Dịch COVID-19 làm thay đổi cán cân quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc

Nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng dịch COVID-19 có nguy cơ khoét sâu hơn sự thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc và thậm chí có thể khiến cán cân quyền lực toàn cầu nghiêng về phía Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải, phía trước) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái, phía trước) tại lễ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một ở Washington DC., ngày 15/1/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải, phía trước) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái, phía trước) tại lễ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một ở Washington DC., ngày 15/1/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

CNBC đưa tin, theo thông báo từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) và Bộ Thương mại Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer tối 7/5 đã có cuộc trao đổi với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) để thảo luận về các vấn đề thương mại, trong đó có thỏa thuận “giai đoạn 1” được ký hồi tháng 1 vừa qua.

Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư toàn cầu bày tỏ lo ngại về căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Hai nước đã vướng vào một cuộc chiến thương mại trong suốt 2 năm qua và liên tục gia tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ đối phương trước khi tạm ngừng với thỏa thuận giai đoạn 1.

Tuy nhiên, mối quan hệ song phương lại tiếp tục căng thẳng trong vài tuần trở lại đây khi Washington và Bắc Kinh khẩu chiến về hàng loạt vấn đề, kể cả về nguồn gốc virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Trong cuộc điện đàm ngày 7/5, theo USTR, cả hai bên “đã nhất trí rằng bất chấp tình trạng y tế toàn cầu khẩn cấp hiện nay, cả hai nước đều hy vọng có thể hoàn thành các cam kết theo thỏa thuận trong thời gian phù hợp.”

Về phần mình, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng ra tuyên bố nói rằng hai nước đang hướng đến triển khai những gì đã được hoạch định trong thỏa thuận. Cả hai tuyên bố đều nhấn mạnh việc Mỹ và Trung Quốc nhất trí duy trì đối thoại song phương.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung chưa thực sự có nhiều dấu hiệu giảm nhiệt, nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng dịch COVID-19 có nguy cơ khoét sâu hơn sự thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc, và thậm chí có thể khiến cán cân quyền lực toàn cầu nghiêng về phía Bắc Kinh.

Hugo Brennan, một nhà phân tích châu Á tại hãng cố vấn chính trị Verisk Maplecroft, viết: “Dịch bệnh virus Corona chắc chắn sẽ càng đổ thêm dầu vào căng thẳng địa chính trị vốn đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.”

Theo ông, dịch COVID-19 sẽ là một trong những nguồn cơn gây mâu thuẫn nghiêm trọng trong 12 tháng tới đây.

Trong khi đó, Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) cho rằng “trong thời đại khủng hoảng, các mối quan hệ thù địch trên toàn cầu có xu hướng gia tăng thay vì giảm nhẹ. Dịch COVID-19 đã dẫn đến sự suy thoái trầm trọng hơn trong mối quan hệ vốn đã tồi tệ giữa Mỹ và Trung Quốc… Dịch bệnh không phải là nguyên nhân dẫn đến những gập ghềnh trong quan hệ Mỹ-Trung, song nó càng thúc đẩy hơn nữa xu hướng vốn đã tồn tại nhiều năm khi cả hai nước cạnh tranh giành quyền bá chủ kinh tế.”

Đáng chú ý, COVID-19 cũng làm gia tăng nghi vấn về việc liệu Trung Quốc có đáp ứng đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận “giai đoạn 1” hay không, trong đó gồm cả việc mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong 2 năm.

Hồi cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyến bố sẽ “hủy” thỏa thuận này nếu Bắc Kinh không đáp ứng được các cam kết trong thỏa thuận.

[Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ thấp nhất trong hơn một thập kỷ]

Suốt thời gian qua, Trung Quốc không chỉ hứng chịu những cáo buộc từ Mỹ mà còn bị nhiều quốc gia khác như Anh và Australia chỉ trích vì sự chậm chạp và thiếu minh bạch trong giai đoạn đầu khi dịch bùng phát.

Tuy nhiên, điều này không ngăn “gã khổng lồ” châu Á mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể tận dụng cuộc khủng hoảng hiện nay làm cơ hội để gia tăng vị thế và bành trướng ảnh hưởng, đặc biệt là tại các quốc gia gánh chịu hậu quả nặng nền của dịch COVID-19 thông qua việc cung cấp các hỗ trợ cần thiết.

Trên thực tế, Bắc Kinh đã triển khai cái gọi là chiến dịch ngoại giao khẩu trang, viện trợ nhiều vật tư y tế cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi SARS-CoV-2.

Theo EIU, Trung Quốc hoàn toàn có thể tăng cường sự hiện diện tại nhiều quốc gia châu Phi, Đông Âu, Đông Nam Á và Mỹ Latinh.

Nhà phân tích châu Á Kaho Yu, làm việc tại Verisk Maplecroft, đã chỉ ra 3 yếu tố đang tạo điều kiện cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, cụ thể là:

Thứ nhất, chiến dịch tuyền truyền toàn cầu đầy mạnh mẽ nhằm thúc đẩy vai trò của Trung Quốc trong trận tuyến chống dịch;

Thứ hai, nguy cơ khủng hoảng toàn cầu khiến nhiều nhà lãnh đạo có xu hướng cáo buộc đối tác thương mại lớn nhất về cách họ phản ứng trước dịch bệnh (để đổ lỗi và chuyển hướng dư luận);

Thứ ba, dịch bệnh càng làm lộ rõ khoảng trống Mỹ để lại ở vị trí lãnh đạo quốc tế. Theo Verisk Maplecroft, những yếu tố này có thể sẽ dẫn tới “quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng,” dù vẫn còn quá sớm để đưa ra những lời khẳng định.

Số ca lây nhiễm tại Mỹ vẫn đang tăng chóng mặt, trong khi số liệu từ chính phủ Trung Quốc ghi nhận số ca mắc mới tại Trung Quốc Đại lục ở mức cực kỳ thấp.

EIU cho rằng Trung Quốc dường như đang trở thành quốc gia đầu tiên kiềm chế thành công cuộc khủng hoảng y tế công, và cũng có thể họ sẽ là nền kinh tế đầu tiên hồi phục sau những tác động nghiêm trọng của COVID-19.

EIU bình luận: “Dịch bệnh nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh hơn sự dịch chuyển cán cân quyền lực kinh tế từ Tây sang Đông trong những năm sắp tới. Trừ khi các nước phát triển thay đổi lộ trình và thúc đẩy một chiến lược kinh tế hoàn toàn khác hậu khủng hoảng, nếu không khoảng cách giữa một phương Tây phát triển trì trệ và một phương Đông với động lực kinh tế mạnh mẽ nhiều khả năng sẽ càng giãn rộng hơn”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục