Dịch COVID-19 sáng 31/1: Thế giới đã ghi nhận gần 386 triệu ca nhiễm

Mỹ ghi nhận hơn 75,5 triệu ca nhiễm, đứng đầu thế giới. Số ca nhiễm ở Mỹ gần gấp đôi nước đứng thứ hai (Ấn Độ - với 41,2 triệu ca), nước đã ghi nhận hơn 41,2 triệu ca.
Dịch COVID-19 sáng 31/1: Thế giới đã ghi nhận gần 386 triệu ca nhiễm ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm dịch COVID-19 tại Brent, phía Tây Bắc London, Anh, ngày 28/1/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h00 sáng 31/1, thế giới đã ghi nhận 385.099.572 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó 296.346.470 người đã bình phục. Hiện 94.595 ca đang phải điều trị tích cực và 5.681.386 ca tử vong.

Mỹ ghi nhận hơn 75,5 triệu ca nhiễm, đứng đầu thế giới. Số ca nhiễm ở Mỹ gần gấp đôi nước đứng thứ hai (Ấn Độ - với 41,2 triệu ca), nước đã ghi nhận hơn 41,2 triệu ca.

Brazil đứng thứ ba về số ca nhiễm, hiện ghi nhận một nửa số ca ở Ấn Độ - hiện là hơn 25,5 triệu ca.

Xét theo số ca tử vong, Mỹ đứng đầu với 907.190 ca, tiếp theo là Brazil với 626.923 ca và Ấn Độ với 495.002 ca. Ở vị trí thứ 4 và 5 là Nga với 330.728 ca và Mexico với 305.893 ca.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất với 124.664.941 ca nhiễm, trong đó có 1.614.034 ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với 99.761.066 ca nhiễm và 1.290.147 ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận hơn 88,5 triệu ca nhiễm, trong khi con số này ở Nam Mỹ là hơn 48,3 triệu ca.

[Dịch COVID-19: Thế giới chỉ ghi nhận 631 ca tử vong trong 24h qua]

Tuy nhiên, số ca tử vong ở Bắc Mỹ vượt châu Á, hiện là 1.317.487 ca, còn ở Nam Mỹ cũng tương đương châu Á với 1.214.306 ca.

Châu Phi tuy ít ảnh hưởng hơn, nhưng số ca nhiễm đang tiếp tục tăng mạnh do biến thể Omicron. Hiện châu lục này có hơn 10,9 triệu ca nhiễm, trong đó 239.299ca tử vong.

Viện Pasteur Algeria (IPA) cho biết biến thể Omicron đã chiếm 93% tổng số các trường hợp nhiễm mới mỗi ngày ở Algeria. Trong các trường hợp biến thể Omicron được phát hiện, 57% là biến thể phụ BA.2 (còn gọi là Omicron tàng hình) và 43% của biến thể phụ BA.1.

Để đối phó với làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, chính quyền Algeria đã tái áp đặt nhiều biện pháp mạnh, đồng thời đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.

Dịch COVID-19 sáng 31/1: Thế giới đã ghi nhận gần 386 triệu ca nhiễm ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Nagoya, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/ TTXVN)

Trong một động thái tương tự, bắt đầu từ sáng 31/1, Nhật Bản đã tái khởi động chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn với việc vận hành trung tâm tiêm chủng do Bộ Quốc phòng điều hành tại thủ đô Tokyo.

Đối tượng được tiêm tại trung tâm là người trên 18 tuổi, có giấy đăng ký tiêm mũi thứ 3 và đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2 ít nhất 6 tháng. Loại vaccine được sử dụng trước mắt là vaccine của hãng dược phẩm Moderna.

Những người nằm trong đối tượng tiêm chủng có thể đặt chỗ qua trang web chính thức hoặc qua điện thoại. Tuy nhiên, đại diện Bộ Quốc phòng Nhật Bản khuyến cáo người dân nên đặt chỗ qua trang web để đảm bảo không bị nhầm lẫn thông tin.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã lên kế hoạch khởi động lại trung tâm tiêm chủng quy mô lớn tại tỉnh Osaka do bộ trên điều hành từ ngày 7/2. Khả năng tiêm đợt đầu tại trung tâm này là 960 lượt/ngày và bắt đầu tiếp nhận đặt chỗ từ ngày 4/2.

Đây là lần thứ hai Chính phủ Nhật Bản khởi động các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn do Bộ Quốc phòng điều hành tại hai thành phố lớn là Tokyo và Osaka./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục