cho khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát như Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) giảm mạnh lãi suất cho vay với mọi khách hàng, không yêu cầu chứng minh khó khăn do dịch COVID-19 kể từ ngày 31/3.

Gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2-4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong cả nước.

Để có những gói tín dụng lãi suất thấp hỗ trợ doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng phải cắt giảm chi tiêu, lợi nhuận sụt giảm.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, ngân hàng mong muốn doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này để tiếp tục kinh doanh đồng hành với doanh nghiệp.

“Hiện chúng tôi đã tiết giảm chi phí ngân hàng bằng việc cho 20% nhân viên nghỉ luân phiên, 30% nhân viên làm việc ở nhà thông qua công nghệ. Theo đó, sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí vận hành để hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng của ngân hàng,” ông Nguyễn Hưng nói.

Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, diễn ra ngày 1/4 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng khẳng định, để góp phần khắc phục khó khăn của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cũng như giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục